Thú thật, thế hệ 7X như tôi gần đây mới biết đến sự kiện kết nghĩa giữa hai địa phương từ trong thời chiến.
Mỗi ngày đi làm, tôi đều mấy lượt đi qua cầu Kim Sơn, ngang qua đường Ninh Bình, rạp chiếu bóng Hoa Lư… nhưng tôi nào có biết đó là tên những địa danh của tỉnh Ninh Bình được đặt ở Bạc Liêu thời kết nghĩa.
Và, nếu lãnh đạo hai tỉnh hiện nay không "hâm nóng" tình nghĩa keo sơn gắn bó đó bằng nhiều sự kiện "nhắc nhớ" vừa được tổ chức trọng thể tại tỉnh Ninh Bình thì chắc rằng chẳng những các thế hệ sau này mà ngay các thế hệ hiện tại như tôi vẫn không biết được, hiểu được truyền thống, tình cảm kết nghĩa keo sơn như anh em một nhà giữa hai địa phương Bắc-Nam.
Nói như thế để thấy rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tình cảm gắn bó giữa hai địa phương trong quá khứ và trong hiện tại, tương lai là vô cùng quan trọng.
Công tác này cần được thực hiện thường xuyên, tuyên truyền cho nhiều thế hệ, nhất là các thế hệ trẻ hiểu, cảm nhận được giá trị truyền thống, giá trị nhân văn của mối tình kết nghĩa Bắc-Nam nói chung, Bạc Liêu-Ninh Bình nói riêng, để từ đó các thế hệ người Bạc Liêu có suy nghĩ, hành động đúng với đạo lý, truyền thống tốt đẹp được gây dựng trong suốt mấy mươi năm và mãi mãi về sau.
Dù chỉ mới lần đầu gặp nhau, nhưng khi biết chúng tôi là người Bạc Liêu, nhiều người dân Ninh Bình đã rất vui mừng, chuyện trò, hỏi han như đã quen biết từ lâu.
Trong câu chuyện, họ kể cho tôi nghe ngày xưa khi còn đi học, họ được thầy cô giáo huấn về ý nghĩa của mối tình kết nghĩa Bắc-Nam, mối tình kết nghĩa Ninh Bình-Bạc Liêu...
Cũng từ sự tuyên truyền, giáo dục này, đã có hàng ngàn, hàng vạn thanh niên từ các làng quê, các trường học của Ninh Bình tình nguyện vào Nam, vào Bạc Liêu chiến đấu, sát cánh cùng người anh em kết nghĩa trong chiến tranh, trong xây dựng quê hương mới.
Từ tình cảm của người dân Ninh Bình đối với người anh em Bạc Liêu đã cho tôi một thứ xúc cảm đặc biệt, không thể diễn tả thành lời. Ninh Bình dù xa xôi nhưng bỗng hóa thật gần. Hai tiếng thân thương ấy nay đã ở trong trái tim tôi.
Từ một người chưa hiểu, chưa biết gì nhiều về vùng đất, con người nơi đây, nay những địa danh như: Cố đô Hoa Lư, khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính, khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc-Bích Động… đã trở nên thân thương, quen thuộc lắm trong tôi.
Với những danh thắng do thiên nhiên ban tặng, và với bề dày lịch sử văn hóa hàng ngàn năm của mình, Ninh Bình đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong, ngoài nước với hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Đây cũng chính là ngành công nghiệp "không khói", là thế mạnh của địa phương này trong những năm gần đây.
Hiện tại, Ninh Bình đang tập trung khai thác, phát triển thế mạnh, tiềm năng du lịch sinh thái gắn với danh lam thắng cảnh, văn hóa lễ hội để thu hút khách du lịch, tạo nguồn thu quan trọng, bền vững cho địa phương.
Vùng đất này tự hào là kinh đô của 3 vương triều Đinh-Lê-Lý từ cuối thế kỷ thứ X đến đầu thế kỷ thứ XI. Với truyền thống văn hóa, bề dài lịch sử trên 1 ngàn năm của mình, Ninh Bình hôm nay tự tin xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp, đi lên từ nội lực với nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư hợp lý.
Dù là địa phương chỉ có diện tích 1.420 km2 với nhiều núi, đồi nhưng với những cơ chế thích hợp, địa phương này đang "sở hữu" những tập đoàn kinh tế có thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế. Đại diện tiêu biểu nhất chính là hai tập đoàn kinh tế Xuân Thành và Cường Thịnh Thi với tiềm lực kinh tế đứng trong tốp đầu của cả nước.
Trong cảm nhận của tôi, người dân Ninh Bình chất phác, thật thà, hiếu khách và sống rất tình cảm. Nhịp sống ở đây không sôi động như ở nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nói thế vì trong những ngày lưu lại đây, nhìn từ tầng cao của khách sạn Hoàng Sơn, đường phố thì rộng thênh thang nhưng lượng xe lưu thông lại rất thưa thớt cả ngày lẫn đêm dù dân số của tỉnh cũng ngót nghét gần 1 triệu người.
Điều đặc biệt là, dù là một thành phố trực thuộc tỉnh nhưng khi chúng tôi muốn di chuyển lại không tìm được một bác tài xe ôm nào, chỉ toàn là taxi. Ở đây cũng không thấy bóng dáng của người bán vé số dạo và ở những điểm du lịch tâm linh cũng không có người ăn xin.
Trong chuỗi những hoạt động kỷ niệm 53 năm kết nghĩa và ký kết hợp tác Ninh Bình-Bạc Liêu được tổ chức trọng thể trên đất Ninh Bình vừa qua, ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh đất và người, nhịp sống của người dân vùng sông nước miền Tây được đón chào nồng nhiệt tại triển lãm ảnh Bạc Liêu-Ninh Bình.
Hơi thở của Bạc Liêu, vùng đất nơi cuối trời Tổ quốc còn được truyền đến người dân Ninh Bình qua những đêm phục vụ văn nghệ của các nghệ sĩ đoàn cải lương Cao Văn Lầu và Trung tâm văn hóa tỉnh Bạc Liêu. Những bài ca cổ, những trích đoạn cải lương mang đậm âm hưởng "dạ cổ hoài lang" đã làm nức lòng khán giả mộ điệu nơi đất Bắc.
Có đi mới thấy được rằng, Đảng bộ, chính quyền và người dân Ninh Bình đón tiếp đoàn cán bộ tỉnh Bạc Liêu nồng hậu, nhiệt tình như những người anh em đi xa mới về.
Dù không nói ra nhưng tất cả thành viên trong đoàn đều rưng rưng nước mắt. Những cái bắt chặt tay, những cái ôm thắm tình đồng chí, anh em, những nụ cười tươi rói ẩn hiện trong ánh mắt… là những tình cảm không bao giờ nguôi trong lòng của chúng tôi trong những ngày lưu lại vùng đất Cố đô này.
Bài, ảnh: Châu Khánh