Tập trung cải cách thủ tục hành chính
Xác định cải cách thủ tục hành chính là một giải pháp quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thành lập và vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình. Công tác tuyên truyền được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tỉnh cũng triển khai Cuộc vận động "Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức" khối cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện; đồng thời ban hành quy định tiêu chí, cách đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố trong thi hành công vụ, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đề cao vai trò của người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính. Hàng năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá quy định thủ tục hành chính và xây dựng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức thực hiện nghiêm việc rà soát, đánh giá quy định, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện, lập danh mục đề xuất, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định, thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, không bảo đảm tính đồng bộ, rườm rà, phức tạp, mâu thuẫn, chồng chéo, không quy định rõ cơ quan, đơn vị thực hiện, thời gian giải quyết, số lượng hồ sơ, cách thức thực hiện gây khó khăn, cản trở trong quá trình giải quyết công việc đối với tổ chức, cá nhân. Từ tháng 9/2016 đến nay, đã đơn giản hóa được 229 TTHC hành chính (năm 2017 có 162 TTHC của các sở, ngành, 67 TTHC của UBND cấp huyện; năm 2018 có 9 TTHC của sở, ngành; năm 2019 đang tổ chức rà soát).
Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) đang thực hiện trên địa bàn tỉnh là 1.841 TTHC, trong đó cấp tỉnh 1.464 TTHC (tăng 300 TTHC so với năm 2016); cấp huyện 264 TTHC (giảm 7 TTHC so với năm 2016); cấp xã 113 TTHC (giảm 6 TTHC so với năm 2016). UBND tỉnh đã phê duyệt 1.788 TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; 1.768 quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, trong đó quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng cá nhân, từng bộ phận trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh đã được thành lập và chuẩn bị đi vào hoạt động góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử, thời gian qua, Ninh Bình đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Theo đó, hạ tầng kỹ thuật đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp; chất lượng nguồn nhân lực CNTT được tăng lên. Công tác đảm bảo an toàn thông tin được chú trọng, các hệ thống thông tin quan trọng của tỉnh vận hành ổn định, an toàn phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động của các đơn vị, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện quan tâm đầu tư các thiết bị đảm bảo an toàn thông tin. Đến nay, 100% đơn vị có mạng nội bộ LAN và được kết nối đường truyền Internet băng thông rộng để phục vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và ứng dụng các phần mềm nghiệp vụ, chuyên ngành; hạ tầng mạng truyền dẫn hiện đã được kết nối tới thiết bị đầu cuối cho tất cả các cơ quan nhà nước trong tỉnh bằng đường truyền cáp quang. Hiện 27/27 cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện có trang thông tin điện tử; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 95%. Có 62 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được triển khai từ bộ, ngành Trung ương và một số đơn vị tự triển khai (trong đó có 57 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu do Trung ương triển khai, 5 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu do địa phương triển khai). 27/27 cơ quan, đơn vị đã triển khai có hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý văn bản VNPT i-office. Tỉnh đã thực hiện cấp 1.456 chứng thư số cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong đó 1.028 chứng thư số cá nhân; 428 chứng thư số tổ chức. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị khi thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử đều đã được ký số, đáp ứng tốt các yêu cầu của các tổ chức, cá nhân.
Cùng với đó, hệ thống một cửa điện tử đã được triển khai tại 18 sở, ban, ngành, 8 UBND các huyện, thành phố với 3.023 thủ tục được cung cấp trên hệ thống (trong đó, mức độ 2: 1.911 TTHC, mức độ 3: 741 TTHC, mức độ 4: 371 TTHC), đã phát huy hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần hình thành nhận thức và thói quen ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính.
Năm 2018, tỉnh Ninh Bình được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT tăng 34 bậc so với năm 2017, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Đây là yếu tố quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình.
Đức Nghĩa