Căn cứ vào tiêu chí xác định thanh, thiếu niên hư, chậm tiến, Công an phường đã tiến hành khảo sát, thông báo đưa 6 đối tượng trên địa bàn phường là những đối tượng có độ tuổi từ 14 đến 30, có biểu hiện sử dụng ma túy, không có công ăn việc làm, bỏ học, có hành vi quấy phá... vào danh sách thanh, thiếu niên chậm tiến, có nguy cơ vi phạm pháp luật để quản lý. Công an phường Thanh Bình đã cụ thể hóa nội dung của Chỉ thị 10, các Kế hoạch của cấp trên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Trong đó, nổi bật là Công an phường đã thực hiện thí điểm giúp đỡ 1 đối tượng thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật bằng cách đưa đối tượng về trụ sở công an phường để lực lượng công an phường trực tiếp quản lý, kèm cặp giáo dục. Đây là mô hình hay, cách làm mới và chưa được áp dụng ở bất cứ đơn vị nào trên địa bàn thành phố cũng như địa bàn tỉnh.
Đồng chí Trần Ngọc Cương, Trưởng Công an phường cho biết: Trước mắt, Công an phường Thanh Bình đã vận động gia đình và bản thân đối tượng trong diện quản lý là cháu Trần Văn N, học sinh lớp 8 lên trụ sở công an phường để giáo dục, kèm cặp và chỉ được liên lạc với gia đình qua điện thoại.
Được biết, trước đây N. là học sinh giỏi của lớp, từng đạt giải học sinh giỏi môn toán cấp tỉnh, cấp thành phố, tuy nhiên do bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, N. đã sa đà và nghiện chơi game từ khi học lớp 7, có lúc N. bỏ nhà đi chơi game đến 2 ngày liền; bài vở trên lớp bị bỏ bê, khiến cho việc học hành giảm sút nghiêm trọng.
Để việc giúp đỡ N. đạt được hiệu quả, Công an phường đã phân công nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ phụ trách trực tiếp quản lý, giáo dục; trong đó trọng tâm là dùng phương pháp "đánh" vào tâm lý, phân tích đúng, sai bằng những lời lẽ vừa mềm mỏng vừa đanh thép, quản lý chặt chẽ giờ giấc sinh hoạt, tạo thói quen ăn, ngủ đúng giờ, đi học đúng giờ, vệ sinh cá nhân, nhằm đưa nếp sinh hoạt của N. trở về bình thường như trước, từ bỏ được game; thường xuyên kiểm tra bài vở ghi chép của N. sau mỗi buổi học theo thời khóa biểu; đồng thời thường xuyên phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, gia đình để giáo dục và nắm bắt tâm lý, chuyển biến trong học tập, tư tưởng của N.
Đồng chí Trưởng Công an phường tâm sự: Việc đưa đối tượng về trụ sở để quản lý, giáo dục cũng giống như nuôi thêm một đứa con và làm công việc của chúng tôi bận rộn hơn nhiều, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện, bởi việc làm trên không chỉ để hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn là vì trách nhiệm của lực lượng công an với tương lai của tuổi trẻ, mong muốn các đối tượng nhận ra được sai lầm và điều chỉnh bản thân để trở thành người công dân tốt.
Chị Lê Thị Ngọc H (phường Thanh Bình) là mẹ của N. cho biết: Sau khi được Công an phường tuyên truyền, giải thích về mô hình quản lý giáo dục đối với cháu N. tôi thấy đây là cách làm hay, có tính thực tế và mang đậm tính nhân văn, nên gia đình rất ủng hộ và đã tích cực phối hợp với nhà trường, công an phường giáo dục cháu, đồng thời vận động đưa cháu lên ăn, ngủ, sinh hoạt tại trụ sở công an phường để lực lượng công an trực tiếp quản lý, kèm cặp, giúp đỡ cháu.
Từ khi giao cháu cho Công an phường quản lý, gia đình tôi hoàn toàn tin tưởng, yên tâm trước tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình của lực lượng công an phường. Bản thân cháu N. cũng đồng thuận, tự nguyện tới Công an phường chịu sự quản lý, giám sát của các chú công an.
Bằng sự tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí công an phường Thanh Bình, sau 2 tuần được giúp đỡ, giáo dục, quản lý, chị Lê Thị Ngọc H. vui mừng cho biết: N. đã tiến bộ và trưởng thành hơn rất nhiều, thể hiện qua việc thực hiện nề nếp sinh hoạt đúng giờ giấc, đi đến nơi, về đến chốn, không la cà vào các quán chơi game. Cô giáo chủ nhiệm của N. nhận xét: N. đã không còn tình trạng ngủ gật trên lớp, ghi chép bài trên lớp đầy đủ, có tiến bộ trong học tập và sinh hoạt tập thể. Hiện nay cháu đã được công an phường đưa về nhà sinh hoạt với gia đình, nhưng vẫn thường xuyên quan tâm, dõi theo và kiểm tra các hoạt động của cháu.
Đồng chí Trưởng Công an phường cho biết thêm: Trên cơ sở thực hiện thí điểm thành công mô hình trên, Công an phường Thanh Bình sẽ đề xuất với UBND và Công an thành phố Ninh Bình, Đảng ủy, UBND phường để tiếp tục giáo dục, kèm cặp các đối tượng khác theo phương pháp trên.
Bên cạnh thực hiện thí điểm phương pháp giáo dục trên, Công an phường Thanh Bình còn phân công từng đồng chí cán bộ, chiến sĩ phụ trách khu vực phối hợp với đội ngũ bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, tổ chức đoàn thể gặp gỡ, nhắc nhở, tìm các phương pháp giáo dục, giúp đỡ phù hợp với các đối tượng còn lại, đồng thời lập sổ theo dõi giữa gia đình và lực lượng công an để phản ánh thường xuyên những chuyển biến tâm lý, ý thức chấp hành của đối tượng quản lý để tiếp tục có những biện pháp giáo dục, quản lý hiệu quả.
Hướng dẫn các đơn vị thực hiện phong trào "3+1" (3 cán bộ thuộc các đoàn thể, tổ dân phố và công an cùng tham gia giúp đỡ 1 thanh, thiếu niên hư, chậm tiến) theo chủ trương của thành phố Ninh Bình, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng toàn dân trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ thanh, thiếu niên chậm tiến trở thành người có ích cho xã hội, góp phần kiềm chế và làm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra an ninh, trật tự tại các cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử, Internet công cộng, karaoke, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác trên địa bàn phường... Phấn đấu đạt chỉ tiêu đặt ra, một năm kèm cặp, giúp đỡ được ít nhất từ 1 đến 3 thanh, thiếu niên tiến bộ.
Bài, ảnh: Kiều Ân