Đầu giờ sáng ngày 19/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng tiếp tục phần trả lời chất vấn của các đại biểu. Tổng hợp từ nhiều chất vấn của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT quan tâm, kiểm soát chặt chẽ đến chất lượng công trình, đầu tư, hiệu quả của dự án hạ tầng giao thông cả về giá đầu tư, suất đầu tư,…). Đặc biệt là "chống tham nhũng trong đầu tư các công trình giao thông vì các dự án thường có giá trị đầu tư lớn và là tiền công của ngân sách Nhà nước". Đồng thời, Quốc hội cũng yêu cầu xem xét đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh vận tải về giao thông đường bộ, thủy, sắt và hàng không, để rà soát và cơ cấu kinh doanh vận tải hợp lý; tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, đầu tư, doanh nghiệp trong ngành GTVT.
Ngay sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, bà Phạm Thị Hải chuyền đã đăng đàn trả lời chất vấn về nhóm vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tình hình và công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; thực trạng thất nghiệp hiện nay, đặc biệt là sinh viên mới ra trường; giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, tăng mức trợ cấp xã hội để đảm bảo an ninh xã hội.
Trả lời chất vấn của đại biểu về chính sách tiền lương cũng như việc nâng lương chưa đáp ứng yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, là thành viên trong Hội đồng tiền lương quốc gia, Bộ được phân công chuẩn bị 2 Đề án về tiền lương: Tiền lương đối với BHXH và tiền lương với người có công. Hai đề án này đã được chuẩn bị xong gửi Bộ Nội vụ. Hàng năm, căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, Bộ cũng là một trong những thành viên tham gia kiến nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội xem xét điều chỉnh nâng lương.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu cho rằng tiền lương so với yêu cầu mức sống tối thiểu mới đạt trên 60%, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, lần nâng lương này, mặc dù Nhà nước dành 11.000 tỷ đồng nhưng cũng chưa thỏa đáng, đáp ứng yêu cầu giải quyết vấn đề tiền lương.
Trong phương án có lộ trình tiến đến 2015, 2016 tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu nhưng do điều kiện kinh tế và khả năng ngân sách khi trình với Bộ Chính trị thấy rằng chúng ta phải từng bước tính theo khả năng ngân sách. Vì vậy, qua 2 lần trình, Trung ương đã thảo luận và thấy rằng trước mắt phải dãn lộ trình, và chưa đạt tới lộ trình tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu.
Năm nay cũng do khả năng ngân sách, Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng đã nêu ra, nhưng nếu tăng khả năng không có nguồn. Tuy nhiên khi đã quyết định lương tối thiểu của doanh nghiệp khu vực I là 3,1 triệu đồng vào 1/1/2015, trong khi lương của CBCNVC vẫn chỉ có 1.150.000 đồng, vì vậy dù rất khó khăn nhưng qua thảo luận về ngân sách, Quốc hội đã quyết định dành khoản 11.000 tỷ đồng để giải quyết một phần tiền lương cho những CBCNVC có mức lương thấp và đối tượng người có công, người nghỉ hưu. Đây là quyết định nhân văn, nhưng thực chất mới chỉ là một giải pháp chứ chưa giải quyết được căn cơ vấn đề tiền lương.
"Chia lửa" với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về vấn đề năng suất lao động Việt Nam thấp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, năng suất lao động của ngời Việt thấp hơn 2 lần so với bình quân khu vực ASEAN, thấp hơn Singapore 14 lần và Thái Lan gần 2 lần.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng phải đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao thì năng suất lao động mới tăng. Nếu tiếp tục duy trì tỷ trọng nông nghiệp như hiện nay sẽ không thể tăng năng suất lao động. Vì hiện nay trung bình một nông dân, mỗi năm chỉ làm ra 400 USD bằng 1/1.000 năng suất của người lao động tại khu công nghệ cao.
Cũng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh, Xã hội, nhân hỏi về năng suất lao động của Việt Nam bị đánh giá thấp, Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nêu quan điểm của mình về việc người nông dân có thể sáng chế ra máy bay, tàu ngầm? Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, hiện có 3 tàu là: tàu Yết Kiêu của ông Phan Bội Trân, tàu Trường Sa của ông Nguyễn Quốc Hòa và tàu lặn Hòa Bình của một số nhà khoa học và doanh nhân thuộc tập đoàn Vinashin sản xuất.
Theo ông, tàu Hòa Bình có thể chở 4 người, lặn tối đa ở độ sâu 50 m, có giá thành 28 tỷ đồng tương đương với 1,5 triệu USD, trong khi đó nếu ngoại nhập là 5 triệu USD. Con tàu vì vậy hoàn toàn có thể thương mại hóa để phục vụ cứu hộ, cứu nạn, tham quan du lịch hay kiểm tra chân đế giàn khoan.
Vào cuối tháng 9, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Vinashin đã kiểm tra thử nghiệm tàu lặn cỡ nhỏ Hòa Bình tại Nhà máy đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa). Đích thân Bộ trưởng Nguyễn Quân đã trực tiếp tham gia buổi thử nghiệm, ông đánh giá cao cách làm của các kỹ sư thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Vinashin.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ mong muốn những người có năng lực sáng tạo hãy phối hợp với các cơ quan quản lý để nhận được sự hỗ trợ và cho phép của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, ông Quân cũng lưu ý, trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, mọi sản phẩm sáng chế khi ra thị trường phải được xã hội chấp nhận và phải có thị trường tiêu thụ.
Hoan nghênh tinh thần dũng cảm của Bộ trưởng Nguyễn Quân khi đã dám ngồi vào tàu lặn trong quá trình chạy thử nghiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ trưởng hãy dũng cảm trong việc đề ra những chính sách, cơ chế để các nhà phát minh nông dân có thêm cơ hội, điều kiện đóng góp những sản phẩm tốt hơn.
Chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung các nhóm vấn đề chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Mai Lan