P/v: Thời gian qua, ngành Y tế Ninh Bình đã triển khai các phong trào thi đua yêu nước như thế nào, thưa đồng chí? Đ/c Ngô Ngọc Quang: Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất", cấp ủy, lãnh đạo Sở Y tế đã xác định rõ tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước và đã tập trung chỉ đạo các đơn vị chú trọng công tác tổ chức, thực hiện phong trào thi đua yêu nước, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, đưa ra mục tiêu, tiêu chuẩn thi đua của từng phong trào sát với tình hình thực tiễn của từng đơn vị, nhằm tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong toàn ngành.
Hàng năm, tổ chức ký kết thi đua theo 4 khối: Khối Bệnh viện tuyến tỉnh; Khối Bệnh viện và Trung tâm y tế tuyến huyện; Khối các Chi cục và Trung tâm Y tế tuyến tỉnh và Khối thi đua các phòng chức năng thuộc Sở. Tổ chức, hướng dẫn các đơn vị tiến hành đăng ký thi đua và phát động các phong trào thi đua theo từng đợt trong năm gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua.
Phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng những tập thể, cá nhân tiên tiến, những mô hình, nhân tố mới có thành tích xuất sắc trong công tác và học tập, nghiên cứu khoa học để khen thưởng kịp thời nhân ra diện rộng trong toàn ngành. Đó là những cơ sở quan trọng tạo tiền đề cho phong trào thi đua ngành Y tế phát triển sâu rộng, bền vững và hiệu quả hơn, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển của ngành Y tế Ninh Bình trên tất cả các lĩnh vực y tế dự phòng; khám, chữa bệnh; phục hồi chức năng; y dược học cổ truyền; dược phẩm, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm; trang thiết bị y tế; dân số-kế hoạch hóa gia đình....
P/v: Thưa đồng chí, đâu là nét riêng của phong trào thi đua yêu nước trong CBCBVC, người lao động ngành Y tế?
Đ/c Ngô Ngọc Quang: Tôi cho rằng, nét riêng ấy nằm ở việc các phong trào thi đua yêu nước của ngành Y tế luôn tập trung vào mục tiêu "Cán bộ nhân viên y tế cần phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu…" theo như lời dạy lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực hiện lời dạy của Bác, toàn thể cán bộ công chức, viên chức và lao động ngành Y tế Ninh Bình đã đoàn kết, thống nhất ra sức thi đua, hăng say lao động, sáng tạo, nâng cao y đức, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Có thể kể đến các Phong trào thi đua tiêu biểu của Ngành như: Phong trào thi đua lao động giỏi, sáng tạo, tích cực nghiên cứu khoa học; phong trào thi đua nâng cao y đức thực hiện tốt quy tắc ứng xử; phong trào học tập và làm theo tấm gương liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm; phong trào thi đua xây dựng xã, (phường) đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, Phong trào thi đua "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh"; Phong trào "Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp"...
Đặc biệt là từ năm 2017, thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đòi hỏi ngành Y tế luôn phải tìm tòi, xác định con đường đi đúng đắn để đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân để hội nhập và phát triển, ngành Y tế Ninh Bình đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, trong đó công tác thi đua, khen thưởng là một công cụ quan trọng, là phương pháp tuyên truyền, giáo dục, là biện pháp tổ chức thực hiện tích cực để động viên ý chí sáng tạo, ý chí quyết tâm, năng lực hoạt động chuyên môn của công chức, viên chức, lao động ngành Y tế.
Các phong trào thi đua đã tạo ra được sự thay đổi của ngành Y tế Ninh Bình giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, tăng thêm giường bệnh; mở rộng qui mô bệnh viện từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện; nâng cao năng lực chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới; cải tiến quy trình khám chữa bệnh; tăng cường năng lực y tế tại các cơ sở và triển khai tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện…
Đặc biệt, trong công tác khám chữa bệnh, ngành Y tế đã thực hiện đổi mới về mặt quan điểm, nhận thức lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới về mặt quản lý, cải cách thủ tục hành chính; đổi mới về phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế từ "ban ơn" cho người bệnh sang "phục vụ", lấy người bệnh làm trung tâm với sự hài lòng của người bệnh là số một; các nội dung đã được triển khai trong các cơ sở y tế như: nâng cao kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử và tăng cường mối quan hệ thân thiện của cán bộ y tế với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; tôn trọng, lắng nghe phản ánh, bức xúc của người bệnh; thực hiện tốt xử lý thông tin qua "đường dây nóng"; tiếp tục đổi mới phương thức thu thập thông tin qua hộp thư góp ý; đồng thời, thực hiện đổi mới về trang phục y tế; tổ chức ký cam kết đảm bảo phong cách, thái độ phục vụ tốt đối với người bệnh…
P/v: Thực tiễn cho thấy, phong trào thi đua có lúc, có nơi vẫn còn mang tính hình thức, ngành Y tế Ninh Bình đã đề ra những giải pháp gì để đẩy mạnh phong trào đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, thưa đồng chí?
Đ/c Ngô Ngọc Quang: Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, của ngành Y tế về công tác thi đua, khen thưởng. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác TĐKT.
Các cấp ủy đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác TĐKT ở cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua; khai thác tiềm năng sáng tạo, năng lực sở trường của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh.
Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò công tác TĐKT đối với toàn thể công chức, viên chức và lao động trong toàn ngành; coi TĐKT là động lực quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước.
Cụ thể hóa các tiêu chuẩn thi đua, từng bước cải thiện việc tổ chức, đánh giá, bình chọn các danh hiệu thi đua, đảm bảo công khai, dân chủ, kịp thời, có tác dụng động viên cán bộ, công chức, viên chức tự giác, tích cực tham gia các phong trào thi đua.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; quan tâm khen thưởng và đề nghị khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất; các tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp tại cơ quan, đơn vị.
Chú ý phát hiện các nhân tố mới, mô hình mới, các điển hình tiên tiến, các gương "Người tốt, việc tốt" trong các phong trào thi đua yêu nước để kịp thời khen thưởng và bồi dưỡng, nhân rộng trong toàn ngành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác TĐKT tại các cơ quan, đơn vị; kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại để TĐKT ngày càng thực chất và trở thành động lực thúc đẩy hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Thi đua, khen thưởng các cấp; tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác TĐKT, bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, ổn định; bố trí cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ phù hợp, có phẩm chất đạo đức, đáp ứng thực hiện nhiệm vụ công tác TĐKT trong tình hình mới.
P/v: Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Duy (Thực hiện)