Làng hoa truyền thống Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình) là một trong những vựa hoa lớn, cung ứng hoa chủ đạo cho thành phố Ninh Bình và các tỉnh lân cận. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, làng hoa này nhộn nhịp hơn hẳn bởi rất nhiều người về đây chọn mua hoa để trưng bày, trang hoàng nhà cửa.
Ông Dương Đình Nghệ, thôn Đoài Thượng đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn không chịu ngơi tay, ngơi chân, vụ hoa Tết này gia đình ông trồng hơn 2 nghìn chậu hoa cúc Hàn Quốc, 50 kg củ giống hoa lay ơn. Ông Nghệ chia sẻ: Cúc Hàn Quốc là một giống hoa mới, màu sắc đa dạng, kiểu dáng đẹp mắt, đặc biệt hoa rất bền nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Mặc dù là năm đầu tiên gia đình làm giống hoa này nhưng do có kinh nghiệm làm hoa lâu năm nên chất lượng hoa rất đẹp. Hiện, toàn bộ số hoa đã được thương lái Hà Nội về hợp đồng thu mua với giá 100 nghìn đồng/chậu.
Còn ông Vũ Văn Bảng, một hộ trồng hoa khác cho biết: Gia đình tôi chuyên trồng các loại hoa như cúc, trạng nguyên, đồng tiền, thược dược, dạ yến thảo... Tới thời điểm này, các loại hoa đều sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến sẽ cho hoa rực rỡ nhất trúng vào dịp Tết. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên gia đình cũng không dám đầu tư xuống giống nhiều như mọi năm nhưng vẫn đảm bảo có hàng vạn chậu hoa để đưa ra thị trường. "Năm 2021, riêng vụ hoa Tết, gia đình tôi thu lãi khoảng 400 triệu đồng, năm nay không biết thị trường thế nào vì tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng tôi hy vọng doanh thu vẫn bằng hoặc hơn năm ngoái" - ông Bảng nói. Làng hoa Ninh Phúc có truyền thống trồng hoa hơn 40 năm nay với khoảng 300 hộ tham gia, tổng diện tích khoảng 200 ha.
Nhìn chung, vụ hoa Tết này, cúc vẫn là giống hoa được trồng chủ đạo ở đây. Cúc có nhiều loại như cúc vàng, cúc trắng, cúc xinh. Ngoài ra, một số chủ vườn trong làng đã mạnh dạn phát triển các giống hoa mới, chất lượng cao như: cúc Hàn Quốc, cúc châu Phi, đồng tiền lùn siêu nụ, hướng dương hay hoa giấy. Riêng hoa ly, phần lớn bà con đã bỏ không trồng nữa bởi giá giống khá đắt, trong khi thị trường gần như đã bão hòa. Về giá cả, cơ bản vẫn giữ như mọi năm, thậm chí nhiều loại còn giảm, ví dụ hoa đồng tiền chỉ khoảng 20-40 nghìn đồng/bầu, dạ yến thảo khoảng 30-100 nghìn đồng/ chảo, tùy kích cỡ, thược dược cũng chỉ 30-40 nghìn đồng/ bầu...
Về chất lượng, một thương lái ở Hà Nội về đây mua hoa nhận xét: Những năm gần đây, nguồn hoa được người trồng lựa chọn kỹ càng, chủ yếu là hạt giống F1, nhập từ các công ty giống hoa có tiếng ở Đà Lạt. Hơn nữa, trình độ, kinh nghiệm thâm canh của bà con cũng rất tốt; nhiều nhà đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà kính để sản xuất nên hoa Ninh Phúc thường có bông to, đều, thân cứng, màu sắc đẹp và đa dạng nên được người tiêu dùng rất ưa thích. Được coi là làng hoa mới, bởi các loại đào cảnh của vùng Gia Lâm, huyện Nho Quan chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Tuy nhiên, tới đây chúng tôi khá bất ngờ khi thấy hầu như nhà nào cũng trồng đào, trong vườn, ngoài đồi với hàng nghìn gốc đào được trồng san sát nhau. Đào ở đây có đủ các thế, tán tuyệt đẹp: dáng long, dáng siêu, dáng trực và đào rừng cổ thụ rất bắt mắt. Mặc dù thời tiết những ngày này rất lạnh nhưng nhiều người dân vẫn ra đồng, miệt mài chăm sóc, cắt tỉa cành dăm, nhặt bỏ những lá già với mong muốn mang những thành phẩm hoa đào đẹp nhất đến với người tiêu dùng.
Chị Phạm Thị Thương (xóm 5, xã Gia Lâm) - một người có kinh nghiệm trồng, chăm sóc đào ở đây cho biết: Bà con trong vùng bắt đầu trồng đào khoảng 10 năm trước nhưng chỉ lẻ tẻ vài hộ, 2-3 năm trở lại đây bắt đầu lan rộng. Đặc biệt, nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng về việc chơi những gốc đào lâu năm, có dáng, thế đẹp, nhiều chủ vườn chịu đầu tư đã kỳ công săn tìm các gốc đào cổ thụ, đào lâu năm trên rừng mạn Lào Cai, Sơn La... đem về ghép, ươm trồng. Công sức và vốn bỏ ra nhiều hơn và cũng đem lại nguồn thu cao hơn. Chị Quách Thị Thúy (xóm 5, Gia Lâm) đang sở hữu hơn 300 gốc đào cho biết: Việc canh thời gian và canh thời tiết để tuốt lá đào, điều chỉnh nước tưới rất quan trọng, nó quyết định tới thành quả của cả một năm dài bỏ ra bao công sức chăm bón...
Năm nay đào rất đẹp, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thương lái còn đang đắn đo, chưa đặt mua. Chúng tôi cũng không vì thế mà nản, bởi không bán năm nay thì sẽ coi như "của để dành" bán vào năm sau, đào càng lâu năm càng được giá. Mà biết đâu, mấy hôm nữa tình hình lại khác, đào được giá vào phút chót. Nghề trồng hoa mang lại thu nhập khá cao, ổn định. Ngoài vùng chuyên canh hoa truyền thống như Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình), Đông Sơn (thành phố Tam Điệp), tỉnh ta còn có thêm nhiều vùng trồng hoa mới tại Yên Thắng (huyện Yên Mô); Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh), Gia Lâm (huyện Nho Quan), Hồi Ninh (huyện Kim Sơn)...
Nhiều năm trước, nếu như nghề trồng hoa khá vất vả, sản lượng, chất lượng phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, thì nay việc phát triển trồng hoa tại các địa phương trong tỉnh đã dần theo hướng tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật. Hiện mô hình trồng hoa lan công nghệ cao, hoa cúc trong nhà kính, nhà lưới... đạt doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
Thời điểm này nhiều khách hàng ở các nơi đã về các nhà vườn lựa chọn, đặt hàng. Trong đó, khách mua chủ yếu từ các tỉnh lân cận Hà Nam, Hòa Bình, Hà Nội... Về mức giá, cơ bản giữ ổn định như mọi năm. Tuy nhiên, để có vụ hoa tết bội thu như kỳ vọng, người trồng hoa mong muốn tình hình dịch bệnh được kiểm soát để nhà nhà vui Tết, đón xuân.
Bài, ảnh: Hà Phương - Anh Tuấn