Dự hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Nguyễn Anh Chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trịnh Hồng Phong, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo và Phát thanh, Truyền hình Ninh Bình; Đào Đình Tùng, Bí thư Đảng ủy phường Phủ Lý và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện UBND phường Phủ Lý và Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã báo cáo tình hình công tác PCLB trên địa bàn.
Theo đó, Đảng uỷ, UBND phường Phủ Lý đã xây dựng và triển khai các phương án ứng phó với bão số 3, trong đó địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn cho người, bảo vệ các trọng điểm về phòng chống lụt bão, xây dựng và triển các giải pháp bảo vệ tài sản cho người dân và doanh nghiệp.
UBND phường đã chỉ đạo Công ty Công trình đô thị Hà Nam, các thành viên được phân công nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ, phương tiện và lực lượng sẵn sàng khắc phục thảm họa, sự cố. Tổ chức cập nhật đầy đủ, thông tin kịp thời về tình hình thiên tai để Nhân dân chủ động ứng phó bảo đảm an toàn. Đội Quản lý lưới điện phường Phủ Lý chủ động rà soát, chằng bó cáp, xử lý sự cố đường dây, xây dựng phương án bảo đảm cấp điện an toàn cho người dân trước, trong và sau bão. UBND phường cũng cho rà soát các tuyến đê sông Đáy, sông Châu trên địa bàn, quan tâm các điểm xung yếu, chuẩn bị vật tư, đất đá sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Tại khu vực 33 xã, phường thuộc tỉnh Hà Nam cũ, các địa phương cũng đã xây dựng và triển khai phương án ứng phó với cơn bão số 3, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn cho người, bảo vệ các trọng điểm về phòng, chống lụt bão, xây dựng và triển các giải pháp bảo vệ tài sản cho người dân và doanh nghiệp. Đến 10 giờ sáng ngày 22/7, tại khu vực phía Bắc tỉnh đã có mưa khoảng 60 80 mm, có 169 trạm bơm trong khu vực hoạt động bình thường. Tổ công tác của 33 xã, phường khu vực Hà Nam cũ đã phân công các đồng chí phụ trách từng địa bàn để chỉ đạo công tác PCLB.
Phát biểu chỉ đạo tại phường Phủ Lý, đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Các ngành và địa phương cần theo dõi tình hình lũ trên sông Đáy, sông Châu để tránh gây ra tình trạng ngập lụt tại các vùng trũng thấp. Đề nghị các lực lượng quân đội, công an bố trí lực lượng, phương tiện, các bao cát… cùng với địa phương chắn nước khi lũ các sông lên cao. Yêu cầu phường Phủ Lý thường xuyên bố trí lực lượng tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, bảo vệ những trọng điểm đê điều xung yếu, nhất là những điểm là cống dưới đê, sẵn sàng có phương án đóng các cửa cống để chống ngập... UBND phường Phủ Lý thông báo tới từng hộ dân, tổ chức có hoạt động trên sông chủ động theo dõi diễn biến của lũ để có biện pháp bảo đảm an toàn về người, tài sản.
Làm việc với các phường Nguyễn Úy, Kim Thanh, Tam Chúc, Kim Bảng, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã nghe báo cáo công tác PCLB, theo đó các phường đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, máy móc, sẵn sàng ứng phó khi có bão, lũ. Đối với vùng nội đồng, các phường đã tiêu nước đệm để bảo vệ hoa màu cho Nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trong công tác PCLB, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người là quan trọng nhất. Yêu cầu các xã rà soát các hộ có nhà không an toàn, các hộ có người tàn tật, neo đơn ở những vùng có nguy cơ ngập lụt, nguy cơ sạt lở núi di dời đến nơi an toàn. Thường xuyên tuyên truyền cho bà con về tình hình thời tiết, bão lũ để chủ động phòng, chống. Đối với khu vực nội đồng ở các phường, chủ động tiêu nước đệm đề phòng khi có mưa lớn, không để ảnh hưởng đến sản xuất…
Kiểm tra thực tế tại Trạm bơm Tân Sơn 2, đê tả Đáy ở khu vực xã Nguyễn Úy; Trạm bơm Võ Giang ở xã Tân Thanh, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lưu ý các địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đặc biệt là các điểm xung yếu, xây dựng và triển khai kịp thời các giải pháp ứng phó sự cố xảy ra. Đối với vùng ven sông, các địa phương động viên, hỗ trợ bà con kê kích, di chuyển tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn đề phòng khi lũ dâng cao.
* Trước diễn biến phức tạp, khó lường của cơn bão số 3, ngày 22/7, đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đi kiểm tra công tác triển khai ứng phó với bão số 3 và mưa lũ, phương án vận hành tràn Lạc Khoái trên địa bàn xã Gia Phong và cống Quang Hiển, phường Yên Sơn. Cùng đi có các đồng chí: Đinh Văn Tiên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường; Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các địa phương liên quan.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Đoàn đã đi kiểm tra công tác triển khai ứng phó với bão số 3 và mưa lũ, phương án vận hành tràn Lạc Khoái trên địa bàn xã Gia Phong. Đến nay, công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng phó với bão số 3 và mưa lũ tại địa bàn được đảm bảo: đã chuẩn bị 400 áo phao, 2 máy phát điện, 2.500 bao tải; xã đã hợp đồng các loại phương tiện như: xe ben tải trọng từ 8-15 tấn; Máy xúc; Máy ủi; xuồng cứu hộ; Thuyền máy chở khách... Đồng thời chỉ đạo phát quang cây, cỏ dại mọc trên tuyến đê Hữu Hoàng Long, đặc biệt là tràn Lạc Khoái để sẵn sàng ứng phó với bão số 3 và mưa lũ có thể xảy ra. Địa phương cũng đã xây dựng cụ thể phương án vận hành tràn Lạc Khoái.
Tiếp đó, Đoàn công tác đã kiểm tra đoạn đê bao khu vực hầm chui cống Quang Hiển, phường Yên Sơn. Khu vực này thuộc một trong những điểm công trình hoàn trả của dự án đường cao tốc Bắc Nam, được thiết kế và thi công với cao trình chống lũ ở mức +2,5m. Tại khu vực này, mùa mưa bão thường xảy ra tình trạng mực nước sông bến Đang dâng cao, nước tràn vào gây ngập úng cục bộ khu vực sản xuất nông nghiệp, dân cư và ảnh hưởng trực tiếp khả năng bơm điều tiết nước của Trạm bơm Quang Hiển…
Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của các địa phương, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Mai Văn Tuất đánh giá cao công tác chủ động triển khai các phương án phòng, chống cơn bão số 3 của các địa phương. Tại các điểm xung yếu ghi nhận các lực lượng đã sẵn sàng để ứng cứu, vật tư trang thiết bị được chuẩn bị chu đáo, có phương án dự phòng, không để xảy ra tình trạng đột xuất, bất ngờ. Đồng chí nhấn mạnh, cơn bão số 3 đang về gần bờ và theo dự báo sẽ có sức ảnh hưởng rất lớn, cường độ bão rất mạnh, đề nghị các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương và lực lượng hiệp đồng bám sát thông tin về cơn bão số 3 để triển khai các phương án phòng, chống bão hiệu quả nhất, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cường tuyên truyền trên đài truyền thanh để người dân nhận thức đúng về mức độ nguy hiểm của cơn bão số 3. Các địa phương phải thực hiện nghiêm phương án "4 tại chỗ", đảm bảo lực lượng và vật tư để xử lý các tình huống cấp bách có thể xảy ra. Trong thời gian phòng, chống bão, đề nghị các lực lượng phải đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, có phương án chủ động, không để bị động, bất ngờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Đối với các điểm xung yếu cần triển khai ngay phương án xử lý cấp bách và đảm bảo lực lượng trực 24/24h để chủ động khi có tình huống xấu xảy ra.