Cùng đi có đồng chí Đinh Việt Dũng, TVTU, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương có liên quan.
Đoàn đã kiểm tra thực tế tại Cụm công nghiệp Khánh Thượng và Công ty TNHH Giầy Athena Việt Nam. Cụm công nghiệp Khánh Thượng có quy mô diện tích 50 ha do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Bảo Minh - Khánh Hồng làm chủ đầu tư.
Trong 9 tháng đầu năm, Công ty đã xúc tiến được 46 triệu USD nguồn vốn trực tiếp nước ngoài với 3 nhà đầu tư thứ cấp sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử và sản xuất mỹ phẩm.
Hiện, hạ tầng cụm công nghiệp đã hoàn thiện tới 95% với hệ thống cấp thoát nước, nguồn điện, nước, xử lý nước thải đã hoàn thành, đang hoàn thiện cảnh quan, trồng cây xanh theo hướng công viên công nghiệp, đồng bộ, hiện đại. Những tháng cuối năm 2020 và 2021, Công ty phấn đấu lấp đầy diện tích còn lại, tiếp tục hỗ trợ xúc tiến các nguồn vốn FDI vào thuê đất để khắc phục sự chậm trễ của dịch COVID-19 đồng thời đầu tư thêm 1 số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong 9 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn đơn hàng không ổn định, song Công ty TNHH Giầy Athena vẫn duy trì sản xuất với sản lượng đạt khoảng 95% kế hoạch năm. Các chính sách hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được Công ty quan tâm thực hiện đúng quy định. Từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch, và dự kiến trong năm 2021 sẽ phát triển và đạt sản lượng tăng trưởng về sản lượng từ 30 - 40% .
Qua nghe báo cáo và trao đổi tình hình sản xuất, kinh doanh của các Công ty và các sở, ngành, đồng chí Phạm Quang Ngọc đánh giá cao sự nỗ lực, vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất và kêu gọi thu hút đầu tư trên địa bàn.
Trong thời gian tới đồng chí đề nghị Công ty đầu tư và phát triển hạ tầng Bảo Minh Khánh Hồng thực hiện nghiêm các chế độ báo cáo, tài chính thuế. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, kiểm soát chặt chẽ các nhà đầu tư thứ cấp thực hiện theo đúng quy hoạch hướng đến mục tiêu xây dựng cụm Công nghiệp xanh-sạch-đẹp. Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư để lấp đầy phần diện tích còn lại, trong đó quan tâm thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực sản xuất, đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND huyện Yên Mô quan tâm rà soát, trình UBND tỉnh phê duyệt Cụm công nghiệp Khánh Thượng mở rộng.
Đối với Công ty TNHH giầy Athena, đồng chí đề nghị tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp để có nhiều đơn hàng, đảm bảo tăng trưởng như dự kiến. Đẩy mạnh hơn nữa hàm lượng, giá trị xuất khẩu. Để giải quyết khó khăn về thiếu lao động, đồng chí đề nghị Công ty thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, chính sách, chế độ và môi trường làm việc cho người lao động để thu hút thêm lao động vào làm việc với Công ty. Đề nghị các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động nước ngoài có tay nghề cao nhập cảnh.
Tiếp đó, làm việc với UBND huyện Yên Mô, đoàn đã nghe báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2020 và công tác xây dựng kế hoạch phát triển KT - XH năm 2021.
Theo đó, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID- 19, song tình hình kinh tế - xã hội của huyện vẫn đạt kết quả khá toàn trên các lĩnh vực. Chỉ có giá trị sản xuất trên địa bàn không đạt kế hoạch đề ra, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, mới chỉ đạt 45,23% kế hoạch. Sản xuất vụ đông đã trồng được hơn 1.170 ha, đạt 73,5% kế hoạch, đúng trong khung thời vụ tốt nhất.
Về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, huyện chủ trương tiếp tục vừa phòng chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ GPMB thực hiện các dự án trên địa bàn huyện. Đồng thời tăng cường đấu giá giá trị quyền sử dụng đất, giao đất, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn và đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây đông trà muộn.
Huyện cũng đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ cho diện tích cây vụ đông bị thiệt hại từ 30 - 70% diện tích, hỗ trợ kinh phí mua giống khoai tây, hạt giống rau trồng vụ đông 2020; chỉ đạo phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước để các dự án do UBND tỉnh quyết định đầu tư sớm được triển khai thực hiện.
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn kiểm tra đã đóng góp các ý kiến và gợi mở một số giải pháp để Yên Mô khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công và phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: Việc đánh giá đúng thực trạng, tình hình sản xuất kinh doanh là cơ sở để xây dựng kế hoạch và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo có tính khả thi cao. Do đó huyện cần coi trọng xây dựng các chỉ tiêu sát với thực tiễn.
Đến nay, các chỉ tiêu của huyện cơ bản đã tiệm cận với mục tiêu đề ra, đồng chí đề nghị huyện tập trung cao tháo gỡ các khó khăn, tiếp tục phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2020. Bổ sung quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất vào những nơi còn tiềm năng để tạo giá trị lâu dài.
Về giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án của tỉnh trên địa bàn huyện, đồng chí yêu cầu các sở, ngành tập trung cao để đẩy nhanh tiến độ. Với các kiến nghị của huyện, đồng chí đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh xem xét quyết định chính sách hỗ trợ cây vụ đông. Đối với khó khăn về thu ngân sách, đồng chí đề nghị Sở Tài chính, Cục thuế hỗ trợ cân đối ngân sách để đạt chỉ tiêu thu năm 2020.
* Buổi chiều, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác tiếp tục kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm của một số doanh nghiệp và tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, sản xuất vụ đông và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 của huyện Yên Khánh.
Tại buổi làm việc với UBND huyện Yên Khánh, các đại biểu cơ bản nhất trí với đánh giá tình hình thực hiên Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2020 của huyện.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế- xã hội nhưng với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, quyết tâm của các cấp các ngành, cán bộ, nhân dân, kinh tế xã hội của huyện đã có những chuyển biến tích cực.
Sản xuất nông nghiệp được mùa cả về năng suất và giá; chăn nuôi lợn tiếp tục tái đàn và tăng đàn sau dịch tả lợn Châu Phi; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước hơn 2.800 tấn. Về sản xuất vụ đông, toàn huyện đã gieo trồng được 1.376 ha, đạt 53% kế hoạch. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện và xã đạt chuẩn nông mới.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất, trong đó các sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất ước đạt gần 7.500 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách ước đạt 168 tỷ đồng. Huyện thực hiện tốt công tác GPMB các dự án trọng điểm.
Văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững. Về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, năm 2020, tổng nguồn vốn giải ngân đầu tư công từ ngân sách Trung ương đạt 100%; từ ngân sách tỉnh đạt 47%.
Các đại biểu cũng tập trung phân tích làm rõ những khó khăn, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh tế- xã hội trên địa bàn những tháng cuối năm và những năm tiếp theo.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc ghi nhận những kết quả Yên Khánh đạt được trong phát triển kinh tế- xã hội 9 tháng đầu năm, đảm bảo sự duy trì ổn định trước tình hình dịch bệnh Covid- 19 còn diễn biến phức tạp.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội những tháng cuối năm và năm 2021, đồng chí đề nghị huyện Yên Khánh cần có hướng đi, cách làm cụ thể để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng công nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở quy hoạch các cụm công nghiệp, huyện cần quan tâm thu hút các nhà đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Bên cạnh đó tập trung rà soát từng dự án để xác định thời gian, tiến độ giải ngân, quyết tâm giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Mặt khác cần quan tâm lựa chọn các nhà thầu tư vấn, thiết kế, xây lắp để thực hiện hiệu quả các dự án. Năm 2021, cần lựa chọn các công trình trọng điểm, thiết yếu để đầu tư công, quan tâm xử lý nợ xây dựng cơ bản.
Trước đó, đoàn đã đi kiểm tra thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH May Nien Hsing Ninh Bình tại KCN Khánh Phú; Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng chất lượng cao CFG và Công ty Cổ phần đầu tư Công nghệ Xanh nằm trên địa bàn xã Khánh Cư.
Tại các đơn vị kiểm tra, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn của dịch bệnh, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải, đồng chí đề nghị các đơn vị nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, trên cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường.
Những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, UBND tỉnh sẽ xem xét và yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm, tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển./.
* Cùng ngày, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra, đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công và tình hình sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Gia Viễn. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư; Công thương, Tài chính, Lao động- xã hội, Cục Thống kê tỉnh...
Đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh tại Công ty Cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam; kiểm tra thực tế tiến độ thi công tại Dự án xây dựng hạ tầng 50 ha mở rộng KCN Gián Khẩu; Khu nhà ở công nhân và tuyến đường nối giữa 2 khu; Dự án xây dựng tuyến đường Bái Đính- Ba Sao đoạn qua Ninh Bình giai đoạn I và làm việc với UBND huyện Gia Viễn.
Tại Công ty Cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam, đoàn đã nghe báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm và công tác phòng chống dịch COVID-19. 9 tháng đầu năm tổng sản lượng sản xuất của Công ty đạt gần 48.626 xe ô tô các loại, giảm so với cùng kỳ năm trước là hơn 51 nghìn xe. Công ty phấn đấu đến hết năm 2020 đạt 68.000 xe ô tô các loại, đạt 100% kế hoạch năm.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao nỗ lực của Công ty trong sản xuất, kinh doanh từ đầu năm đến nay, đồng thời ghi nhận những đề xuất của lãnh đạo Công ty về việc xem xét mở rộng quy mô diện tích Khu công nghiệp Gián Khẩu để làm cơ sở thu hút tập trung các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô.
UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp để rà soát lại việc thi công hạ tầng, các công trình cấp thoát nước cho dự án của Công ty để chống nguy cơ ngập úng mùa mưa bão khi nhà máy Hyundai Thành Công số 2 đi vào hoạt động.
Đoàn đã nghe lãnh đạo UBND huyện Gia Viễn báo cáo tình hình kinh tế- xã hội năm 2020 và công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2021. Theo đó, kinh tế của huyện tiếp tục phát triển, sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 30.811 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ; vốn đầu tư phát triển ước đạt 1.733 tỷ đồng, tăng 59,5% so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp ổn định, các xã tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí về đích nông thôn mới.
Đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, năm 2020 tổng số vốn đầu tư công trên địa bàn huyện đạt trên 1.195 tỷ đồng. Đến hết tháng 9, huyện đã giải ngân đạt trên 1.150 tỷ đồng, đạt 96,2%.
Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị và kiểm tra tình hình thực tế, đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của huyện Gia Viễn trong việc tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện từ đầu năm đến nay là rất khả quan, thể hiện sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả của cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Gia Viễn.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong rằng các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân huyện Gia Viễn tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2020, tạo đà tăng trưởng cho phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.
Đối với dự án xây dựng tuyến đường Bái Đính- Ba Sao đoạn qua Ninh Bình giai đoạn I, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm nguyên nhân do khó khăn trong công tác GPMB. Dự án Bái Đính- Ba Sao đoạn qua Ninh Bình giai đoạn I với tổng chiều dài 17,6 km, đi qua 6 xã, ảnh hưởng đến hơn 300 hộ dân và diện tích đất nông nghiệp, đất rừng đặc dụng, đất quốc phòng.
Hiện nay, hồ sơ pháp lý diện tích đất ở của một số hộ gia đình cá nhân ở một số xã không rõ ràng cụ thể. Bên cạnh đó, trong quá trình khảo sát thiết kế lập dự án, đơn vị tư vấn chưa đề cập đến việc di chuyển, hoàn trả hệ thống kênh mương tưới, tiêu của các xã, thị trấn bị thu hồi nên khó khăn trong quá trình GPMB thực hiện dự án.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Gia Viễn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành trong tỉnh để triển khai hiệu quả công tác GPMB các dự án, trả lại mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
Đối với những tồn tại trong công tác GPMB của dự án Bái Đính- Ba Sao đoạn qua Ninh Bình giai đoạn I, đề nghị huyện Gia Viễn và các ngành liên quan nghiên cứu kỹ các chính sách, quy định của Nhà nước để xác định, kiểm đếm diện tích đất, vật kiến trúc trên đất cần bồi thường theo hướng có lợi nhất cho người dân và đảm bảo quy định hiện hành của pháp luật, đồng thời, làm tờ trình báo cáo UBND tỉnh để xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
* Buổi chiều, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tại Nhà máy giày Rigis, Cụm công nghiệp Văn Phong, huyện Nho Quan; tình hình xây dựng Khu du lịch sinh thái Silver Cloud Cúc Phương của Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Cúc Phương và làm việc với UBND huyện Nho Quan về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020; công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2021.
Theo báo cáo của UBND huyện Nho Quan, năm 2020 số vốn ngân sách Trung ương đầu tư theo các chương trình mục tiêu là 27.269 triệu đồng, số vốn đã giải ngân là 27.060 triệu đồng, đạt 99% so với số vốn được cấp. Tổng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia cấp theo kế hoạch năm là 63.393 triệu đồng, đã giải ngân là 28.006 triệu đồng, đạt 44,2% so với kế hoạch.
Tổng số vốn ngân sách tỉnh cấp theo kế hoạch là 81.416 triệu đồng, số vốn đã giải ngân đạt 27.917 triệu đồng, đạt 34,3% so với kế hoạch vốn. Tổng số vốn ngân sách huyện đầu tư theo kế hoạch là 85.137 triệu đồng, trong đó số vốn đã giải ngân là 46.740 triệu đồng, đạt 55% so với kế hoạch vốn.
Nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của huyện Nho Quan là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm chậm tiến độ thi công; các quy định về Luật Đầu tư công có sự thay đổi; năng lực quản lý dự án của các chủ đầu tư, nhà thầu còn hạn chế.
Qua kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp và làm việc với UBND huyện Nho Quan, đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch đã ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc đảm bảo sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống cho người lao động.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 của huyện. Đồng thời ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của huyện và chỉ đạo các ngành liên quan quan tâm, tạo điều kiện hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới, các dự án phải thực hiện điều chỉnh bổ sung vốn năm 2020 để đảm bảo giải ngân kế hoạch vốn được giao.
Đề nghị huyện sớm lập quy hoạch vùng kết hợp với rà soát xây dựng bổ sung quy hoạch sử dụng đất của huyện. Trong quá trình lập quy hoạch vùng huyện cần lưu ý chọn công ty tư vấn có kinh nghiệm để đảm bảo yếu tố vùng miền đặc thù, đảm bảo cơ sở hạ tầng, giao thông hiện đại, đồng bộ, làm cơ sở thu hút đầu tư và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hồng Giang - Nguyễn Thơm