Cùng đi có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Giám đốc các sở: NN&PTNT, KH&CN, Công Thương, KH&ĐT, Tài Chính; Văn Phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đoàn đã thăm quan các mô hình trồng rau thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Hồng (Yên Khánh); mô hình nuôi gà đẻ trứng của Công ty TNHH chăn nuôi Quang Trung tại xã Yên sơn (TP Tam Điệp); mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần TM&DL Thanh Xuân; mô hình trồng hoa Cúc tại xã Ninh Phúc (TP Ninh Bình).
Mô hình thử nghiệm trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Hồng được thực hiện từ tháng 10/2016 với 35 hộ xã viên thuộc xóm 9 xã Khánh Hồng, quy mô sản xuất 1,05 ha. Giống rau trồng ở mô hình là Súp lơ xanh Nhật; cải bắp Green Nova; su hào B40. Công nghệ áp dụng trong mô hình là ươm giống bằng khay xốp; xử lý đất bằng vôi và chế phẩm Tricoderma; nhà lưới giản; hệ thống tưới phun mưa; công nghệ bón phân, tăng lượng phân hữu cơ vi sinh và phân tổng hợp NPK, giảm lượng đạm đơn, bón lót nhiều, giảm bón thúc; phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc BVTV thế hệ mới, kết hợp sử dụng đèn, bẫy bả sinh học.
Ước tính cho 1 ha, súp lơ xanh mật độ 33 ngàn cây, cải bắp 33 ngàn cây, su hào khoảng 35 ngàn cây. Sản xuất theo quy trình an toàn, có liên kết bao tiêu sản phẩm, tính đơn giá ở 5000đồng/cây thì cho thu khoảng 165 triệu đồng/ha trong 90 ngày; trừ chi phí lãi khoảng 90-100 triệu đồng/ha. Trong khi đó với phương thức người dân đang trồng và bán hiện nay, tổng thu chỉ đạt khoảng 90-100 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 30-40 triệu đồng/ha. Như vậy với chi phí cho 1ha đầu tư hệ thống tưới và nhà lưới giản đơn khoảng 400 triệu đồng/ha, thì cần làm 4 vụ rau sẽ thu hồi được vốn (khoảng 1 năm rưỡi, trong khi hệ thống này có thể sử dụng trong 5 năm).
Mô hình chăn nuôi gà đẻ của công ty TNHH chăn nuôi Quang Trung tại xã Yên Sơn (TP Tam Điệp) được thành lập từ năm 2003 với quy mô 5.000 con gà đẻ và đến nay đã phát triển lên với quy mô 60.000 con gà đẻ (gấp 12 lần so với trước) cùng 60.000 con gà hậu bị (cứ khoảng 12-14 tháng thì thay thế gà đẻ).
Với giống gà Isa Brown (Công ty CP Thái Lan) cao sản, chuyên trứng thì trước đây, toàn bộ nguồn gà hậu bị đều được nhập từ công ty CP (Thái Lan), nhưng hiện tại công ty đã chủ động được nguồn, bắt đầu cung ứng cho các địa phương khác. Thức ăn sử dụng loại Hi-Gro của công ty CP Thái Lan cung cấp.
Chuồng trại sử dụng hệ thống chuồng kín, 2 mái có khả năng điều chỉnh nhiệt độ bằng công nghệ dàn mát và quạt hút công suất cao. Hệ thông lồng, nước uống, lấy phân tự động, việc cho ăn sử dụng hệ thống Silo bơm thức ăn vào các dãy chuồng. Việc ứng dụng các công nghệ trên đảm bảo cho trang trại gà của Công ty phòng tránh được dịch bệnh và kiểm soát được dịch bệnh, không bị ảnh hưởng lớn của thời tiết khí hậu, giảm tốt đa công lao động (toàn bộ trang trại có khoảng 30 người), nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm.
Sản phẩm chính của Công ty là trứng gà thương phẩm với sản lượng từ 18-20 triệu quả/năm, cung cấp cho thị trường từ Nghệ An đến Phú Thọ và là địa chỉ tin cậy, có uy tín của các hãng sản xuất bánh kẹo lớn như: Công ty CP bánh kẹo Tràng An, Hữu Nghị, Hải Hà, Đại Thắng... Doanh thu của công ty ước đạt 40-45 tỷ đồng/năm.
Mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phần thương mại và du lịch Thanh Xuân được thực hiện từ tháng 10/2016; quy mô sản xuất 3.000 m2, tiến hành thử nghiệm 1.500 m2. Giống rau là xà lách, dưa chuột, đậu cove, cải bó xôi, cải canh, rau thơm các loại… nguồn gốc giống từ Nhật Bản.
Công nghệ áp dụng cho mô hình nhà lưới, diện tích 1.500 m2 (chiều dài 30m, nhà lưới cao 3m, xung quanh là lưới chắn côn trùng 72 lỗ/cm2, bên trên là nilon chuyên dụng độ dày 150micro m. Cứ 4 lô có một lô làm mái cuốn nilon để hạ nhiệt độ khi trời nắng nóng.
Chi phí đầu tư cho công nghệ này bao gồm cả nhà lưới, hệ thống tưới phun mưa, nhỏ giọt, quy trình canh tác mới trung bình khoảng để làm nhà lưới trung bình 300.000đồng/m2 (1.000m2 chi phí khoảng 300 triệu đồng), 1 ha là 3 tỷ. Công nghệ ươm giống bằng khay xốp 84 lỗ. Công nghệ xử lý đất trước khi trồng bằng vôi bột và chế phẩm Tricodema.
Quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh: Theo quy trình c ủa Lâm Đồng, có sự cải tiến cho phù hợp với điều kiện thời tiết của Ninh Bình; một số loại phân bón mới đã áp dụng là phân Borax,CanxiBo, MgSO4, cách thức bón là qua hệ thống tưới nhỏ giọt theo đúng quy trình và bón lót phân hữu cơ vi sinh, phân Power ant1.
Trong quá trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học dòng Abamectin va Emamectin, có hiệu lực cao, thời gian cách ly ngắn chỉ 3-5 ngày. Công nghệ tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt. Mô hình ứng dụng đồng bộ các công nghệ: Nhà lưới, tưới tiết kiệm nhỏ giọt, giống mới và ươm cây con giống trên giá thể khay ươm,… nên sinh trưởng phát triển và năng suất của cây đều thể hiện rõ nét. Sản phẩm được doanh nghiệp tiêu thụ tại chỗ, thuận lợi cho việc mở rộng quy mô sản xuất...
Với mô hình này, đề nghị nên mở rộng áp dụng cho các doanh nghiệp có điều kiện, có khả năng tiêu thụ được sản phẩm; đồng thời nên áp dụng các công nghệ như tưới nhỏ giọt; ươm cây con trong khay bầu để tranh thủ được thời vụ, đảm bảo độ đồng đều…
Mô hình trồng hoa cúc tại Ninh Phúc (TP Ninh Bình),quy mô sản xuất 450m2. Giống: Cúc chùm trắng, Cúc chùm vàng, Cúc đơn kim cương vàng... nguồn gốc giống tại Đà Lạt-Lâm Đồng. Xử lý đất bằng vôi bột và chế phẩm Tricoderma. Hệ thống tưới nhỏ giọt là phương pháp mới áp dụng, khác với cách tưới thông thường của người dân, với công nghệ này, người nông dân tiết kiệm được công lao động, lại kết hợp giữa tưới nước và bón phân 1 cách đồng đều, không xảy ra hiện tượng cháy lá khi tưới bằng ô roa.
Công nghệ phân bón, thuốc BVTV thế hệ mới: Sử dụng các loại phân bón mới như MAP, MgS04, MPK… khác hẳn so với địa phương thường làm là sử dụng phân đơn Đạm, Kali, NPK đầu trâu. Lợi nhuận đạt từ 68- 90 triệu đồng/1000m2, quy ra 1 ha đạt khoảng 700- 900 triệu.
Nếu trừ chi phí lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt (khoảng 40 triệu đồng cho 1000m2, 1ha mất khoảng 400 triệu, nhưng sử dụng được nhiều vụ, khoảng 5 năm). Chênh lệch về lợi nhuận giữa việc áp dụng công nghệ mới với phương pháp thông thường đạt khoảng 20 triệu đồng/1000m2, tức là khoảng 200 triệu đồng/ha.
Tại các mô hình đến thăm, các đồng chi lãnh đạo tỉnh cũng đã trao đổi, tìm hiểu sâu về quy trình sản xuất, những khó khăn bất cập khi triển khai thực hiện mô hình cũng như việc mở rộng mô hình; giải đáp những kiến nghị, đề xuất của cơ sở... và hy vọng đó là những mô hình kiểu mẫu, để nhân dân có thể đến tham quan, học tập và làm theo.
Đinh Chúc