*Chiều 18/7, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 3 tại huyện Yên Khánh và huyện Kim Sơn. Cùng đi với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại tá Nguyễn Ngọc Thạch, TVTU, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh...
Tại huyện Yên Khánh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đến kiểm tra một số công trình: Cống Long Sơn, trục kênh điều hòa thuộc địa bàn xã Khánh Phú- công trình tiêu nước cho KCN Khánh Phú, khu dân cư thôn Hào Phú của xã Khánh Phú; cống Chanh xã Khánh Hòa; cống xóm Soi xã Khánh An trên tuyến đê Sông Vạc.
Trong quá trình kiểm tra tại các điểm nêu trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nghe lãnh đạo ngành Nông nghiệp, lãnh đạo huyện Yên Khánh báo cáo tình hình cụ thể việc tổ chức ứng phó với cơn bão số 3; thiệt hại ban đầu do ảnh hưởng bởi mưa trong những ngày qua đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo lãnh đạo sở Nông nghiệp và PTNT, Ban quản lý KCN, huyện Yên Khánh phối hợp, lên phương án thực hiện ngay việc đảm bảo thông thoáng dòng chảy khu vực kênh điều hòa xã Khánh Phú, không để xảy ra tình trạng ngập úng ở khu công nghiệp Khánh Phú gây thiệt hại về kinh tế và ô nhiễm môi trường.
Đối với các cống mà đoàn đến kiểm tra, đơn vị chủ quản chủ động khắc phục ngay những phần hư hỏng, đảm bảo yêu cầu cho việc vận hành hiệu quả. Huyện cần tổ chức lực lượng ứng trực, theo dõi sát tình hình diễn biến của thời tiết để có phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Tiếp đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí cùng đi đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão ở huyện Kim Sơn; kiểm tra một số điểm quan trọng trên đê biển Bình Minh 3. Tại Trung tâm chỉ huy Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nghe đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo Sở Nông nghiệp&PTNT, chỉ huy Đồn biên phòng Kim Sơn báo cáo công tác chỉ đạo, việc thực hiện các phần việc theo phân công phân nhiệm của cấp có thẩm quyền trong phòng chống cơn bão số 3 trên địa bàn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đoàn kiểm tra tại huyện Kim Sơn. Ảnh: TM
Qua nghe báo cáo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương BCĐ phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ động có công điện chỉ đạo điều hành và tổ chức kiểm tra, đôn đốc sớm đối với các địa phương, đơn vị trong tỉnh ứng phó với cơn bão số 3. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý thiên tai luôn diễn biến rất khó lường, vì vậy các cấp, các ngành cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không được chủ quan lơ là; cần theo sát diễn biến của cơn bão đề có phương án sớm và phù hợp nhất để ứng phó.
Bên cạnh đó cần tiếp tục việc kiểm tra, phát hiện những vị trí xung yếu; quan tâm đến các công trình phòng chống lụt bão còn đang thi công dở dang. Đối với huyện Kim Sơn cần tích cực, kiên quyết thực hiện việc di dời dân cư sinh sống và sản xuất ở ngoài đê vào khu vực an toàn. Đối với lực lượng thường trực tại Kim Sơn cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ứng trực đảm bảo thời gian, sẵn sàng cho các tình huống xảy ra.
Đối với sản xuất nông nghiệp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương cần bám sát diễn biến của cơn bão, chuẩn bị sẵn sàng cho các phương án: nếu lượng mưa thấp thì chỉ đạo cố gắng khắc phục cứu những diện tích đã gieo sạ bị ngập úng; bên cạnh đó cũng cần chủ động phương án gieo mạ dự phòng để cấy bù diện tích bị ảnh hưởng do ngập úng trong khung thời vụ tốt nhất để đảm bảo cho một vụ mùa thắng lợi.
*Sáng 18/7, đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão và tiêu úng tại huyện Yên Mô. Cùng đi có đồng chí Mai Văn Tuất, TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo huyện Yên Mô.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đoàn kiểm tra tại huyện Yên Mô. Ảnh: AT
Theo báo cáo nhanh của huyện Yên Mô: Đến nay, toàn huyện đã gieo cấy hơn 6.590 ha lúa mùa (đạt trên 97,3% tổng diện tích), trong đó có trên 5.589 ha được thực hiện bằng hình thức gieo vãi. Mưa to liên tục trong những ngày qua đã làm cho hơn 2.400 ha diện tích lúa mới gieo cấy trên địa bàn huyện bị ngập.
Trước tình hình trên, huyện đã tập trung đôn đốc, chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai các biện pháp để tiêu úng. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn huyện đã yêu cầu các thành viên trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo các đơn vị, địa phương khắc phục thiên tai; các xã huy động phương tiện và nhân lực tập trung tiêu úng cho lúa. Bố trí lực lượng kiểm tra hệ thống đê, nhất là những đoạn đê xung yếu, các cống trên đê. Với các biện pháp triển khai tích cực, dự kiến nếu không có mưa lớn trong thời gian tới, huyện Yên Mô sẽ cứu được khoảng 1.400 ha lúa ngập.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thực tế một số điểm lúa bị ngập úng nặng trên địa bàn huyện và kiểm tra năng lực tiêu thoát nước tại cống Vũ Thơ - một trong những trọng điểm tiêu úng trên địa bàn xã Yên Lâm và một phần Yên Mạc. Đây cũng là điểm xung yếu do bị lủng toàn bộ đáy cống sau trận lũ lịch sử tháng 10/2017.
Hiện tại, xã Yên Lâm đã dùng đá hộc, bao cát hoành triệt và khống chế hoàn toàn hiện tượng rò rỉ. Qua kiểm tra thực tế, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hồng Quảng yêu cầu huyện Yên Mô sẵn sàng phương án di dân đối với37 hộ hiện đang sinh sống trong vùng bãi bồi thuộcsông Cầu Hội (sông Nhà Lê) đến nơi an toàn.
Đồng thời lưu ý, dự báo trong những ngày tới, thời tiết sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp, huyện cần tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức lực lượng tăng cường tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập, các địa điểm xung yếu trên địa bàn... đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, hạn chế mức nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
*Cùng ngày, đoàn công tác do đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 3 tại huyện Gia Viễn, Nho Quan và thành phố Tam Điệp. Đi cùng đoàn còn có đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tại huyện Nho Quan. Ảnh: Duy Hán
Tại huyện Gia Viễn, đoàn đã đi kiểm tra tại Khu công nghiệp (KCN) Gián Khẩu và trạm bơm Gia Viễn. Tại KCN Gián Khẩu, một số vị trí cống thoát nước có tình trạng rác thải gây tắc nghẽn dòng chảy; một số vị trí đã bị sạt lở. Tại trạm bơm Gia Viễn, cũng gặp tình trạng sạt lở một số vị trí. Để sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhà thầu thi công khơi thông dòng chảy và khắc phục sạt lở tại KCN Gián Khẩu.
Kiểm tra trạm bơm Gia Viễn hiện đang trong quá trình gia cố lại 2 bờ bể xả, đồng chí yêu cầu huyện Gia Viễn và đơn vị thi công chủ động theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng vận hành trạm bơm tiêu úng khi xảy ra mưa lớn, đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp. Huyện Gia Viễn tiếp tục kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống đê, kè, cống và diện tích lúa gieo sạ. Những điểm xung yếu cần báo cáo lên cấp trên để có phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra.
Tại huyện Nho Quan, đoàn đã đi kiểm tra các tuyến đê bao sông Na, sông Bôi và sông Hoàng Long trên địa bàn các xã Đức Long, Gia Lâm, Gia Thủy; tiến độ xây dựng cầu Lập Cập, cửa thoát lũ Quèn Thạch. Theo báo cáo của UBND huyện Nho Quan, tuyến đê bao sông Na, sông Bôi và sông Hoàng Long trên địa bàn các xã Đức Long, Gia Lâm, Gia Thủy có cao trình đỉnh (+3.90) - (+4.20), chiều rộng mặt 3m; mặt, mái bờ bao được gia cố bằng bê tông, có nhiệm vụ đảm bảo chống lũ cho khoảng 400ha đất sản xuất nông nghiệp và khoảng 1.100 hộ dân.
Do phải chống chịu với mức nước lũ cao hơn thiết kế, các tuyến đê bao đã bị xuống cấp nghiêm trọng, mái phía đồng sạt lở sụt lún, bê tông bong, vỡ nứt nhiều vị trí, có nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào. Để chủ động phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước, nhân dân trong vùng dự án, UBND huyện Nho Quan đã đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý khẩn cấp sạt lở các tuyến đê bao kể trên với tổng chiều dài trên 600m.
Đoàn đã đi kiểm tra thực tế các vị trí và mức độ sạt lở. Tại vị trí đang xây dựng cầu Lập Cập (nối giữa huyện Nho Quan với huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình), hiện đơn vị thi công đang làm một chiếc cầu tạm để phục vụ việc di chuyển của nhân dân 2 địa phương. Mưa lớn từ nhiều ngày qua cộng với lượng nước từ thượng nguồn đổ về đã khiến cho mực nước trên sông dâng cao, có lúc ngập mặt đường, giao thông bị chia cắt.
Đồng chí yêu cầu huyện Nho Quan, nhà thầu thi công thực hiện nghiêm việc phân luồng giao thông, cấm ô tô đi qua, có phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tại vị trí xây dựng cửa thoát lũ Quèn Thạch, tình trạng thi công hiện nay chưa đạt yêu cầu, vì vậy đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Nho Quan khẩn trương có biện pháp khắc phục ngay, đảm bảo an toàn khi lũ về.
Tại thành phố Tam Điệp, đoàn đã đến kiểm tra một số vị trí xung yếu tại xã Quang Sơn, phường Nam Sơn và phường Tân Bình. Tại các vị trí đoàn đến kiểm tra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành phố Tam Điệp đặt cảnh báo lũ tại những vị trí trọng yếu của xã Quang Sơn; khơi thông dòng chảy, đảm bảo chức năng của hệ thống cống tiêu thoát nước trên tuyến đường 1A, đoạn qua phường Nam Sơn.
Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương sẵn sàng, chủ động với mọi tình huống có thể xảy ra. Đồng chí nhấn mạnh, các địa phương cần theo dõi sát sao và nắm chắc tình hình việc đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân là trên hết. Đối với những diện tích lúa đã gieo cấy, các địa phương cần chủ động trong việc tiêu úng, đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp.
*Sáng 18/7, đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 tại huyện Yên Khánh.
Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiểm tra tại huyện Yên Khánh. Ảnh: MQ
Theo báo cáo nhanh của huyện Yên Khánh, đến thời điểm này toàn huyện đã gieo trồng được trên 8.100 ha cây trồng các loại, trong đó lúa là 7.700 ha, màu là 420 ha. Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, đã có gần 3.760 hả lúa bị ngập úng, trong đó, ngập trắng hơn 2.000 ha, ngập phấp phơ 1.700 ha. Các xã bị ngập nặng là: Khánh Cư, Khánh Hòa, Khánh An, Khánh Thủy...
Trước tình hình trên, huyện Yên Khánh đã tập trung xuống các địa phương kiểm tra, nắm bắt tình hình ngập lụt, đồng thời, chỉ đạo Chi nhánh KTCTTL thực hiện bảo dưỡng vận hành thường xuyên 19 trạm bơm với 69 máy, công suất từ 1000m3 - 4.000m3/h hoạt động 24/24h phục vụ việc bơm tiêu úng cho lúa. Cùng với đó, các xã, thị trấn huy động máy bơm các loại khoanh vùng tiêu úng cục bộ và tiến hành khơi thông dòng chảy.
Sau khi kiểm tra tại một số khu vực trọng điểm, nghe báo cáo tình hình và các kiến nghị đề xuất của các địa phương, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Quang Ngọc yêu cầu huyện Yên Khánh cần tiếp tục huy động tối đa phương tiện, lực lượng tập trung vận hành tất cả các trạm bơm khẩn trương bơm tiêu kiệt nước đệm, chống úng, khơi thông dòng chảy, bảo vệ diện tích lúa, hoa màu. Kiểm tra kỹ những nơi ngập úng nặng, không có khả năng phục hồi, chuẩn bị giống, gieo mạ ngay để khi nước rút có mạ cấy kịp thời.
Huyện cần phải lưu ý đến các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, tránh để ngập úng xảy ra, làm ảnh hưởng đến sản xuất. Đồng chí cũng yêu cầu địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến bão và tình hình mưa lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản.
Nhóm PV