Tại huyện Gia Viễn, Đoàn kiểm tra nhấn mạnh: Trước mắt, địa phương phải đẩy nhanh công tác tiêu nước đệm gây ngập úng lúa, hoa màu trong thời kỳ sắp cho thu hoạch, đề phòng mưa lớn, nước từ Hòa Bình đổ về, phải xả tràn… Rà soát kỹ các kè, cống dưới đê và các tuyến đê xung yếu. Ở Gia Viễn, nông dân cũng đã gặt được khoảng 100 ha lúa ngoài đê trong bờ bao Hoa Tiên (Gia Hưng). Huyện cũng đã tiến hành kiểm tra 14 trạm bơm, nhìn chung, các trạm bơm, máy bơm đều tốt, duy chỉ có trạm Gia Hưng là máy biến áp chưa đạt yêu cầu, do máy bơm vượt quá công suất…
Tại Nho Quan, Đoàn kiểm tra đã thị sát hồ Thường Xung, hiện đang xây dựng đập nhằm điều tiết nước trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời giảm nhẹ dòng chảy khi nước lớn từ cả một vùng thượng nguồn rừng Quốc gia Cúc Phương chảy về vào mùa mưa.
Đoàn kiểm tra cũng được nghe lãnh đạo huyện, Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện báo cáo nhanh về tình trạng những điểm xung yếu, vùng nguy cơ cao, chủ động phòng, tránh lũ quét, sạt lở đất. Về tình hình thu hoạch nông sản, nông dân Nho Quan có 1.500 ha lúa ngoài đê, đã thu gặt được 1.300 ha. Các phương án "4 tại chỗ" được đôn đốc, kiểm tra 13 trạm bơm/13 trạm để có thể sẵn sàng tiêu úng và bảo vệ hoa màu.
Tại các nơi đến thị sát, Đoàn kiểm tra yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh và các huyện thực hiện nghiêm các Công điện của Trung ương và tỉnh, với tinh thần theo dõi diễn biến của bão, nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
• Tại huyện Kim Sơn, đồng chí Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó Chủ tịch thường trực phụ trách UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị đối phó với bão số 3 và thị sát tại đê Bình Minh III. Cùng đi có lãnh đạo 1 số sở, ngành, Văn phòng UBND tỉnh và huyện Kim Sơn.
Đồng chí Đinh Quốc Trị làm việc với BCH PCLB&TKCN huyện Kim Sơn. Ảnh: MQ
Sau khi đi kiểm tra thực tế, đồng chí Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó Chủ tịch thường trực phụ trách UBND tỉnh đã ghi nhận, đánh giá cao huyện Kim Sơn và các ngành đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội, Công an triển khai tốt công tác đối phó bão số 3 trên địa bàn; nhất là công tác kêu gọi tàu thuyền, di dân vùng nuôi trồng thủy sản ngoài đê.
Đồng chí đề nghị huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để thông báo cho nhân dân chủ động phòng tránh. Duy trì các lực lượng chốt chặt các điểm trên để ngăn không cho dân quay trở lại vùng nguy hiểm. Triển khai chằng chống nhà cửa; chuẩn bị sẵn sàng phương án di dân 3 xã khi có lệnh; tăng cường lực lượng tuần tra đảm bảo an ninh trật tự trước, trong, sau bão; chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, nhất là thủy sản…
Kim Sơn là huyện trọng điểm phòng chống bão của tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện đã thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, giữ liên lạc với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; phối hợp chặt chẽ với Bộ đội biên phòng tỉnh duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc để theo dõi diễn biến của bão.
Theo báo cáo của huyện, đến 12h ngày 16/9, huyện đã hoàn thành việc kêu gọi 129 tàu, thuyền với 296 ngư dân vào nơi neo đậu an toàn; đến 17h ngày 16/9 đã di chuyển toàn bộ 361 lao động đang nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê Bình Minh III và 998 hộ với 1.277 khẩu đang nuôi trồng thủy, hải sản từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III vào nơi tránh trú bão an toàn; chuẩn bị sẵn sàng phương án di dân 3 xã Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung vào nơi tránh trú bão khi có lệnh...
• Cũng trong chiều 16/9, đồng chí Đinh Văn Điến, TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại huyện Yên Mô và TX Tam Điệp. Cùng đi có lãnh đạo sở Công Thương, NN&PTNT, BQLCKCN tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh.
Đồng chí Đinh Văn Điến và các đồng chí cùng đi thị sát tuyến đê hồ Đồng Thái. Ảnh: Đức Lam
Đồng chí Đinh Văn Điến và các đồng chí cùng đi đã thị sát tuyến đê hồ Đồng Thái, các đập tràn trên hồ, tình hình sản xuất nông nghiệp của một số xã trên địa bàn huyện.
Trao đổi với lãnh đạo huyện Yên Mô ngay tại các điểm kiểm tra, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện chú ý đến các hồ đập, cống trên các tuyến đê, đồng thời tập trung bảo vệ sản xuất nông nghiệp; huy động lực lượng thu hoạch nhanh lúa đã chín tránh bão, chống đổ cho lúa mới trỗ và bảo vệ cây vụ đông đã trồng...
Về công tác phòng chống bão số 3, theo báo cáo của lãnh đạo huyện, từ sáng ngày 16/9, Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện đã có công điện yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện, xã, thị trấn; các phòng, ban, cơ quan, đoàn thể; các địa phương trong huyện…thực hiện nghiêm túc các công điện của tỉnh và huyện; các xã, thị trấn, đôn đốc nhân dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín tới theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng"; khơi thông dòng chảy trên các kênh mương, sông ngòi; chằng chống nhà cửa, trụ sở cơ quan, công sở, trường học bệnh viện, nhất là các công trình xây dựng còn dang dở; tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống các cột điện, nhất là ở khu vực sản xuất lúa cá.
Chi nhánh khai thác công trình thủy lợi và các HTX vận hành các trạm bơm, máy bơm tiêu kiệt nước đệm trong sông ngòi, kênh mương; giữ nước vừa phải trên ruộng để tránh lúa đổ. Các thành viên Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện xuống địa bàn được phân công và tổ chức trực 24/24h và thường xuyên cập nhận báo cáo về Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện…
Trước đó, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh và Đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại TX Tam Điệp: Kiểm tra các điểm giao thông trên QL1A hay bị ngập lụt, hồ đập trên địa bàn và công tác phòng chống bão của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh lưu ý TX Tam Điệp phối hợp với các ngành liên quan có phương án đảm bảo an toàn và giao thông liên tục cho đoạn QL1A gần dốc Xây, bảo vệ các hồ đập và nhất là đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chú ý chằng chống nhà xưởng, kho tàng, bảo vệ máy móc, vật tư nguyên liệu và sản phẩm khi bão đổ bộ vào địa bàn tỉnh.
M.Đường-T. Chiên-Đ.Chúc