Ông Vũ Văn Nga, Tổng giám đốc, Tổng Công ty giống và cây trồng Ninh Bình cho biết: Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đang gặp khó khăn, doanh nghiệp đã chủ động chuyển hướng sang phát triển thị trường trong nước.
Theo đó, Công ty đã tập trung củng cố lại hệ thống đại lý các sản phẩm nông sản ở các tỉnh, thành phố và tại tỉnh Ninh Bình. Một số sản phẩm phục vụ chủ yếu cho xuất khẩu cũng được thay đổi để phù hợp với thị hiếu khách hàng trong nước. Công ty cũng tập trung cho việc xây dựng Nhà máy đông lạnh tại tỉnh Ninh Bình nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, chế biến nông sản đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu trong thời gian tới.
Để khuyến khích tiêu dùng hàng Việt, tại một số siêu thị như Big C, VinMart…90% hàng hóa đều là hàng Việt Nam. Hàng Việt được ưu tiên trưng bày tại các vị trí thuận lợi, dễ thấy; giá cả được niêm yết công khai; nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá được thực hiện đã thu hút khách hàng quan tâm nhiều hơn tới hàng sản xuất trong nước.
Thời gian này, tất cả các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh bao gồm: các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện ích, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, vận chuyển, ngân hàng, viễn thông, thương mại điện tử đều đang thực hiện khuyến mại và mức giảm giá tối đa với hàng hóa, dịch vụ kích thích nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trong tỉnh.
Đánh giá về thị trường nội địa trong nửa đầu năm nay, ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Từ đầu năm đến nay tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong những tháng đầu năm, Chính phủ phải có chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân nên các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu hàng hóa đều bị ảnh hưởng đáng kể. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, vận tải hành khách, các dịch vụ không thiết yếu khác trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng hoạt động trong thời gian 01/4/2020-24/4/2020. Bên cạnh đó người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du dịch và ăn uống ngoài gia đình.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Ninh Bình, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên thị trường toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt trên 12 nghìn tỉ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Một số nhóm hàng có tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm mạnh như: Phương tiện đi lại giảm 30,1%; xăng dầu các loại giảm 23,3%; hàng may mặc giảm 29,1%; ô tô các loại giảm 15,7%...
Các nhân tố tác động đến kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội như: Trong 6 tháng đầu năm nhóm mặt hàng xăng dầu đã thay đổi, điều chỉnh tăng, giảm 10 lần; Dịch Covid-19 xuất hiện gây khó khăn và tạo ra những bất ổn cho thị trường hàng hóa tiêu dùng.
Trước tình hình đó, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành chức năng trong việc triển khai các phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thường xuyên theo dõi tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường để kịp thời cung cấp những thông tin hữu ích phục vụ yêu cầu quản lý.
Thực hiện tốt công tác thẩm định, cấp phép đối với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về gian lận thương mại
Bên cạnh đó, Sở Công thương đã tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Hỗ trợ triển khai các đề án Xúc tiến thương mại 2020 của địa phương, chương trình quốc gia đúng tiến độ giúp các doanh nghiệp khảo sát thị trường mới, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, Sở đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành Công thương như thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực công thương thực hiện đúng các quy định của pháp luật; kịp thời nắm bắt biến động giá cả mặt hàng, sản phẩm mặt hàng thiết yếu trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Để đạt được mục tiêu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 39,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2019 và đạt 100% kế hoạch năm. Bên cạnh các giải pháp nhằm kích thích tiêu dùng nội địa, Sở Công thương đang tích cực triển khai thực hiện chương trình "Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia 2020- Vietnam Grand Sale 2020" trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Thị trường nội địa giữ vai trò quan trọng, là trụ cột trong việc khôi phục và phát triển kinh tế. Mục đích của chương trình kích cầu tiêu dùng là đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh, từng bước khôi phục lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Kích cầu tiêu thụ hàng hóa nội địa cũng sẽ nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong nước về hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam qua các hoạt động truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua hoạt động khuyến mại kết hợp với việc giới thiệu sản phẩm và các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh để thu hút, kích cầu và phục hồi du lịch. Đồng thời, qua việc ủng hộ hàng nội địa sẽ phát huy, khai thác được ở mức cao nhất tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm