Trao đổi với ông Trần Văn Tuyến, Trưởng Phòng thu (BHXH tỉnh), chúng tôi được biết: Toàn tỉnh hiện có 1.366 doanh nghiệp đang tham gia BHXH, BHYT bắt buộc cho 48.861 lao động. Như vậy, theo Luật BHXH, số doanh nghiệp phải tham gia BHTN là khoảng 400 đơn vị với số lao động phải tham gia là trên 15.800 người. Thực hiện Nghị định 127/2008/NĐ - CP của Chính phủ, Thông tư số 04 ngày 21-1-2009 của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội về hướng dẫn thi hành chính sách BHTN, cơ quan BHXH tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, đồng thời tổ chứcc tập huấn cho cán bộ làm công tác BHTN nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để họ làm tốt nhiệm vụ, chức trách của mình.
Cùng với đó, đầu tháng 3-2009, BHXH tỉnh đã có công văn số 53 yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp tiến hành rà soát các đối tượng tham gia BHTN và gửi danh sách về BHXH trước ngày 31 tháng 3. Mặc dù BHTN chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2009, nhưng do tác động của tình hình suy thoái kinh tế thế giới, tình hình kinh tế trong nước ít nhiều đã chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu nên Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội đã đồng ý cho phép các doanh nghiệp chậm nộp BHTN trong năm và truy nộp vào thời điểm 6 tháng cuối năm 2009. Song đến thời điểm cuối tháng 6, cơ quan BHXH vẫn chưa nhận được bản danh sách thống kê nào cũng như chưa có doanh nghiệp nào tham gia BHTN! Sự chậm trễ này sẽ gây nhiều thiệt thòi cho người lao động.
Trung bình hàng năm tỉnh ta có khoảng 10 nghìn người bước vào độ tuổi lao động, nhưng khả năng thu hút lao động của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, vì thế vẫn còn nhiều lao động không có việc làm hoặc thiếu việc làm. Mặt khác, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, một bộ phận không nhỏ lao động do nhiều nguyên nhân khác nhau bị mất việc làm, đời sống rất khó khăn, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Theo thống kê sơ bộ, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 111 người bị mất việc. Chủ yếu là lao động trong các lĩnh vực: xây dựng, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ, chế biến cói...
Tình trạng các lao động trên địa bàn Ninh Bình bị mất việc tuy chưa đến mức "căng thẳng" như nhiều địa phương khác trên cả nước. Song, để giúp người lao động ổn định đời sống và hỗ trợ họ học nghề, tìm việc làm khi không may mất việc luôn là hành động cần thiết, trong đó thực hiện chính sách BHTN được xem là một giải pháp quan trọng. Mặt khác, tính tích cực của BHTN là mang tính dự phòng, chia sẻ rủi ro giữa những người lao động đang làm việc với những người bị mất việc.
Được biết, trước sự chậm trễ tham gia đóng BHTN của các doanh nghiệp, BHXH tỉnh đã có những kiến nghị, đề xuất với các ngành chức năng, trước mắt tuyên truyền vẫn là giải pháp quan trọng hàng đầu để chính sách này được "phủ" sâu rộng đến các đối tượng lao động. Đây là chính sách mới có tác động trực tiếp tới người lao động, người sử dụng lao động.Vì vậy, trong thời gian tới, để thực hiện nghiêm chính sách BHTN rất cần sự ủng hộ của các chủ doanh nghiệp và bản thân mỗi người lao động. Đối với các trường hợp cố tình "lách luật" hoặc chây ỳ, ngành chức năng cần có biện pháp mạnh hơn, kiên quyết, cứng rắn hơn trong xử lý để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và cũng là một cách bảo đảm quyền lợi thiết thực cho người lao động.
Đức Nghĩa