Tại huyện Yên Khánh, hồi 13 giờ 30 ngày 13/9, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện đã có công điện số 08 gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn. Qua đó thông báo về tình hình diễn biến của cơn bão số 10: vị trí hiện tại, hướng đi, tốc độ và dự báo thời gian đổ bộ vào đất liền.
Đồng thời yêu cầu các xã, thị trấn: theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 10, thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng, chống; phối hợp với Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi, Điện lực để theo dõi diễn biến cơn bão, đảm bảo nguồn điện chủ động triển khai các phương án ứng phó trước, trong và sau khi bão đổ bộ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; chuẩn bị tốt chỉ tiêu 4 tại chỗ đã được giao, sẵn sàng huy động khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện.
Để đảm bảo cho sản xuất vụ mùa, huyện Yên Khánh đã gửi thông báo tới Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện về việc sẵn sàng vận hành các trạm bơm để ứng phó với tình trạng lũ lụt. Trong ngày 13/9, lợi dụng thủy triều, huyện Yên Khánh đã tiến hành tiêu kiệt nước đệm trên toàn bộ diện tích lúa mùa... đảm bảo đề phòng ngập úng cho gần 6.000ha lúa đã và đang trỗ bông.
Là trọng điểm về PCTT&TKCN của tỉnh, sau khi nhận được Công điện số 09/CĐ-PCTT hồi 8 giờ ngày 13/9 của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, hồi 13 giờ cùng ngày, huyện Kim Sơn đã phát đi công điện số 08 tới tất cả các xã, thị trấn.
Trong đó đặc biệt chú trọng việc giao nhiệm vụ cho Đồn Biên phòng Kim Sơn tổ chức theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các phương tiện để kịp thời xử lý tình huống cụ thể xảy ra; ngăn chặn không cho tàu thuyền ra khơi, thông tin để thông báo kịp thời cho chủ phương tiện tàu thuyền về diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi về nơi trú ẩn an toàn.
Bên cạnh đó yêu cầu UBND các xã, thị trấn phối hợp với Đồn Biên phòng Kim Sơn thông tin và báo cáo về Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện về số lao động, số tàu, thuyền đã về nơi trú ẩn và số lao động, số tàu thuyền còn ngoài khơi.
Đồng thời rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu trên hệ thống đê sông, đê biển, các công trình đang thi công để có phương án xử lý, đảm bảo an toàn. Kiểm tra hoạt động giao thông tại các bến đò ngang, giao cho Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có bến đò ngang chịu trách nhiệm về hoạt động giao thông của các bến đò trên địa bàn quản lý.
Song song với đó, các cấp, các ngành, các đơn vị hiệp đồng cần chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra, sẵn sàng thực hiện phương án hậu phương và di dân vùng bãi bồi ven biển khi có lệnh.
Các UBND xã, thị trấn, HTX nông nghiệp, thủy sản có trách nhiệm hướng dẫn nhân dân có biện pháp bảo vệ diện tích lúa, ao đầm vùng nuôi trồng thủy sản khi có thông tin bão đổ bộ vào địa bàn. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, tuần tra, canh gác và xử lý ngay các sự cố để đảm bảo an toàn đê điều.
Được biết, ngay sau khi có thông tin về cơn bão, nhân dân các xã của huyện Kim Sơn đã tiến hành chằng chống nhà cửa, sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ. Với hơn 50% lúa đã trỗ bông, Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện đã cho tiêu kiệt nước đệm, sẵn sàng vận hành các trạm bơm; UBND và các HTX nông nghiệp sẵn sàng huy động máy bơm điện, bơm dầu để triển khai phương án rút nước khi xảy ra úng lụt trên các diện tích lúa vụ mùa.
Ngay sau khi có tin bão, huyện Nho Quan và Gia Viễn đã có công điện chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực chuẩn bị công tác phòng, chống cơn bão số 10.
Đồng chí Vũ Lâm Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Nho Quan cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, nhân viên các phòng, ban chuyên môn đã xuống cơ sở, đôn đốc bà con nông dân ra đồng gặt nhanh gọn diện tích lúa đã chín. Đồng thời, tiếp tục rà soát, củng cố công tác "4 tại chỗ" để chủ động phòng, chống thiên tai.
Các trạm bơm tiêu nước đều phân công nhân viên trực, chống bão, vùng cần bơm thì vận hành tiêu kiệt nước đệm. Đối với huyện Nho Quan, hầu hết các hồ, đập được thiết kết xây dựng theo cơ chế tự tràn, đảm bảo an toàn bờ đập cũng như giữ được mực nước, đáp ứng yêu cầu thủy lợi.
Riêng hồ Đồng Chương có cống, nhân viên Chi nhánh KTCTTL huyện đã được phân công, bố trí trực, vận hành khi có yêu cầu. Toàn huyện có 4 trạm bơm tiêu nước đã được vận hành, tiêu kiệt nước đệm theo lệnh của Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện.
Với phương châm "Xanh nhà hơn già đồng", các địa phương trong huyện có diện tích lúa chín đã đôn đốc bà con nông dân ra đồng gặt nhanh gọn. Thời điểm này, các xã Phú Sơn, Thạch Bình, Yên Quang đã gặt được 350 ha lúa mùa sớm đã chín. Riêng xã Yên Quang đã gặt xong gần 50% diện tích lúa mùa. Cùng với đó, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, xã tiếp tục rà soát củng cố công tác "4 tại chỗ" để chủ động phòng, chống bão.
Các cấp, ngành và địa phương ở huyện Gia Viễn cũng đang khẩn trương thực hiện nghiêm công tác chuẩn bị phòng chống, ứng phó với cơn bão số 10. Theo Phòng Nông nghiệp & PTNT Gia Viễn, diện tích gieo trồng vụ mùa năm 2017 toàn huyện là 5.732 ha, trong đó cây lúa 5.226 ha, cây màu 506 ha. Đến thời điểm này, diện tích lúa trỗ trên toàn huyện 3.500 ha, chiếm 67% tổng diện tích. Đến chiều ngày 14/9, xã Gia Hưng đã gặt 100 ha lúa mùa đã chín, năng suất ước đạt 49 tạ/ha.
Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Nho Quan và Gia Viễn cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên cập nhập thông tin, chủ động ứng phó với diễn biến của bão. Đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp, phương án PCTT & TKCN đã phê duyệt, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, đề cao tinh thần trách nhiệm, tránh tình trạng chủ quan, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, tính đến 6 giờ 30 phút ngày 14/9, các lực lượng chức năng đã thông tin, thông báo cho 148 tàu thuyền/457 ngư dân trên địa bàn biết về diễn biến của bão số 10, chủ động phòng tránh; trong số đó có 9 phương tiện đánh bắt xa bờ đã về nơi neo đậu an toàn.
Đồn Biên phòng Kim Sơn phối hợp với UBND, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã: Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung thông báo cho 196 lều, chòi/254 lao động đang nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê Bình Minh 3 và khu vực Cồn Nổi - Kim Sơn nắm về hướng di chuyển của bão để chủ động phòng chống, sẵn sàng di chuyển vào nơi tránh trú bão an toàn. Đến 17 giờ ngày 14/9, công tác kêu gọi tàu thuyền và đưa lao động nuôi trồng thủy sản vào bờ đã được hoàn thành, đồng thời thực hiện lệnh cấm biển.
Về công tác sẵn sàng biện pháp chống úng, tiêu kiệt nước đệm, tính đến 17 giờ ngày 13/9, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi đã chỉ đạo vận hành 6 máy/3 trạm và mở tiêu 18 cống, giữ mực nước trong hệ thống ở mức khống chế. Các hồ Yên Đồng đã mở 2 cửa xả tràn, Yên Thắng mở 3 cửa xả tràn. Công ty tiếp tục thực hiện tiêu kiệt nước đệm trong hệ thống để phòng mưa úng xảy ra.
Thái học - Minh đường