* Theo đó, khoảng 11 giờ ngày 31/7/2019, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện Kim Sơn đã ban hành Công điện số 03 về việc ứng phó với cơn bão số 3. Đến chiều ngày 1/8/2019, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Kim Sơn đã triệu tập các thành viên, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và đơn vị có liên quan.
Trong đó yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, các tiểu khu, các xã, thị trấn, Đồn Biên phòng Kim Sơn theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin để chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Đồn Biên phòng Kim Sơn thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh; tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển và ven biển để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đồng chí Thiếu tá Trịnh Văn Thành, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Kim Sơn cho biết: Tính đến 15 giờ ngày 1/8, Đồn đã tổ chức thông tin, thông báo cho 127 phương tiện/346 thuyền viên trên địa bàn đơn vị quản lý biết về diễn biến của cơn bão số 3 để chủ động phòng tránh, trong đó có 9 phương tiện/74 thuyền viên đang đánh bắt xa bờ; 23 phương tiện/55 thuyền viên đang hoạt động khu vực vùng bãi và 95 phương tiện/217 ngư dân đang neo đậu tại bến.
Đồn cũng đã cắt cử cán bộ để thông báo cho tổng số 314 chủ/193 lều chòi/224 lao động đang hoạt động ở ngoài đê Bình Minh 3 và khu vực Cồn Nổi nắm về hướng di chuyển của cơn bão số 3, để chủ động phòng, chống, sẵn sàng di chuyển, sơ tán khi có tình huống phức tạp.
Các công tác triển khai tiếp theo, Đồn sẽ kiểm soát chặt chẽ tại 2 trạm, ngăn chặn không cho tàu thuyền ra khơi; kêu gọi, đôn đốc người, phương tiện và số lao động trên các lều, chòi từ đê Bình Minh 3 đến Cồn Nổi về nơi tránh, trú trước 12 giờ ngày 2/8/2019; đồng thời cử lực lượng phối hợp với địa phương triển khai công tác phòng chống khi có lệnh; triển khai bắn pháo hiệu cảnh báo bão theo quy định.
Cùng với đó, huyện Kim Sơn cũng yêu cầu Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tiểu khu, các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra các công trình trọng điểm xung yếu trên hệ thống đê sông, đê biển, các công trình đang thi công để có phương án xử lý, đảm bảo an toàn.
Đồng thời huy động sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra; rà soát, sẵn sàng phương án di dân vùng trũng thấp ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm khi có lệnh. Để bảo vệ hơn 8.200ha lúa mùa mới cấy, ứng phó với tình hình bão đổ bộ có thể gây ra mưa lớn kéo dài, huyện Kim Sơn yêu cầu Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện chủ động công tác tiêu nước đệm trong hệ thống, đề phòng mưa lớn và triển khai các biện pháp chống ngập úng. Tổ chức kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình của các cống dưới đê do đơn vị quản lý.
Các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp, thủy sản hướng dẫn nhân dân có biện pháp bảo vệ diện tích lúa, ao đầm vùng nuôi trồng thủy sản để ứng phó với bão. Cùng với đó tổ chức khơi thông, giải phóng dòng chảy phục vụ công tác bơm tát chống úng khi có tình huống xảy ra.
Đồng chí Trần Anh Khôi, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Sau bão, nếu xảy ra mưa với lưu lượng từ 100-150mm, trong điều kiện thủy triều bình thường sẽ kết hợp tiêu ngay nước trong hệ thống, đảm bảo mức an toàn cho lúa mùa. Còn nếu lượng mưa trên 200mm có nguy cơ xảy ra ngập úng, các HTX nông nghiệp cần tổ chức vận hành các trạm bơm, huy động các máy bơm dầu, bơm điện tổ chức bơm tát tiêu úng kịp thời.
Có thể thấy, huyện Kim Sơn đã sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra, chủ động ứng phó kịp thời với diễn biến của cơn bão số 3 đang tiến vào đất liền. Mục tiêu lớn nhất là đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
* Đồng chí Phạm Trọng Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Thực hiện Công điện số 03/CĐ-BCH ngày 31/7/2019 của Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Ninh Bình, huyện Yên Mô đã ra công điện về ứng phó với cơn bão số 3.
Theo đó, Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện; trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện; Ban chỉ huy PCTT & TKCN các xã, thị trấn; giám đốc các HTX nông nghiệp tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão; chủ động triển khai các phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ".
Thông tin kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, nhất là các khu vực trũng, thấp, diện tích lúa - cá; đồng thời dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men để chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn. Tăng cường kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án để đảm bảo an toàn cho người dân ở khu vực hay bị ngập lụt và cho hệ thống đê điều, nhất là các công trình đang thi công. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Huyện Yên Mô cũng đề nghị, Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện chủ động tiêu úng kịp thời các diện tích lúa mùa, cây màu theo đề nghị của các HTX nông nghiệp theo phương án chống úng.
Điện lực Yên Mô kiểm tra, đảm bảo an toàn cho hệ thống đường dây truyền tải điện; đảm bảo cung cấp điện cho các trạm bơm phục vụ tiêu úng và an toàn điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Đài Truyền thanh huyện, Đài truyền thanh các xã, thị trấn tăng cường đưa tin về diễn biến mưa bão và các văn bản chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện để nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Chỉ đạo các thành viên Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện, trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể theo nhiệm vụ được phân công tổ chức, kiểm tra địa bàn phụ trách, nắm bắt tình hình để kịp thời chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó với bão, lũ; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện.
* Công tác phòng, chống bão số 3 đang được huyện Nho Quan quan tâm, đẩy mạnh. Đồng chí Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngay sau khi có Công điện của Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh về ứng phó với cơn bão số 3, huyện Nho Quan đã chỉ đạo các ngành, địa phương kiểm tra an toàn hồ chứa nước, các vùng trọng yếu và thông báo đến các hộ dân để chủ động phòng chống khi bão về.
Qua kiểm tra cho thấy,, tất cả mực nước ở các hồ trên địa bàn huyện Nho Quan đều dưới mực nước chết, khu vực nước sản xuất và nước nuôi trồng thủy sản chỉ đủ nước chứ chưa có nước nổi. Hiện tại, mực nước mưa trong 2 ngày qua tại huyện Nho Quan vẫn dưới 100 mm, nên vùng núi có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét chưa có vấn đề bất thường.
Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện Nho Quan cũng đã ra Công điện về ứng phó với cơn bão số 3, yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến của bão kèm theo mưa giông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cảnh báo đến người dân để kịp thời phòng, chống, đặc biệt người dân ở khu vực trọng yếu, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Chỉ đạo chặt tỉa cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, cơ quan... bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Các ngành chức năng phối hợp với các địa phương chủ động theo dõi lượng mưa và tích nước hợp lý tại các hồ, sông, ngòi..., bơm tiêu nước đệm nếu cần thiết, đảm bảo đủ nước để sản xuất vụ mùa và nuôi trồng thủy sản. Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện kiểm tra an toàn hồ chứa, triển khai phương án chống úng, đảm bảo an toàn cho lúa mùa, hoa màu; có phương án đảm bảo an toàn cho diện tích ao, hồ mới nuôi trồng thủy sản.
Ban quản lý các dự án kiểm tra các công trình dự án đang thi công, có phương án hoàn thiện đối với các công trình phục vụ trong mùa mưa bão, phòng, chống thiên tai. Các xã có phương án di dân ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông có nguy cơ nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn.
* Ngay sau khi có Công điện số 03/CĐ-BCH ngày 31/7/2019 của Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Ninh Bình về ứng phó với cơn bão số 3, Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện Gia Viễn cũng có Công điện số 02/CĐ-BCH yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện và các xã, thị trấn; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện ngay các nội dung: Tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 01/BCH ngày 31/7/2019 của Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện về việc ứng phó với bão số 3.
Kiểm tra, trực vận hành trạm bơm xã Gia Phương, Ảnh: MĐ
Thành viên Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện theo nhiệm vụ được phân công tổ chức kiểm tra địa bàn phụ trách, nắm bắt tình hình để kịp thời chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó với bão, lũ; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.
Đặc biệt, Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện triển khai phương án chống úng, đảm bảo an toàn cho lúa mùa, hoa màu; có phương án đảm bảo an toàn cho diện tích ao, hồ nuôi trồng thủy sản. Được biết, Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện Gia Viễn đang quản lý và vận hành 20 trạm bơm với gần 100 tổ máy tưới, tiêu nước, với công suất trên 300 nghìn m3/h, trong đó 55 cống tiêu và 1 âu thuyền dưới đê Hoàng Long.
Đồng chí Đinh Mạnh Tình, Phó Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện cho biết: Hiện tại toàn huyện đang có 9 trạm bơm vận hành bơm nước đệm ra sông. Mực nước tại bể hút Trạm bơm Gia Viễn đang ở mức 0,7m vì thế chỉ vận hành 4 tổ máy trong tổng 12 tổ máy (mỗi tổ máy có công suất 8.000m3/h). Các trạm bơm đều tổ chức trực 100% quân số theo yêu cầu.
Công điện yêu cầu Điện lực Gia Viễn kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống đường dây truyền tải điện; đảm bảo cung cấp điện bơm tiêu úng và an toàn điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt; Đài Truyền thanh huyện thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, mưa, lũ, tăng cường thời lượng phát sóng đến người dân để biết và chủ động ứng phó. Tiếp tục theo dõi diễn biến cơn bão số 3, tổ chức trực ban nghiêm túc 24h/24h, thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, mưa, lũ và báo cáo về Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện để kịp thời xử lý.
Nhóm PV phòng kinh tế