Trước đó, trong phiên trả lời chất vấn chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nhận được khá nhiều câu hỏi từ các đại biểu Quốc hội về vấn đề liên quan tới ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam còn yếu kém, khiến Doanh nghiệp FDI phải nhập từ "con ốc cái vít". Nói về ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng hiện ngành này đang "sức thì yếu mà kinh nghiệm chưa nhiều". Bộ trưởng Hoàng đề ra một số giải pháp để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới như: thông qua luật sửa đổi về thuế liên quan đến công nghiệp phụ trợ, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế cá nhân cho các chuyên gia nước ngoài tới giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, do còn một số câu hỏi của đại biểu đặt ra trong ngày hôm qua đối với bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chưa trả lời xong nên đầu giờ sáng ngày 18/11, Quốc hội vẫn dành thời gian cho bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời tiếp.
Sau phần trả lời của Bộ Trưởng Bộ Công thương, ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã đăng đàn trả lời các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đặt ra như: vấn đề cải cách hành chính; việc có quá nhiều cấp phó ở cơ quan trung ương; giải pháp thực hiện đề án tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao năng suất lao động, cải cách chế độ tiền lương; trách nhiệm của Bộ Nội vụ về đề chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xử lý các biểu hiện tiêu cực trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; vấn đề lương hưu, nhất là đối với những người về hưu trước năm 1995.
Mở đầu phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng vấn đề liên quan đến công chức, biên chế, cải cách hành chính được cử tri cả nước quan tâm. Vấn đề tinh giản biên chế hiện có phải là ách tắc không? Biên chế không giảm - lương không tăng, lương không tăng - nhũng nhiễu tiêu cực nhiều... đó là vòng luẩn quẩn. Trong giai đoạn tới, đề nghị Bộ trưởng tập trung vào nhóm các vấn đề chính: cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tập trung trách nhiệm cho người đứng đầu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề tiêu cực trong thi tuyển công chức tại Bộ Công thương, Bộ Nội vụ đã thanh tra toàn bộ, kết quả thanh tra sao? Xử lý được bao nhiêu cán bộ? Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng việc đổi mới công chức, thi nâng ngạch thi tuyển có 3 môn thi: kiến thức chung, kiến thức chuyên ngành và tin học ngoại ngữ. Quá trình tổ chức thi Bộ Nội vụ cũng chủ trì biên soạn hướng dẫn về quy định tiêu chuẩn, thủ tục, đảm bảo tính khách quan công khai minh bạch, dân chủ công bằng.
Bộ Nội vụ cũng phối hợp với các địa phương triển khai thi trên máy tính nên hạn chế tiêu cực. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thì trong quá trình tổ chức thi có một số địa phương để xảy ra tiêu cực, Bộ Nội vụ phát hiện tiêu cực đã cử cán bộ xuống địa phương yêu cầu khắc phục sửa đổi và đã có xử lý kỷ luật. Riêng với vụ việc tiêu cực xảy ra tại Bộ Công thương thì Bộ Nội vụ đang chờ thời gian kết thúc thanh tra với Bộ Công thương mà với các đơn vị trực thuộc cũng đang hoàn thành hồ sơ với đơn vị được thanh tra.
Cũng trong sáng ngày 18/11, Quốc hội yêu cầu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình thêm về những vấn đề liên quan.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã đăng đàn trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội về tình trạng chung của hạ tầng giao thông; giải pháp đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giải pháp sớm hoàn thành quốc lộ 1A; quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải; giải pháp hạn chế tai nạn giao thông trong tình hình hiện nay, đặc biệt là tai nạn giao thông đường bộ; trách nhiệm của Bộ và chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông…
Cùng tham gia trả lời chất vấn về một số vấn đề liên quan với Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng còn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công an.
Mai Lan