Ông Trịnh Xuân Danh, Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, BCĐ phòng chống tác hại của thuốc lá tỉnh, LĐLĐ tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Theo đó, với mục tiêu "Vì sức khỏe cộng đồng - Không hút thuốc lá tại nơi làm việc", các cấp công đoàn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người lao động xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. LĐLĐ các huyện, thành phố đã hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đến CNVCLĐ với nhiều hình thức, đa dạng, phong phú... Mỗi năm, có hàng nghìn CNVCLĐ được tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, ý nghĩa và lợi ích của xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Đồng thời, LĐLĐ các cấp cũng chọn một số công đoàn cơ sở, nhất là những nơi có tỷ lệ nam giới cao, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ xảy ra cháy nổ như các công ty may mặc, giầy da, sản xuất phân bón, xi măng… để thực hiện thí điểm mô hình cam kết xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá.
Năm 2018, LĐLĐ tỉnh tiếp tục có văn bản chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục tuyên truyền đến CNVCLĐ tác hại của thuốc lá đến sức khỏe con người; gắn thêm các biển "không hút thuốc lá" tại nơi làm việc, khu sinh hoạt cộng đồng, sân TDTT…; tổ chức cho CNVC-LĐ ký cam kết không hút thuốc lá tại nơi làm việc, đưa nội dung này vào tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm với mức độ khen thưởng phù hợp... Qua khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng dễ cháy như may mặc, giầy da, thêu ren, cói mỹ nghệ… đã cấm hoàn toàn tình trạng hút thuốc lá tại khu sản xuất và nơi làm việc.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu của tổ chức Công đoàn cũng như của toàn xã hội. Thực tế hiện nay tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn còn ở mức cao, tình trạng hút thuốc nơi công sở, các doanh nghiệp, đơn vị, trường học… vẫn còn diễn ra; chế tài xử phạt chưa nghiêm, mới chỉ dừng ở mức nhắc nhở; các hoạt động quảng cáo, truyền thông, khuyến mại và tài trợ thuốc lá vẫn còn… Vì vậy, để nâng cao hiệu quả thực thi Luật PCTHCTL, theo ông Trịnh Xuân Danh, Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục đưa tiêu chuẩn "Không hút thuốc lá nơi làm việc" vào nội quy, quy chế thi đua khen thưởng và coi đây là tiêu chí thi đua trong xây dựng đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Tại các đơn vị thực hiện thí điểm, mỗi cán bộ, CNVCLĐ đang sử dụng thuốc lá phải cam kết giảm hút và dần từ bỏ sau một thời gian nhất định. Đồng thời kiến nghị có chế tài xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm hút thuốc lá không đúng nơi quy định theo Luật PCTHCTL. Đặc biệt, cần xác định công tác tuyên truyền là khâu quan trọng để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hiểu rõ việc giảm dần, tiến tới cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá tại nơi làm việc, đảm bảo môi trường làm việc an toàn và chất lượng cho người lao động và doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh