Xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước và là sự nghiệp của toàn dân. Trong nhiều năm qua, cùng với cả nước, Ninh Bình đã tích cực thực hiện các chính sách, biện pháp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.
Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh còn 8.310 hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015), chiếm 3,35% tổng số hộ dân, giảm 22.377 hộ so với đầu giai đoạn. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, đầu năm 2016, toàn tỉnh có 21.289 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,46% tổng số hộ dân; đến đầu năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,77%.
Nhìn vào những số liệu trên cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ta thời gian qua giảm nhanh qua các năm. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực, cố gắng và thành tựu đã đạt được, theo đánh giá của các ngành chức năng thì kết quả giảm nghèo những năm qua chưa thực sự bền vững; công tác giảm nghèo vẫn còn có những mặt tồn tại, hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo ở một số ngành, địa phương chưa thật sự quyết liệt; việc bình xét, đánh giá hộ nghèo có nơi chưa khách quan, chính xác, việc hỗ trợ hộ nghèo còn mang tính bình quân; kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, nhiều hộ mới thoát nghèo đời sống còn khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao. Một bộ phận người nghèo thiếu ý chí phấn đấu vươn lên, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo, ngày 24/10/2016, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020, mục tiêu đề ra là tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo mỗi năm giảm từ 1,5% đến 2%. Để đạt được mục tiêu trên và để công tác giảm nghèo của tỉnh trong những năm tới đạt kết quả toàn diện, vững chắc, cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Nhiệm vụ đặt ra cho các cấp, các ngành là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tạo sự chuyển biến về nhận thức đối với các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế, nhất là các hộ nghèo. Một trong những giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững, đó là giúp người nghèo "cần câu" để họ tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Theo đó, cần khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; làm cho người nghèo hiểu rõ việc thoát nghèo phải do các hộ nghèo tự vận động là chính, sự quan tâm giúp đỡ của nhà nước và cộng đồng là quan trọng, có tác dụng như "đòn bẩy" để hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ nghèo tự vươn lên.
Đồng thời, có nhiều hình thức thiết thực, cụ thể hướng dẫn người nghèo cách làm kinh tế gia đình, bố trí sản xuất hợp lý và áp dụng những tiến bộ KHKT để tăng hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, mở rộng hỗ trợ đào tạo và giáo dục định hướng nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, huy động có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo...
Công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, thực hiện tốt công tác giảm nghèo là điều kiện bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững của tỉnh. Với ý nghĩa đó, các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và Hội quần chúng các cấp tăng cường phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020, nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Minh Châu