Dễ như... nghề thợ xây Ông Thành (Gia Viễn) đã có ngót 20 năm làm nghề thợ xây, trong đó, phần lớn thời gian ông làm nghề ở miền Nam. Năm nay, phần vì đã có tuổi, phần vì ở quê bây giờ hoạt động xây dựng diễn ra quanh năm, nên ông dễ dàng tìm được việc ở quê nhà với mức thu nhập khá. Ăn tết xong, ông nhập vào một trong 4 đội thợ xây của xóm.
Ông Thành cho biết, trước đây, thợ xây ở quê chỉ đảm đương những công việc xây trát đơn giản như dựng ngôi nhà cấp bốn ba gian hoặc năm gian, dựng khu nhà kho HTX, làm căn bếp, cái chuồng lợn, cổng ngõ, bờ tường... Vì thế mà dụng cụ làm nghề cũng khá đơn giản. Chỉ cần cái dao bay, cái thước là người thợ đã có thể làm nghề. Ngày ấy, khi có công trình, các thành viên trong gia đình cũng phải thức khuya dậy sớm, rửa gạch, chở vôi cát, đánh vữa để sáng ra kịp có việc cho thợ đến xây. Chi li nhặt nhạnh từng chút vữa rơi vãi, gom vào đánh lại. Rồi còn lo đóng bè tre, lát gỗ, chuốt dây mây dây chão buộc giàn giáo chắc chắn để thợ có chỗ đứng xây lên cao. Chủ nhà cũng tíu tít, bận rộn, so đo như thợ.
Các công trình xây dựng và nghề thợ nề ở quê bây giờ khác xưa rất nhiều, với những con đường bê tông, trường học, trụ sở, những ngôi nhà cao tầng đủ mọi kiểu cách... Vật liệu xây dựng toàn loại cao cấp. Chỉ cần khách có nhu cầu, ô tô vận chuyển vật liệu đổ tận chân công trình, giàn giáo, cốp pha, sắt thép "bám sát" các khu dân cư. Xe ủi, máy xúc, máy cẩu vào đến tận chân móng, san gạt mặt bằng. Nhà nào, công trình nào cũng xây bằng vữa xi măng cát, đổ bê tông cốt thép. Chủ, thợ khỏi lo thiếu vữa, dè xẻn như ngày trước. Các đội thợ xây dựng giờ trang bị thêm nhiều loại công cụ và máy móc: tời, máy trộn, máy đầm, máy cưa, máy khoan cắt...
Thợ xây giờ được coi là nghề sống "khỏe". ở quê, từ chỗ làm công nhật, "tiền trao cháo múc", giờ thì hầu hết các đội thợ đều nhận khoán gọn cả công trình. Công thợ xây dao động từ 200.000 đến 220.000đồng/công, công phụ vữa từ 120-150.000đồng/công. Công khoán trọn gói, bóc tách phần sơn quét trang trí, điện nước, giá từ 600.000đ đến 700.000 /m2… Được một ngôi nhà hai tầng hoặc biệt thự, riêng tiền công thợ xây mất tới 200-300 triệu đồng chứ không ít. Bởi thế mà mỗi năm lại thêm nhiều đội, nhiều công ty xây dựng ra đời. Đa số người lao động đợi lúc nông nhàn là đi làm, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ai có sức thì theo thợ cả đi làm liên tục, không thì làm thợ gọi, nghĩa là nếu có việc, thợ cả sẽ gọi.
"Sống khỏe" bằng nghề, bởi vậy nên lượng lao động tham gia nghề thợ xây ngày càng nhiều. Hầu hết mỗi địa phương đều có một đội thợ xây, đi làm công trình ở khắp nơi. Tuy nhiên, rất hiếm các ông thợ, các đội thợ qua đào tạo lý thuyết và thực hành trong các trường lớp đào tạo ngành nghề xây dựng chính quy. Những người này chỉ học qua thực tế công việc. Ngoài những gia đình cha truyền con nối, chỉ cần cầm con dao, chiếc bay xây đặt gạch, trát tường, qua ngày qua tháng quen tay, người dân đã gọi họ là thợ nề. Trong số đó có nhiều thanh niên thi trượt THPT, thi trượt đại học, cao đẳng, nhiều người từ bộ đội xuất ngũ về không tìm được việc làm trong các cơ quan xí nghiệp. Lại có người đang làm rặt công việc nhà nông, được bạn bè rủ đi phụ vữa làm thêm... cũng thành thợ xây.
Vắt vẻo theo số phận
Chúng tôi gặp một tốp thợ đang gắng sức để hoàn thiện công trình một ngôi nhà hai tầng. Anh Tiếp, thợ cả của nhóm thợ cho biết, đội thợ của anh có hàng chục người, nhưng hơn nửa đã chuyển sang để làm công trình khác vì công trình đang thi công cũng chỉ còn vài hạng mục nhỏ nữa là hoàn thành. Công việc của đội thợ khá ổn định vì chưa xong công trình này, đội thợ đã nhận được công trình khác nên ai cũng thấy vui dù rằng cái nghề thợ xây rất vất vả. "Nhưng vất vả cũng phải theo thôi, chứ ở quê bây giờ biết làm gì. Con cái đang tuổi ăn học, bao nhiêu khoản phải lo toan, nếu không có nghề thợ xây này thì có lẽ các con tôi chẳng được học hành đến nơi đến chốn"- anh Tiếp thở dài. Rồi anh giới thiệu cho chúng tôi một nhân vật khá đặc biệt, đó là một người thợ phụ vữa. Điều đặc biệt là làm công việc nhọc nhằn ấy lại là một phụ nữ mảnh mai. Chị tên Hiền, quê ở Gia Phong (Gia Viễn). Chị Hiền năm nay mới 35 tuổi, nhưng nhìn người phụ nữ tảo tần ấy già dặn hơn tuổi khá nhiều. Chị Hiền bảo: Đàn ông thích hợp với công việc này hơn vì có sức khỏe. Nhưng vì "miếng cơm manh áo" nên ngày nay nhiều phụ nữ cũng tham gia làm công việc này. Thôi thì làm đủ: nhào vữa,xách vữa, khuân gạch, gánh đất, vác xi măng… rồi đến bữa thì nấu cơm, rửa bát.
Không chỉ vất vả nặng nhọc mà người làm thợ xây phải đối mặt với những rủi ro có thể xảy ra trong nghề. Hẳn nhiều người phải "lạnh sống lưng" khi nhìn đội thợ xây đứng chênh vênh trên tấm ván bắt dọc theo giàn giáo, trên người không có một phương tiện bảo hộ lao động nào. Sống và làm việc trong môi trường lao động nặng nhọc, dầu dãi nắng sương, thợ xây không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. ốm đau chỉ vài viên thuốc cảm, lọ dầu gió qua loa. Ông Minh (trạc tuổi 40 ở xã Gia Thịnh) nói: "Làm nghề này, giẫm đinh, té ngã là chuyện thường. Có lần xây một căn nhà mà tôi bị tai nạn đến hai lần, một lần giẫm phải đinh nhọn chảy cả máu chân, một lần bị mảnh gạch rơi xuống đầu phải khâu ba mũi". Còn ông Oánh, từng làm thợ cả cho một cánh thợ trong xã Gia Thịnh nay đã "giải nghệ" bàng hoàng kể lại: "Cách đây ba năm, khi đang trát nhà cho em trai, khung giàn giáo bị sập, tôi bị rơi xuống đất, giập xương chân, từ đó tôi "giải nghệ" luôn". Đối với những lao động đi làm xa, họ sống trong hoàn cảnh tạm bợ, ăn uống kham khổ, ngày đi làm, tối về nghỉ ngơi lấy lại sức, hầu như không tham gia một sinh hoạt văn hóa nào. Có chăng cũng chỉ xem nhờ ti vi của nhà chủ. Thi thoảng họ mới về thăm quê, gia đình, vợ con. Và không hiếm người vướng vào các tệ nạn xã hội…
Nghề thợ xây đã và đang góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Và họ đang là những người ít nhiều góp phần tạo nên diện mạo mới và vẻ đẹp hôm nay của các làng quê. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần giúp đỡ họ, đầu tư, tổ chức họ được đào tạo bài bản để có những đội thợ, những công ty xây dựng lành nghề. Và quan trọng hơn là phải tạo cho họ môi trường lao động an toàn, ổn định, lâu dài.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng