Nghề chọn… người làng
Nghề mộc đến với làng Quỳnh Phong tựa như duyên nợ. Ông Vũ Văn Chung, thợ mộc "lão làng" ở Quỳnh Phong kể lại, ông nội ông là thợ mộc giỏi có tiếng ở xã Ninh Phong, huyện Hoa Lư (nay là thành phố Ninh Bình). Cụ và vài người thợ đồng hương đã tìm đến làng Quỳnh Phong để khai hoang, lập nghiệp. Nghề thợ mộc cũng "theo" họ về với làng Quỳnh Phong từ đó.
Xưa, người thợ làm mộc hoàn toàn bằng thủ công, sản phẩm chủ yếu là mộc tiêu dùng. Trong làng, nhà ai có nhu cầu dựng nhà, các ông thợ mộc sẵn sàng đến giúp dựng kèo, lắp cửa, trổ cột… mà không đặt nặng vấn đề tiền công. Chủ nhà có hoàn cảnh khó khăn, đôi khi trả công thợ chỉ bằng bữa cơm đạm bạc với vài chén rượu nhạt. ấy thế mà các ông thợ ai cũng vui vẻ, tình nghĩa xóm làng vì thế mà thêm bền chặt. Dần dần, nhu cầu mới hướng tới những sản phẩm tinh xảo hơn như tủ, bàn ghế, trường kỷ… rồi là hoành phi câu đối.
Tiếng lành đồn xa, tinh hoa của nghề mộc cũng được các thế hệ nghệ nhân đưa đi khắp nơi theo kiểu "phường thợ". Ông Chung tự hào: Mặc dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, song bằng sự phong phú về sản phẩm, sự tinh xảo, điêu luyện của kỹ thuật mà nghề mộc Quỳnh Phong vẫn tồn tại bền bỉ và có sức sống mạnh mẽ. Đến đầu những năm 2000, Quỳnh Phong đã là làng nghề có tiếng, năm 2007 được công nhận là làng nghề cấp tỉnh.
Đến Quỳnh Phong hôm nay, từ xa xa đã nghe thấy tiếng máy cưa, tiếng đục đẽo, tiếng gọi nhau í ới… khung cảnh làm ăn đầy tất bật. Đây cũng là dấu hiệu của một làng nghề đang "ăn nên làm ra". Người Quỳnh Phong đã chuyển nghề mộc từ làm "phụ" trở thành làm "chính" tự bao giờ. "Buôn có bạn, bán có phường", người Quỳnh Phong hiểu rằng, để có truyền thống cả mấy trăm năm thì "cái tiếng", tức là thương hiệu rất quan trọng. Thương hiệu với một làng nghề thì phải do cả làng, chứ một vài cá nhân không làm nên được. Vì vậy, những người dân Quỳnh Phong không chỉ hỗ trợ nhau trong sản xuất mà họ còn cam kết với nhau không làm hàng xấu, hàng giả, không bán phá giá. Mỗi người, mỗi cơ sở đều ý thức tạo cho đồ gỗ Quỳnh Phong đẳng cấp riêng, chỗ đứng riêng trên thị trường đồ gỗ "trăm hoa đua nở". Hiện đang là thời điểm giá nguyên liệu cao, trong khi không thể tăng giá bán sản phẩm quá nhiều, nhưng người làng nghề Quỳnh Phong cũng không làm giả, làm ẩu, bớt xén nguyên vật liệu, mà họ chỉ sản xuất cầm chừng chờ diễn biến tiếp theo của thị trường. Chính vì làm ăn có uy tín nên các xưởng mộc được mở rộng và phát triển thêm nhiều xưởng mới. Đến nay, Quỳnh Phong có 100 hộ thì có tới hơn 90 hộ làm đồ mộc lớn nhỏ. Không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương, nghề mộc còn tạo việc làm cho lao động các xã vùng lân cận với mức thu nhập hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Với sự phát triển ổn định, hàng năm làng mộc Quỳnh phong đã đóng góp trên 40% tổng thu nhập của toàn xã.
Nỗi niềm làng… bốn ngón
Những năm gần đây, để nâng cao năng suất lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao, những hộ làm mộc ở Quỳnh Phong đã đầu tư mua sắm nhiều loại máy móc hiện đại. Tuy nhiên, các vụ tai nạn lao động cũng vì thế mà tăng lên. Biệt danh làng… bốn ngón có lẽ cũng khởi nguồn từ đó.
Anh Đàm Văn Thảo, một thợ mộc ở Quỳnh Phong đã có thâm niên 30 năm trong nghề. Cách đây 2 năm, trong lúc xẻ gỗ, anh Thảo bị máy cưa cắt mất một đốt ngón tay. Anh Thảo kể lại giây phút kinh hoàng đó: Thời điểm đó đang là mùa hè, nhu cầu sử dụng điện rất lớn. Trong khi đó, những cơ sở làm mộc vẫn phải dùng chung với nguồn điện sinh hoạt nên nguồn điện sản xuất không ổn định, lúc khỏe, lúc yếu. Trong lúc xẻ gỗ, máy đang chạy ỳ ỳ bỗng "lồng" lên vì nguồn điện bất ngờ mạnh lên. Không làm chủ được đường cưa, tay tôi đã bị máy cưa cắt mất một đốt. Đây cũng là nguyên nhân của phần lớn các vụ tai nạn lao động khác ở làng mộc Quỳnh Phong. So với nhiều trường hợp tai nạn khác thì trường hợp của tôi vẫn còn là may mắn. ở làng tôi, không nặng thì nhẹ, phải có tới gần 80% thợ mộc từng bị máy bào lột da, vẹt ngón tay, nhất là các thợ trẻ chưa có kinh nghiệm. Có người bị máy cưa "ăn" mất 4 ngón tay.
Vốn là thợ lành nghề nhưng sau khi bị tai nạn, những người thợ này chỉ làm những việc phụ như đánh giấy ráp, dầu mỡ… Tâm nguyện của anh Thảo, cũng như của hầu hết những cơ sở làm mộc khác trong làng, đó là có được một nguồn điện dành riêng cho sản xuất. Có như vậy, tình trạng tai nạn lao động mới được hạn chế.
Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận một thực trạng đang diễn ra không chỉ ở riêng làng mộc Quỳnh Phong, đó là nhận thức về vai trò của công tác Bảo hộ lao động của người thợ còn hạn chế. Việc đào tạo nghề mộc còn tồn tại nhiều bất cập. Tại làng nghề, việc truyền, dạy nghề vẫn theo lối bắt tay chỉ việc, "trăm hay không bằng tay quen". Hầu hết làng nghề đều không có thợ được đào tạo từ các trường nghề. Trong khi đó, đa phần các loại máy được sử dụng có nguồn gốc từ nước ngoài, sách hướng dẫn sử dụng viết bằng ngoại ngữ nên người thợ chỉ biết học nhau hay tự mày mò, "sáng tạo" để làm việc. Chính vì thế, họ thiếu những kỹ năng cơ bản trong vận hành máy móc, xây dựng, bài trí lán xưởng không đúng tiêu chuẩn (diện tích, ánh sáng, vị trí đặt máy…) nên khó tránh được những tai nạn rủi ro đáng tiếc.
Bên cạnh những rủi ro làm việc với máy móc, người thợ và cả người dân ở làng nghề còn phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh do ô nhiễm bụi gỗ, hóa chất phun sơn, tiếng ồn từ máy cưa, xẻ, bào... Mặc dù thường xuyên phải tiếp xúc với những chất độc hại như bụi mùn cưa, sơn... nhưng người thợ vẫn chủ quan, không có các dụng cụ bảo hộ chuyên dụng.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà cho biết: Để làng mộc Quỳnh Phong phát triển bền vững, đáp ứng được các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, chúng tôi rất mong được huyện quy hoạch, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng một khu đất riêng để làm nơi sản xuất tập trung cho các cơ sở làm mộc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn được các cơ sở đào tạo nghề quan tâm, mở các lớp đào tạo về nghề mộc tại địa phương. Qua đó, không chỉ giúp người lao động nâng cao tay nghề mà còn trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về công tác Bảo hộ lao động, cách để bảo vệ sức khỏe cho chính mình...
Thu Hằng