Nhớ lại những năm đầu mới tái lập, công tác đối ngoại của tỉnh ta chỉ giới hạn ở mức độ nhất định, chủ yếu là xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang các nước SNG và các nước có quan hệ trước đây ở Đông Âu với quy mô nhỏ (năm 1992, kim ngạch xuất khẩu đạt 0,9 triệu USD). Ngày nay, Ninh Bình với tầm cao và vị thế mới, với tiềm năng và thế mạnh nổi bật là Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới thì công tác đối ngoại cũng có những bước phát triển mới cả về quan hệ giao lưu, hợp tác, kết nghĩa cùng với các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và hoạt động đối ngoại nhân dân. Trước hết là hoạt động quan hệ hợp tác với các địa phương của nước ngoài vì mục tiêu hòa bình, hữu nghị và cùng nhau phát triển ngày càng được củng cố và tăng cường. Đặc biệt là các địa phương đã có quan hệ kết nghĩa như tỉnh U-đôm-xay (Lào), thành phố Jecheon và thành phố Asan (Hàn Quốc). Trong những năm qua, nhiều đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã sang thăm chính thức tỉnh U-đôm-xay, thành phố Asan, thành phố Jecheon nhằm thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa hai bên. Ngược lại, lãnh đạo các tỉnh, thành phố của bạn nói trên cũng đã nhiều lần sang thăm, làm việc tại tỉnh Ninh Bình để thắt chặt thêm mối quan hệ gắn bó. Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định thư hợp tác với tỉnh Lot (Cộng hòa Pháp), xúc tiến thiết lập quan hệ kết nghĩa với thành phố Okayama (Nhật Bản) và duy trì quan hệ tốt đẹp với tỉnh Hủa-phăn, thành phố Viêng-chăn (Lào). Bên cạnh đó, mỗi năm, tỉnh Ninh Bình còn đón tiếp hàng trăm đoàn khách nước ngoài vào thăm, làm việc, tham dự hội nghị, hội thảo, nghiên cứu động, thực vật, địa chất, hoạt động báo chí, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại địa phương. Việc đón tiếp, làm việc, phối hợp hướng dẫn, quản lý các đoàn khách nước ngoài trong thời gian ở địa phương đảm bảo an toàn, chu đáo, tuân thủ đúng các quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo trang trọng, đúng nghi thức đã để lại những ấn tượng tốt đẹp về vùng đất và con người Ninh Bình, quảng bá sâu rộng về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ du lịch của tỉnh. Hoạt động đối ngoại về kinh tế của tỉnh Ninh Bình trong những năm qua được đẩy mạnh và diễn ra sôi nổi, nhất là việc thu hút, kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, xuất khẩu lao động… Lãnh đạo tỉnh đã có nhiều buổi tiếp xúc, làm việc với các đối tác nước ngoài nhằm giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư cũng như các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của Ninh Bình những năm gần đây tăng đáng kể. Năm 2015, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 29,7 triệu USD. Năm 2016, đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt 95.860.000 USD. Tính đến hết năm 2016, tỉnh Ninh Bình có 49 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 1.274 triệu USD.
Hiện nay, tỉnh đang triển khai 11 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài (trong đó có 8 dự án tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản, 3 dự án thành phần do các Bộ là cơ quan chủ quản). Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi khoảng 110 triệu USD. Công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài chủ yếu tập trung vào lĩnh vực y tế, giáo dục, hỗ trợ người khuyết tật, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, bảo tồn động vật hoang dã và xây dựng phát triển kinh tế - xã hội huyện miền núi. Năm 2015 đã tiếp nhận 6 dự án với tổng vốn viện trợ là 523.621 USD. Năm 2016 đã tiếp nhận 3 dự án với tổng giá trị đạt 276.939 USD. Hoạt động xúc tiến thương mại được quan tâm nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các loại sản phẩm, hàng hóa của tỉnh. Tỉnh đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại quốc tế; tăng cường quảng bá, giới thiệu về các mặt hàng tiềm năng của Ninh Bình, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 1 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra. Hoạt động xúc tiến du lịch được chú trọng, nhất là tuyên truyền, quảng bá về du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng làm cho khách du lịch nước ngoài đến Ninh Bình ngày càng tăng. Năm 2015 có 600.000 lượt khách quốc tế đến tham quan, du lịch, tăng 19,42% so với năm 2014. Năm 2016, tỉnh Ninh Bình đón 700 nghìn lượt khách quốc tế đến tham quan, du lịch, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Đồng hành cùng hoạt động đối ngoại về kinh tế, hoạt động đối ngoại về văn hóa, giáo dục cũng đạt được những kết quả tốt đẹp. Những năm qua, tỉnh ta đã phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa quan trọng, tiêu biểu như: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK- 2014; đón tiếp nhiều đoàn ngoại giao các nước tại Hà Nội về thăm Ninh Bình; đoàn đại biểu quốc tế tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới- IPU 132, đoàn đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 về thăm Khu du lịch sinh thái Tràng An, chùa Bái Đính… Tỉnh còn tạo điều kiện để các đoàn làm phim đến khảo sát, thực hiện các cảnh quay trong nhiều bộ phim nổi tiếng vừa góp phần quảng bá về đất nước Việt Nam nói chung và về mảnh đất, con người, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là những danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh Ninh Bình nói riêng với bạn bè quốc tế. Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong những năm qua, Trường Đại học Hoa Lư liên tục tiếp nhận sinh viên và đào tạo giúp tỉnh U-đôm-xay, nhiều sinh viên đã ra trường và về nước công tác. Ngược lại, tỉnh U-đôm-xay đã hỗ trợ tỉnh Ninh Bình kinh phí cho 10 sinh viên theo học tại Trường Đại học Quốc gia Lào. Chương trình hợp tác về chuyển giao kiến thức, hướng dẫn, đào tạo về nông nghiệp tiên tiến giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình với Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp sa mạc vùng Ramat Negev, Israel nhiều năm qua được triển khai thuận lợi, đạt kết quả tốt. Đã có nhiều đợt thực tập sinh Ninh Bình sang học tập, lao động tại các nông trại của Israel, kết thúc trở về nước an toàn, được phía bạn đánh giá cao.
Công tác đối ngoại nhân dân có bước phát triển cả về tổ chức và phương thức hoạt động. Các hoạt động giao lưu hữu nghị với các tổ chức nhân dân của nước ngoài đạt kết quả tốt đẹp góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết vì mục tiêu hòa bình và hợp tác giữa nhân dân Ninh Bình với nhân dân thế giới. Hiện nay, tỉnh đã có hai tổ chức ngoại giao nhân dân là Hội Hữu nghị Việt - Nga và SNG và Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Tháng 5-2015, Hội Hữu nghị Việt - Nga và SNG tỉnh Ninh Bình đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít Đức (9/5/1945 - 9/5/2015), chia sẻ niềm vui, niềm tự hào với nhân dân các nước Liên Xô cũ. Tỉnh đã tổ chức giao lưu văn hóa hữu nghị Việt Nam - Cuba tại tỉnh Ninh Bình nhân kỷ niệm 57 năm ngày cách mạng Cuba thành công (1/1/1959 - 1/1/2016). Nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị với Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội và Hội Hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên, đoàn giáo viên, học sinh kiều bào tại tỉnh Nokhon Phanom, Thái Lan, đoàn Đại sứ Bra-xin tại Việt Nam và Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Bra-xin, đoàn Hội Hữu nghị Italia - Việt Nam; giao lưu với Hội Những người Hàn Quốc yêu Việt Nam, Hội Giao lưu văn hóa Hàn - Việt, Hội Hữu nghị Việt Nam - Bê-la-rút, Đoàn Chủ tịch ủy ban Hòa Bình và Đoàn Kết Lào, đoàn Đại sứ Canada tại Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam - Canada… được tổ chức càng làm cho hoạt động đối ngoại nhân dân thêm sinh động và phong phú.
Công tác đối ngoại của tỉnh trong những năm qua đã góp phần quan trọng nâng tầm vị thế của Ninh Bình, tạo ra những xung lực mới góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình chủ động mở rộng quan hệ với các tỉnh, thành phố của các nước, các tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế; đặc biệt là những tỉnh, thành phố đã có quan hệ kết nghĩa chính thức nhằm tăng cường hợp tác, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở cấp độ địa phương. Mở rộng quan hệ đối ngoại về kinh tế và văn hóa, trọng tâm là các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, kêu gọi, thu hút đầu tư từ nguồn vốn ODA, FDI và kêu gọi tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Bài, ảnh: Nguyễn Đông