Chất lượng đi kèm với lợi nhuận Hiện nay nhu cầu sử dụng gạo đang có sự thay đổi lớn trong bữa ăn của mỗi gia đình, gạo chất lượng cao được ưa chuộng, gạo chất lượng thấp dần bị loại bỏ. Bốn năm trước, ngành Nông nghiệp Ninh Bình cũng đã nhìn ra được cần phải thay đổi cơ cấu giống lúa, hướng đến sản xuất lúa thơm, lúa chất lượng cao nếu muốn đầu ra hạt gạo ổn định và có giá trị cao hơn. Ngày 24-12-2010, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 31 về việc phê duyệt Đề án số 11 của UBND tỉnh về khuyến nông hỗ trợ mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh với diện tích 30.000 ha lúa chất lượng cao mỗi năm. Kết quả diện tích lúa chất lượng cao ở Ninh Bình đã tăng dần qua các năm, nếu như năm 2011 mới ở mức 24 nghìn ha thì năm 2012 đã tăng lên gần 34 nghìn ha. Đặc biệt năm 2013 diện tích lúa chất lượng cao đạt đỉnh với trên 36 nghìn ha (chiếm gần 45% tổng diện tích gieo cấy). Sản lượng lúa chất lượng cao đã tăng từ 14 vạn tấn lên trên 20 vạn tấn/năm.
Ông Trịnh Văn Bình, một nông dân ở thôn Vân Hạ, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô chia sẻ: "Trước cấy lúa lai, có anh em họ hàng trên phố về, mình quý cho vài yến gạo quê nhưng họ có vẻ không thích lắm giờ thì mình hiểu bởi gạo khô ăn sao được, họ ăn gạo thơm, gạo dẻo quen rồi. Vài năm trở lại đây, HTX hướng dẫn chuyển đổi sang cấy các giống lúa chất lượng cao, năng suất chẳng kém lúa lai là bao nhưng ăn ngon, cho cũng "đắt" mà bán cũng dễ nên giờ 100% diện tích gia đình tôi đều cấy các giống này". Theo tính toán của phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô, vụ đông xuân năm 2014 giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác lúa lai là 38,7 triệu đồng/ha, còn lúa chất lượng cao là 47,8 triệu đồng/ha, tức là cấy lúa chất lượng cao lãi hơn cấy lúa lai khoảng 9 triệu đồng/ha, một con số không nhỏ đối với những người nông dân.
Điều này giải thích vì sao phong trào trồng lúa chất lượng cao nhanh chóng lan rộng trong các vùng nông thôn ở Ninh Bình như vậy, Huyện miền núi Nho Quan vốn là nơi có địa hình phức tạp, đất đai khô cằn nhưng đến nay mỗi năm cũng gieo cấy gần 2 nghìn ha lúa chất lượng cao. Các huyện đồng bằng như Yên Khánh, Yên Mô diện tích này còn cao hơn, lần lượt là 10 nghìn và 6,5 nghìn ha, tương đương với tỷ lệ 66% và 50% tổng diện tích gieo cấy. Riêng đối với Kim Sơn, một huyện vùng biển lại càng có nhiều lợi thế để phát triển các giống lúa chất lượng cao, đặc biệt là các giống lúa đặc sản của địa phương như Tám xoan, Dự…Ông Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kim Sơn cho biết: "Diện tích lúa chất lượng cao đã chiếm độc tôn trên đồng ruộng Kim Sơn với hơn 10 nghìn ha năm 2014. Ngoài việc giảm dịch bệnh, khả năng chống chịu với nước mặn xâm nhập và tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, việc sản xuất lúa chất lượng cao còn giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần đẩy mạnh Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương".
Để tiếp tục nâng cao giá trị gạo
Việc mở rộng diện tích lúa chất lượng cao những năm qua đã góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất lúa chất lượng cao ở Ninh Bình cũng đang gặp một số khó khăn, thách thức. Sản xuất lúa của tỉnh ta vẫn còn manh mún cho nên vừa khó thực hiện đồng bộ cơ giới hóa, phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vừa giảm hiệu quả khi áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật. Năng lực hợp tác xã và hệ thống cung ứng dịch vụ nông nghiệp cũng còn hạn chế. Hệ thống bảo quản, chế biến, sấy sau thu hoạch gần như chưa có… Bên cạnh đó, chủng loại giống lúa chất lượng cao trong cơ cấu chưa nhiều, việc lựa chọn giống để sản xuất lại phụ thuộc vào tập quán canh tác ở từng địa phương, từng hộ nông dân. Đặc biệt, tại các huyện như Nho Quan, Gia Viễn do điều kiện đất đai và tập quán canh tác không phù hợp nên nông dân hiện vẫn chú trọng sử dụng các giống lúa lai để gieo cấy, do đó việc mở rộng diện tích lúa chất lượng cao còn khó khăn. Song song là những bất cập trong tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù giá trị sản phẩm của lúa chất lượng cao hiện nay gấp 1,2-1,3 lần lúa lai thương phẩm nhưng việc tiêu thụ lúa chất lượng cao vẫn chủ yếu là tiêu thụ trên địa bàn và một số tiểu thương thu mua với số lượng nhỏ; chưa có doanh nghiệp lớn đứng ra thu mua với số lượng lớn cho nông dân, do vậy sản xuất vẫn mang tính chất tự sản, tự tiêu, nhất là hiện nay do chưa tạo lập được thương hiệu nên sản phẩm lúa gạo Ninh Bình chưa vươn xa được.
Theo ông Lã Quốc Tuấn, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT: Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa chất lượng cao, mỗi vụ lúa, ngành nông nghiệp tỉnh đều tổ chức hội thảo, tham quan các mô hình sản xuất giống, đánh giá các giống lúa triển vọng,… giúp nông dân các địa phương hiểu thêm các giống lúa và khả năng thích nghi của chúng. Thời gian tới, tỉnh cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống sấy công nghiệp hoàn chỉnh, khép kín và kho bảo quản lúa gạo hiện đại, đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu. Triển khai hiệu quả việc ứng dụng và chuyển giao về giống, kỹ thuật canh tác mới cho nông dân, từng bước áp dụng quy trình sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGap, thực hiện nghiêm ngặt chế độ bón phân và phòng trừ sâu bệnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo cũng như thỏa mãn yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính. Bên cạnh đó, lựa chọn một số giống lúa làm sản phẩm hàng hóa và xây dựng thương hiệu để sản phẩm gạo Ninh Bình vươn ra tiêu thụ ở tỉnh ngoài và xuất khẩu.
Nguyễn Lựu