Có được thành tựu đó, trước hết phải kể đến "lực đẩy" từ các chính sách đặc thù của tỉnh. Điển hình như: Nghị quyết số 10-NQ/ TU, ngày 15/10/2007 của Tỉnh ủy, tiếp đó là Đề án số 15/ĐA-UBND của UBND tỉnh về "Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đến năm 2010". Đây được đánh giá là "đòn bẩy" quan trọng giúp cho hàng chục nghìn hộ nghèo của tỉnh vươn lên thoát nghèo trong giai đoạn này. Bước vào những giai đoạn về sau, tinh thần của Nghị quyết 10-NQ/TU vẫn còn nguyên giá trị, hun đúc lên ý chí, quyết tâm, huy động được sự tham gia của mọi lực lượng xã hội vào cuộc chiến giảm nghèo ở cả 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Về xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) vào những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ không khí tưng bừng của địa phương hướng tới kỷ niệm 200 năm Danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh. Con đường về các thôn, bản đã được rải nhựa phẳng lỳ. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi thấp thoáng sau những vườn cây sum suê quả ngọt. Các ngôi trường, trạm y tế được xây dựng khang trang, sạch đẹp… Vẫn là một địa phương với nhiều nét đặc trưng của đồng bào Mường, song nơi đây đang tràn đầy năng lượng của một vùng sơn cước đổi mới.
Đồng chí Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Bám sát Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy, công tác xóa đói, giảm nghèo ở Cúc Phương được thực hiện rất bài bản, có lộ trình thực hiện mục tiêu cụ thể. Xã đã đề ra nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động và quan tâm chỉ đạo các Hội, các đoàn thể thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nhân dân. Công tác tuyên truyền về xóa đói, giảm nghèo được đặt lên hàng đầu với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú.
Trong đó có việc giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo vươn lên làm giàu, các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao… giúp người dân có thể vận dụng làm theo. Nhờ đó, đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân về công tác xóa đói, giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế của các hộ gia đình. Không chỉ tập trung chăn nuôi con đặc sản, xã Cúc Phương còn khuyến khích bà con phát huy thế mạnh đồi rừng, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông như trước đây, Cúc Phương đã vận động, hướng dẫn bà con chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại.
Nhằm tạo điều kiện cho bà con phát triển, mở rộng trang trại, các tổ chức đoàn thể của xã đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT cho bà con vay vốn với lãi suất ưu đãi… Từ sự hỗ trợ này, nhiều hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bền vững qua mỗi năm. Từ gần 40% năm 2005, xuống còn 13,41% năm 2010 và còn 6,53% (theo tiêu chí giai đoạn 2022-2025).
Xã Cúc Phương là một trong rất nhiều điển hình trong công tác giảm nghèo ở tỉnh ta những năm qua. Sự nỗ lực của các địa phương, của mỗi người nghèo như được tăng thêm sức mạnh khi tỉnh Ninh Bình dành nhiều sự quan tâm thiết thực tới vùng nghèo, hộ nghèo.
Đến năm 2010, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành việc xóa nhà tranh tre, dột nát cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo theo Đề án 02 và Đề án 06 của HĐND tỉnh. Đã có 2.660 ngôi nhà được xây mới, sửa chữa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 62 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 16,5 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn quỹ của tỉnh).
Trong giai đoạn 2015-2020, có 3.253 hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở theo Quyết định 22 và Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng kinh phí trên 120 tỷ đồng. Nỗ lực của tỉnh Ninh Bình đã được Trung ương đánh giá là tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước làm tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở.
Cùng với đó, tỉnh Ninh Bình cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ thẻ BHYT, chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo. Kết quả, đã hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho trên 20 nghìn lượt người nghèo, cận nghèo, với tổng kinh phí trên 10,2 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng (với mức hỗ trợ từ 800 nghìn đồng -1 triệu đồng/người/tháng).
Trong 2 năm (2020 - 2021), toàn tỉnh có 407 hộ nghèo có thành viên là người có công được hỗ trợ kinh phí, với số tiền gần 3,4 tỷ đồng, góp phần đảm bảo 100% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú. Đồng thời, để giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08/2018/NQHĐND của HĐND tỉnh "Về việc quy định mức hỗ trợ thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, da dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phương tiện nghe - xem thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình".
Theo đó, đã có trên 15 nghìn hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc các chương trình 135, 30 và 30a… Công cuộc giảm nghèo của tỉnh còn nhận được sự đồng hành, hưởng ứng tích cực của các tập thể, cá nhân, những nhà hảo tâm, các doanh nghiệp.
Điển hình như: Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn VinGroup đã hỗ trợ 3.865 con bê giống cho hộ nghèo, cùng với các chính sách giảm nghèo của Trung ương và của tỉnh giúp cho 1.555 hộ thoát nghèo; Tập đoàn Xuân Thành, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Công ty xi măng The Vissai cùng một số doanh nghiệp đã hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo bằng nhiều hình thức, với kinh phí mỗi năm hàng chục tỷ đồng.
Những giải pháp trên đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, từ 30% (năm 1995) xuống còn 2,91% (năm 2015) theo tiêu chí nghèo đơn chiều và từ 7,46% (năm 2015) xuống còn 1,87% (năm 2020) theo tiêu chí nghèo đa chiều. Theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có 9.614 hộ nghèo, chiếm 3,07%.
Đào Hằng