Bước chuyển tích cực trong công tác cán bộ nữ sau 30 năm tái lập tỉnh
Thứ Năm, 10/03/2022, 08:12
Zalo
Năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập. 30 năm qua, tỉnh Ninh Bình đẵ đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, nhất là cán bộ nữ. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ nữ đã có sự phát triển cả về số lượng, chất lượng. Ninh Bình hiện là địa phương có tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, Quốc hội, HĐND, lãnh đạo, quản lý các cấp cao so với mặt bằng chung của cả nước. Đội ngũ cán bộ nữ đã có điều kiện để phát huy năng lực, sở trường và tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh.
Bước chuyển tích cực trong công tác cán bộ nữ sau 30 năm tái lập tỉnh
Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng.
Trong suốt 30 năm qua (từ năm 1992 đến nay), tỉnh Ninh Bình đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện để cán bộ nữ được học tập, rèn luyện, nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Một trong những minh chứng rõ nét đó là ngay từ khi tái lập tỉnh, cùng với tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy Ninh Bình đã rất quan tâm đến công tác cán bộ nữ, đề bạt, bổ nhiệm những nữ cán bộ giỏi, tâm huyết nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong cơ quan Đảng, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp.
Bà Trần Thị Thu Hạnh, nguyên Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết: Trước năm 1992, tôi là Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nam Ninh. Khi tái lập tỉnh, tôi được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình và là 1 trong 4 đồng chí nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII. Những ngày đầu mới tái lập tỉnh, bên cạnh niềm vui, phấn khởi vì được trở về xây dựng quê hương Ninh Bình sau 16 năm hợp nhất thì tỉnh vẫn gặp bộn bề gian khó và ngành Y tế của tỉnh lúc bấy giờ cũng không ngoại lệ. Khó khăn lớn nhất đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nghèo nàn, trong khi đó đội ngũ cán bộ vừa thiếu lại vừa yếu. Mặc dù nữ ngành Y tế chiếm tới 60-70% tổng số cán bộ, nhân viên của toàn ngành nhưng lúc bấy giờ phần lớn chị em đều chưa được đào tạo bài bản, nữ bác sĩ đa khoa rất hiếm và bác sĩ chuyên khoa I, II không có. Cán bộ y tế ở tuyến huyện, xã có trình độ bác sĩ rất ít.
Bà Trần Thị Thu Hạnh chia sẻ với phóng viên về công tác cán bộ nữ ngành Y tế những năm đầu tái lập tỉnh.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, ngành Y tế Ninh Bình đã tập trung khắc phục khó khăn, yếu kém để vươn lên khẳng định mình, trong đó coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ y tế đảm bảo số lượng và nâng dần chất lượng.
Nhờ vậy, số lượng thầy thuốc tăng nhanh. Nếu như năm 1992, toàn tỉnh mới có xấp xỉ 4 bác sỹ/vạn dân thì đến nay đã có 13,3 bác sỹ/1 vạn dân (gấp 3,2 lần). Trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc được nâng lên rõ rệt. Toàn ngành hiện có 3 tiến sỹ, 62 chuyên khoa II, 428 thạc sỹ và chuyên khoa I, tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học và sau đại học đạt 55%, trong đó nhiều cán bộ là nữ. "Sau 30 năm tái lập tỉnh, công tác cán bộ nữ ngành Y tế đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào.
Thành quả này có được trước hết là nhờ có những chủ trương, chính sách hết sức đúng đắn về công tác cán bộ nữ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong suốt nhiều nhiệm kỳ qua. Đó chính là sự coi trọng và tạo điều kiện để phụ nữ phát triển tài năng. Mặt khác, trong quá trình phát triển, bản thân phụ nữ ngành Y cũng đã tự nhìn nhận, đánh giá và không ngừng nỗ lực vươn lên để khẳng định bản thân"- bà Trần Thị Thu Hạnh chia sẻ.
Trong 3 thập kỷ qua và đặc biệt là trong những năm gần đây, công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng đã được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đặc biệt quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện, nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn. Để khuyến khích chị em học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận, ngoài các chế độ, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ theo quy định của Trung ương, tỉnh còn ban hành chính sách khuyến khích đối với cán bộ nữ được cử đi đào tạo như: mỗi cán bộ nữ đi học sẽ được hỗ trợ từ 2 đến 10 triệu đồng tùy theo bậc học từ trung cấp đến tiến sỹ. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch đảm bảo số lượng, chất lượng nhân sự nữ gắn với đào tạo, sử dụng.
Trong công tác quy hoạch cán bộ đã tiến hành theo phương châm "động" và "mở", gắn quy hoạch với đề bạt, bổ nhiệm, mạnh dạn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ, nhất là cán bộ trẻ có tiềm năng, có tố chất và khả năng phát triển. Nhiều cán bộ nữ được tín nhiệm giao giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở, phát huy tốt hơn vai trò, vị trí của cán bộ nữ, thu hẹp dần khoảng cách về giới, đồng thời góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu mà nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra. Thực tế cũng cho thấy, trong nhiều năm qua, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, địa phương trong việc thúc đẩy công tác lãnh đạo nữ, phụ nữ Ninh Bình cũng đã có những bước tiến trong nhận thức, hành động, từng bước xóa bỏ rào cản "định kiến giới", có tinh thần trách nhiệm cao và nỗ lực, phấn đấu để vươn lên...
Đồng chí Đinh Thị Hồng Thái, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) cho biết: Tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các thế hệ tiền bối, từ đồng nghiệp và không ngừng tự học, tự rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Đồng thời luôn sắp xếp công việc gia đình khoa học để vừa chu toàn việc nhà, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Với những chủ trương, chính sách đúng đắn đã góp phần tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cán bộ nữ trong tỉnh khắc phục mọi khó khăn, tích cực phấn đấu, rèn luyện, nâng cao nhận thức về lý tưởng cách mạng, năng lực, trình độ chuyên môn, thực tiễn công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao và có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Đinh Thị Hồng Thái, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quang Sơn không ngừng tự học tập, rèn luyện để vươn lên trong công tác.
Điều đáng mừng là số lượng và chất lượng cán bộ nữ trong tỉnh ngày càng được nâng cao và có mặt ở tất cả các ngành, lĩnh vực, nhiều người giữ cương vị chủ chốt. Hiện nay, toàn tỉnh có 52 nữ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (chiếm 16%). Tỷ lệ nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 của tỉnh ở cấp xã đạt 25,7%, tăng 5,68% so với nhiệm kỳ 2015-2020; cấp huyện đạt 26,8% (tăng 6,98%); cấp tỉnh đạt 16,6% (tăng 0,91%). Tỷ lệ nữ cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tăng gấp nhiều lần so với năm đầu tái lập tỉnh, vượt so với các chỉ tiêu của Trung ương đề ra.
Đặc biệt, trong hai nhiệm kỳ gần đây, Ninh Bình vinh dự có 2 đồng chí nữ Bí thư Tỉnh ủy tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, điều mà ít có tỉnh, thành phố trong cả nước có được. Sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ninh Bình thuộc nhóm các tỉnh có tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội, HĐND các cấp cao so với mặt bằng chung của cả nước: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 50%; nữ đại biểu HĐND cấp xã đạt 28%, cấp huyện đạt 30%; cấp tỉnh đạt 24%.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ nữ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ, năng lực chuyên môn được nâng lên, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ nữ được đào tạo cơ bản, có năng lực lãnh đạo, quản lý, có triển vọng phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.