Trở lại xã Cúc Phương, chúng tôi đều có chung một cảm nhận địa phương vùng cao này đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Sự đổi thay của Cúc Phương không chỉ thể hiện ở những con đường bê tông trải dài, nhà văn hóa thôn, bản khang trang...mà còn ở kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng cao.
Tiếp chúng tôi, đồng chí chủ tịch UBND xã Đinh Văn Xuân phấn khởi chia sẻ: "Điều đáng mừng nhất mà chương trình xây dựng nông thôn mới đem lại cho xã vùng cao Cúc Phương đó là kinh tế phát triển. Người dân đã phát huy nội lực, tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình con nuôi mới có giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao".
Để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xã Cúc Phương đã chỉ đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, với điều kiện tự nhiên đồi, rừng và núi, địa phương đã khuyến khích nhân dân phát triển các mô hình con nuôi đặc sản.
Nhờ có sự đầu tư về hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đường xá đi lại thuận tiện, thị trường rộng mở nên hiện nay nghề chăn nuôi trên địa bàn xã phát triển khá mạnh. Toàn xã có hơn 500 con hươu gồm hươu sinh sản, hươu lấy nhung và hươu lấy thịt. Mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 320 kg nhung hươu, mang lại giá trị trên 6 tỷ đồng.
Mới đây, để nghề chăn nuôi hươu phát triển hơn nữa và nhằm xây dựng thương hiệu nhung hươu Cúc Phương, các hộ chăn nuôi hươu trên địa bàn xã đã thành lập HTX dịch vụ thương mại nhung hươu Cúc Phương. HTX hoạt động trên cơ sở tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và liên kết của các thành viên trong sản xuất, tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao hiệu quả hơn nữa.
Ngoài hươu, xã Cúc Phương duy trì nhiều con nuôi đặc sản có giá trị như: trên 1.200 con trâu, bò; gần 300 con nhím; hơn 700 con dê; trên 800 đàn ong.... Tổng nguồn thu từ chăn nuôi trên địa bàn xã đạt trên 16 tỷ đồng. Cùng với chăn nuôi, Cúc Phương còn đẩy mạnh phát triển cây lương thực và các loại cây công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa như: mía, lạc, sắn, khoai sọ, cây ăn quả...
Đồng thời khuyến khích nhân dân chuyển dịch sang kinh doanh thương mại và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, góp phần tạo nguồn thu và việc làm cho lao động địa phương, từng bước giảm số hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Tổng giá trị thu nhập toàn xã năm 2018 ước đạt trên 77 tỷ đồng, bình quân giá trị 1 ha canh tác đạt 52 triệu đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 24 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,55% giảm nhiều so với những năm trước.
Bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế, Cúc Phương cũng tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đối với tiêu chí giao thông, cùng với sự hỗ trợ về xi măng của Nhà nước, xã Cúc Phương đã huy động và nhận được sự tham gia, ủng hộ của nhân dân. Người dân đã tích cực hiến hàng nghìn m2 đất, phá bỏ hàng trăm m2 tường bao, công trình phụ, đóng góp tiền và nhiều ngày công để hoàn thành các tuyến đường đảm bảo chiều rộng và chất lượng đúng tiêu chuẩn.
Qua phong trào xây dựng nông thôn mới đã có nhiều gương điển hình hiến đất, góp công, góp của.....đã được biểu dương. Riêng năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, xã đã tiếp nhận trên 400 tấn xi măng, hỗ trợ cho các thôn, bản làm16 tuyến đường. Hiện nay các tuyến đường giao thông thôn, bản trên địa bàn xã cơ bản được cứng hóa, giao thông đi lại thuận tiện, dễ dàng đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh.
Cũng theo đồng chí Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương, tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng để về đích nông thôn mới theo lộ trình vào năm 2021 đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và nhân dân Cúc Phương phải quyết tâm và nỗ lực hơn nữa để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt và duy trì phát triển các tiêu chí đã đạt. Bởi vì hiện nay 3 tiêu chí chưa đạt (gồm: tiêu chí về thủy lợi, hộ nghèo, thu nhập) đều là những tiêu chí không dễ thực hiện và đòi hỏi phải triển khai có hiệu quả nhiều biện pháp.
Do đó, trong thời gian tới, Cúc Phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp và tranh thủ nguồn đầu tư của Nhà nước để hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch đã đề ra. Trong đó, ưu tiên tập trung phát triển sản xuất, khuyến khích phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại phù hợp với quy hoạch đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tích cực thu hút các dự án đầu tư dịch vụ - du lịch; đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương, nhất là thương hiệu nhung hươu và mật ong Cúc Phương....Riêng trong năm 2019, Cúc Phương phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí nông thôn mới, nâng số tiêu chí đạt lên 18/19 tiêu chí; nâng thu nhập bình quân đầu người từ 24 triệu đồng/năm lên 28 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,5% xuống còn 5%.
Bài, ảnh: Giáng Hương