Thương binh 81% Lê Đức Vinh ở thôn Đam Khê Ngoài, xã Ninh Hải, (huyện Hoa Lư) năm nay đã bước vào tuổi thất thập. Trầm ngâm kể về chặng đường đã đi qua, ông Vinh cho biết: Đầu năm 1971, chưa đầy 20 tuổi, tôi làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Tôi được bổ sung vào sư 320 Quân đoàn 1. Sau một thời gian huấn luyện ở miền Bắc, tôi cùng đơn vị hành quân sang giúp nước bạn Lào, giải phóng Xiêng Khoảng, cánh đồng Chum, Vành Khoăn, Nam Tra… Năm 1972, ông Vinh bị thương nặng trong một trận đánh và phải lùi về phía sau điều trị.
Từ đó, là những tháng này ông phải đi hết bệnh viện này đến bệnh xá kia để điều trị, dưỡng thương với mong muốn sớm trở lại chiến trường, sát cánh cùng đồng đội. Nhưng do vết thương quá nặng, mong muốn của ông Vinh đã không trở thành hiện thực. Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông Vinh xuất ngũ trở về địa phương,.
Trở về quê hương, bao khó khăn đặt ra trước mắt, nhất là khi ông lập gia đình và lần lượt sinh 6 người con. Phải làm gì để mưu sinh, để lo cho gia đình bé nhỏ của mình, luôn là câu hỏi mà ông trăn trở. Ông không nề hà bất cứ công việc gì để có thêm thu nhập. Ban đầu là từ anh thợ xây, rồi là một nông dân chính hiệu với việc cấy lúa và chăn nuôi gia súc. Cuộc sống không đến nỗi túng thiếu, nhưng để có điều kiện nuôi con học hành mà làm nghề nông sẽ khó…
Ông Vinh trăn trở tìm hướng đi mới. Với số vốn tích cóp được, gia đình ông mở một cửa hàng phục vụ ăn uống. Công việc đó đã mang lại cho gia đình ông một cuộc sống ổn định. Song, ông vẫn muốn thử sức với nhiều cơ hội mới. Và ông quyết định bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, nhiều thách thức. Đó là kinh doanh nước sạch.
Năm 2009, ông Vinh thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Phú Vinh. Và cũng trong năm đó, dự án cung cấp nước sạch cho khu vực thôn Bích Động và Đam Khê Trong của ông đã được UBND tỉnh Ninh Bình ký quyết định phê duyệt. Dự án với mức đầu tư trên 10 tỷ đồng với công suất ban đầu mới chỉ 50m3/h. Năm 2012, công trình đã hoàn thành cung cấp nước cho bà con thôn Bích Động và Đam Khê Ngoài.
Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày một lớn của bà con trong xã và các vùng lân cận, những năm tiếp theo, ông Vinh tiếp tục đầu tư hơn 20 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp Trạm cấp nước sạch với công suất 100m3/h, đủ để cung cấp nước sạch cho cả 5 thôn trong xã và cấp nước cho làng đá mỹ nghệ Ninh Vân với gần 3 nghìn hộ dân.
Với việc không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động, đến nay, công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và 27 lao động thời vụ với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, thương binh Lê Đức Vinh còn cùng chung tay với một số doanh nhân, đồng đội đẩy mạnh hoạt động thiện nguyện, giúp cho những đối tượng khó khăn, đồng bào gặp thiên tai, tham gia vào các phong trào an sinh xã hội và một số phong trào khác của địa phương với số tiền hàng trăm triệu đồng...
Đặc biệt, năm 2020, trước tình trạng Nghĩa trang liệt sỹ xã Ninh Hải xuống cấp, ông Vinh đã đề xuất với Đảng ủy, UBND xã Ninh Hải được đứng ra chủ trì vận động một số doanh nghiệp trong xã, các nhà hảo tâm nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ xã Ninh Hải với kinh phí trên 3 tỷ đồng, trong đó riêng cá nhân ông Vinh ủng hộ 250 triệu đồng. Dự kiến, nghĩa trang sẽ được hoàn thiện đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022).
Còn nhiều lắm những tấm gương thương, bệnh binh nhiều nghị lực, giàu bản lĩnh đã có nhiều cống hiến cho sự phát triển của quê hương, tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho nhiều lao động khó khăn.
Có thể kể đến như thương binh 42% Bùi Giáp Canh, ở xóm 2, xã Mai Sơn (huyện Yên Mô). Thương binh Bùi Giáp Canh hiện đang là giám đốc doanh nghiệp Hoàng Phong, chuyên sửa chữa ô tô. Từ năm 2018 đến nay, doanh nghiệp chuyển hình thức sản xuất sang đầu tư máy móc phục vụ xây dựng tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, hiện nay đang giải quyết việc làm cho 8 lao động với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.
Bệnh binh 61% Phạm Đức Minh, phố Thanh Xuân, phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình, giám đốc Công ty TYOGA, độc quyền phân phối sản phẩm nước uống cao cấp ION kiềm và khai thác mỏ. Doanh thu năm 2021 đạt 125 tỷ đồng, thường xuyên tạo việc làm cho từ 200 - đến 300 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5,6 triệu đồng-24 triệu đồng/tháng, ưu tiên sử dụng con em thương binh, bệnh binh, bộ đội xuất ngũ.
Năm 2020, 2021 bản thân ông đã ủng hộ 160 triệu đồng cho phòng chống dịch COVID-19 và các tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt miền Trung; 500 triệu đồng làm đường liên thôn xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp...
Ông Dương Viết Yên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Chăm lo đời sống cho người có công là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, được tỉnh ta quan tâm thực hiện có hiệu quả trong suốt những năm qua. Đáp lại sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí quật cường "Tàn nhưng không phế" vượt lên thương tật, bệnh tật và khó khăn, phấn đấu vươn lên, cần cù, sáng tạo trong học tập, công tác, lao động sản xuất bằng ý chí và nghị lực để làm giàu cho gia đình và xã hội.
Nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công đã trở thành "hộ sản xuất kinh doanh giỏi", "gia đình cách mạng gương mẫu". Họ là những anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động tiêu biểu, là những người mẹ, người vợ, người con trung hậu đảm đang vượt khó vươn lên; là những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học và những thương binh, bệnh binh tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, đã trở thành những nhà quản lý, những doanh nhân thành đạt.
Họ không chỉ là những anh hùng trong chiến đấu mà còn là các chiến sĩ tiên phong chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bài, ảnh: Đào Hằng