Phải hẹn nhiều lần, tôi mới gặp được ông - bệnh binh Phạm Đức Minh ở phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình, bởi ông và những doanh nhân trong Hội Cựu chiến binh tỉnh vừa kết thúc hành trình về thăm lại chiến trường Quảng Trị và để tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh đang an nghỉ tại Nghĩa trang Trường Sơn. Cũng nhân dịp về nguồn này, ông và các thành viên trong đoàn đã trao tặng kinh phí để xây dựng nhà tình nghĩa cho 2 gia đình chính sách có khó khăn về nhà ở ở Quảng Trị. Đây là hoạt động thường xuyên được Hội Doanh nhân CCB thực hiện vào mỗi dịp 27/7 hàng năm.
Bệnh binh Phạm Đức Minh kể, ông nhập ngũ tháng 2/1975 thì đến tháng 4/1975 ông được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chỉ vỏn vẹn vài tháng nơi chiến trường, ông chứng kiến bao đồng chí, đồng đội anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, còn ông, may mắn được trở về và công tác dài lâu trong quân đội với nhiệm vụ là bác sĩ quân y. Năm 1994, bệnh binh Phạm Đức Minh xuất ngũ và bắt đầu công việc kinh doanh.
Mới đầu, ông kinh doanh nhỏ lẻ, dần dần, những thử thách, khó khăn trong công việc kinh doanh càng làm cho ông đam mê và khát khao chinh phục. Bằng số vốn tích cóp được ông lập nên Công ty TNHH Đông Đô với ngành nghề chính là vận tải thủy và khai thác mỏ. Trải qua bao sóng gió, có những thời điểm như năm 2012, Công ty của ông đứng bên bờ vực phá sản vì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, song không nản, ông từng bước vực dậy và làm Công ty "hồi sinh".
Hiện nay, Công ty đã tạo việc làm cho từ 200-300 công nhân và thợ kỹ thuật với mức lương trung bình 10 triệu đồng/tháng. Bệnh binh Phạm Đức Minh luôn ưu tiên tuyển dụng con em thương, bệnh binh, bộ đội xuất ngũ, con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Hiện nay, ông là Chủ tịch Hiệp hội vận tải thủy Ninh Bình, Chi hội trưởng chi hội doanh nhân CCB thành phố Ninh Bình. Không chỉ làm tốt công tác điều hành, quản lý doanh nghiệp, ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cụ thể đã phối hợp với Hội CCB tỉnh xây dựng 5 nhà tình nghĩa, xây dựng đường dân sinh tại xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp.
Nhiều năm liền ông được Bộ Tài chính tặng Bằng khen, đặc biệt năm 2014 được Phòng Thương mại Việt Nam công nhận doanh nhân CCB tiêu biểu và năm 2017, bệnh binh Phạm Đức Minh được đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với ông Nguyễn Đình Cần, thôn Hệ, xã Ninh Vân (Hoa Lư) tuy chiến tranh đã lùi xa, nhưng với ông ký ức về một thời hoa lửa của dân tộc thì vẫn còn vẹn nguyên. Mỗi năm, cứ vào dịp 27/7 thì trong lòng ông lại trào dâng nhiều niềm xúc động. Ông nhớ lắm và thương lắm những đồng chí, đồng đội đã cùng ông vào sinh ra tử và vĩnh viễn nằm lại chiến trường khi tuổi đời còn xuân.
Còn ông, may mắn được trở về với cuộc sống đời thường. "Những cơn đau do vết thương cũ tái phát, những khó khăn trong cuộc sống mà tưởng chừng không còn sức mà đứng lên… nhưng tôi lại nghĩ đến những hy sinh ấy của các đồng chí, đồng đội, vậy là tôi lại như được tiếp thêm sức mạnh để đứng lên đi tiếp với niềm tin tha thiết phải sống cho mình và sống để xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội"- thương binh Nguyễn Đình Cần nói.
Ông Cần kể lại rằng, cũng như bao thanh niên cùng trang lứa, tròn 18 tuổi thanh niên Nguyễn Đình Cần xung phong lên đường nhập ngũ. Năm 1971, ông Cần bị thương trong một trận đánh tại chiến trường Quảng Trị khói lửa. Sau một thời gian dưỡng thương, sức khỏe yếu, anh lính trẻ Nguyễn Đình Cần xuất ngũ về địa phương.
Vài năm sau đó, ông lập gia đình rồi lần lượt sinh tới 5 người con. Sức khỏe ông Cần yếu do vết thương cũ luôn tái phát, bởi vậy mà gánh nặng mưu sinh đặt lên đôi vai gầy của vợ ông. Cuộc sống của cả gia đình chỉ biết trông vào vài sào ruộng và để đỡ đần thêm với vợ, sẵn có nghề làm đá mỹ nghệ trong tay, ông quyết định mang nghề đi làm… lưu động ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Thời ấy, ở các tỉnh miền núi phía Bắc rất thiếu các sản phẩm được làm bằng đá, bởi vậy cách làm của ông được coi là hợp thời". Vậy là ai thuê gì thì ông Cần làm nấy, nào là cối giò, cối giã trầu, lư hương… Làm được một sản phẩm thường mất nhiều thời gian. Ông phải dành nhiều thời gian lên núi chọn những phiến đá ưng ý rồi mới mang về hì hục đục đẽo làm thành các sản phẩm mà khách đặt hàng. Có những mặt hàng phải làm cả tuần, thậm chí cả tháng mới xong.
Nhọc nhằn là vậy, song mỗi sản phẩm cũng chỉ được trả công bằng vài bơ gạo. Đi làm được vài năm, vết thương cũ ở chân ông Cần tái phát nặng hơn, ông không thể leo núi lấy đá và làm những công việc nặng nhọc, ông đành trở về quê nhà và mang nỗi lo mưu sinh.
Về quê, được sự gợi ý của một người bạn, ông Nguyễn Đình Cần đi học nghề may. Thời đó, rất ít đàn ông làm nghề thợ may. Cũng kỳ lạ, tưởng chừng cái nghề ấy không phù hợp với nam giới, song ông lại chỉ mất 6 tháng là có thể may vá thành thạo- ông Cần nói. Có nghề may, phần vì cảm mến nghị lực của người thương binh, phần nữa là vì sự khéo tay, cẩn thận của ông nên tiệm may của ông Cần rất đông khách.
Từ nghề may, kinh tế gia đình ổn định dần, ông luôn động viên các con chăm ngoan, chịu khó học hành. Đến nay, niềm mong mỏi của người lính già ấy đã trở thành hiện thực. Cả 5 người con của ông Cần đều trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Hai người con là giáo viên, hai người con là cán bộ kỹ thuật trong Công ty may 10, một người con là chủ một xưởng đá mỹ nghệ tại Ninh Vân.
Còn nhiều lắm những tấm gương thương, bệnh binh giàu nghị lực. Bằng tinh thần người lính, các thương, bệnh binh đã vượt qua những mất mát của bản thân, gia đình, phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác, lao động sản xuất bằng ý chí và nghị lực phi thường để xây dựng cuộc sống gia đình ổn định, hạnh phúc, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế của gia đình, làm giàu cho quê hương.
Đào Hằng