Bức tranh sáng
Chúng tôi về xã vùng cao Cúc Phương vào những ngày cuối tháng sáu. Đi trên những con đường bê tông đã được đầu tư nâng cấp, hai bên đường là những vườn cây công nghiệp, cây ăn trái trồng tập trung phổ biến là mía, dứa, vải thiều, thanh long, ngô. Thấp thoáng trong đó là những ngôi nhà hai, ba tầng kiên cố, khang trang minh chứng thêm cho sự thành công của chủ nhân những gia trại, trang trại rộng từ vài ba đến hàng chục ha ở nơi này.
Đồng chíPhó Chủ tịch UBND xã Đinh Công Sính cho biết: "Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã cổ vũ, khơi dậy khát vọng xóa nghèo và làm giàu của người dân vùng cao Cúc Phương. Nhiều hộ gia đình vừa phát huy nội lực, vừa vay vốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đầu tư mua sắm công cụ sản xuất hiện đại hơn".
Chúng tôi đã đến thăm gia đình anh Đinh Văn Chiến, ở thôn Sấm 2, một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của xã Cúc Phương. Hiện gia đình anh Chiến đang sở hữu một gia trại tổng hợp chăn nuôi lợn, hươu, dê, đồng thời trồng mía, keo với diện tích hơn 10 ha, thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Anh Chiến cởi mở chia sẻ: "Những năm trước đây, cuộc sống của người dân nơi đây nói chung và gia đình tôi nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nay nhờ được Nhà nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đường xá đi lại thuận tiện, gia đình lại được hướng dẫn cách làm ăn và tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế nên cuộc sống khấm khá hơn nhiều".
Cúc Phương có gần 700 hộ dân với trên 3 nghìn khẩu, 96% là người dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán canh tác cũ vẫn còn ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Do vậy, việc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã còn gặp nhiều khó khăn.Tuy nhiên, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền xã đã tích cực chỉ đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Đồng thời làm tốt công tác tập huấn cho bà con nông dân kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài cây lương thực, Cúc Phương còn phát triển các loại cây công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa như: mía, lạc, cây ăn quả. Hiện nay, toàn xã đã hình thành được 40 gia trại tổng hợp, trong đó chủ yếu là phát triển cây công nghiệp và chăn nuôi các con đặc sản cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Đảng bộ, chính quyền xã có nhiều giải pháp đồng bộ để khuyến khích nhân dân mở rộng phát triển ngành nghề, dịch vụ. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 10,9%, giảm nhiều so với những năm trước.
Bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế, Cúc Phương cũng tập trung nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong hai năm 2012-2013, toàn xã đã xây dựng, kiên cố hóa được gần 4 km đường giao thông; xây mới 5 nhà văn hóa thôn; nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất ở cả ba cấp trường… Đang tham gia góp công đổ bê tông tuyến đường liên xã, anh Nguyễn Văn Thực, thôn Nga 2 cho biết: Trước đây, con đường qua nhà tôi là đường đất, trời mưa lầy lội, bà con đi lại khó khăn. Khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ vật liệu làm đường bê tông, tôi cũng tích cực góp sức để nhanh chóng hoàn thành đổ bê tông tuyến đường để nhân dân đi lại dễ dàng hơn". Anh Thực chỉ là một trong nhiều người dân ở xã Cúc Phương nhiệt tình hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó làm đường bê tông là tiền đề để hoàn thành các tiêu chí khác. Ngoài anh Thực, có các gương điển hình đã được biểu dương, như hộ ông Dậu (thôn Sấm 2), ông Quy, bà Quý, ông Hoan (thôn Sấm 3) hiến 150 m2 đất và chặt bỏ cây cối để làm đường giao thông nông thôn…
Cái khó của vùng cao
Dù đã có những khởi sắc về diện mạo kinh tế - xã hội trong những năm qua nhưng Cúc Phương vẫn còn đó những khó khăn, yếu kém của một xã vùng cao. Hiện tại, Cúc Phương mới chỉ đạt 8 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí về xây dựng NTM và những tiêu chí chưa đạt đều là những tiêu chí khó như tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, giao thông…
Theo đồng chí Đinh Thúc Chiến, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương, cấp ủy, chính quyền xã đã nỗ lực huy động sức dân, mọi nguồn lực kinh phí hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí giao thông nhưng xem ra vẫn như muối bỏ bể. Bởi diện tích xã rộng, địa hình hiểm trở, dân cư sống phân tán. Do đó, việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo tiêu chí NTM quá khó đối với xã. Bên cạnh vấn đề giao thông là vấn đề về mức sống người dân, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao là những vật cản trong công cuộc xây dựng NTM. Hiện tại, cơ cấu lao động theo các ngành của Cúc Phương là: nông nghiệp 82,5%, công nghiệp 0% và dịch vụ thương mại chỉ chiếm 14,8%. Khi tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, cơ cấu ngành nghề nghèo nàn, cuộc sống của người dân vẫn còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn thì việc kéo giãn lực lượng lao động địa phương ra khỏi lĩnh vực nông-lâm-ngư và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5% rất khó để đạt được.
Trong thời gian tới, Cúc Phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp và tranh thủ nguồn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để hoàn thành kế hoạch đã đề ra; tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu như đường giao thông nông thôn; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Trước mắt, trong năm 2014, Cúc Phương phấn đấu hoàn thành 2 tiêu chí là chợ nông thôn và tiêu chí giáo dục. Tuy nhiên, cũng theo đồng chí Đinh Thúc Chiến thì để hoàn thành các tiêu chí về NTM, Cúc Phương rất cần những chính sách đồng bộ, hỗ trợ tối đa từ Trung ương, tỉnh, huyện để chương trình phát huy hiệu quả thực sự, lâu dài.
Hà Phương