Ông Mai Linh Quý Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Năm 2010 Hội Người mù tỉnh được tiếp nhận một dự án phục hồi chức năng do một tổ chức phi chính phủ Thụy Điển tài trợ. Trong gói dự án này có hạng mục dạy các môn thể thao cho người khiếm thị. Các chuyên gia của dự án đã chọn môn bóng lăn để huấn luyện cho các hội viên khiếm thị Ninh Bình. Đặc thù của môn này như sau: một sân tập rộng 9m dài 18 m, có ba trọng tài "cầm còi" trong một trận đấu, thông thường trong một trận đấu mỗi bên có ba cầu thủ. Bóng cho các vận động viên là một khối nhựa mềm, hoặc cao su hình cầu, rỗng, phía trong có chứa các viên bi phát ra tiếng kêu, trọng lượng bóng khoảng 1,25kg. Khi thi đấu quả bóng không dùng để đá mà dùng lăn. Các vận động viên sẽ...nghe tiếng kêu của các viên bi từ ruột trái bóng mà phán đoán vị trí của bóng. Người thắng sẽ là người lăn được bóng về phía sân đối phương, thời gian cho mỗi hiệp đấu là 7 phút, toàn trận đấu là 14 phút. Luật thi đấu có thể thức rõ ràng, rành mạch. Đây cũng là môn thể thao đã được dùng cho người khiếm thị tại Thụy Điển, nay được triển khai tại Việt Nam.
Vào 7-5 hàng năm (ngày thành lập hội người mù), kể từ ngày dự án được triển khai Hội người mù tỉnh đã tổ chức thi đấu môn bóng lăn, với sự tham gia của 8 đội tuyển đến từ các huyện, thành phố, thị xã. Các đội cũng bốc thăm, chia bảng, đấu bán kết, chung kết. Những trận đấu diễn ra sôi nổi hấp dẫn tuy nhiên người xem (bao gồm cả những người mắt sáng) được yêu cầu giữ trật tự tuyệt đối không được hò reo vì ảnh hưởng đến khả năng...nghe của cầu thủ. Điều thú vị là ở chỗ trong thời gian dự án triển khai các trận đấu còn được "cầm còi" bởi các trọng tài...quốc tế (người Thụy Điển). Niềm vui của các tuyển thủ trong mỗi trận đấu không chỉ là hạnh phúc nhỏ nhoi của người chơi mà đôi khi có cả những giọt nước mắt của những người thân của họ khi chứng kiến nụ cười trên khuôn mặt những người con, người em, người chồng của mình.
Ngoài hoạt động thi đấu vào các dịp kỷ niệm thành lập hội, các ngày lễ lớn, môn bóng lăn được chi hội người mù các huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh duy trì thường xuyên. Tại các cơ sở sản xuất, các trung tâm xoa bóp bấm huyệt có tập trung đông người khiếm thị các hội viên yêu thích có thể tự chơi cùng nhau. Mỗi năm Hội Người mù tỉnh đều tổ chức giải để động viên các anh, chị em hội viên và duy trì phong trào.
Điều đáng nói là ở chỗ môn bóng lăn tuy không phổ biến lắm tại Việt Nam nhưng tại các nước Châu Âu và nhất là tại Thụy Điển môn thể thao này đã được nhân rộng để phục vụ đời sống của người khiếm thị. Tại Việt Nam mới chỉ có Ninh Bình và Tiền Giang được thụ hưởng dự án này.
Môn bóng lăn nói riêng hay một giải thể thao nói chung, đôi khi còn không có nghĩa nhiều đối với những người khỏe mạnh, tuy nhiên với những người khiếm thị nó lại mang một ý nghĩa đặc biệt. Tính chất đặc biệt có nhiều lý do. Thứ nhất nó là phương tiện giúp người khiếm thị rèn luyện thể chất, xoa dịu nỗi đau tinh thần do những khiếm khuyết cơ thể mang lại. Thứ hai nó là phương tiện, là thông điệp mạnh mẽ của người khiếm thị gửi tới cộng đồng với ý thức muốn được bình đẳng, được hòa nhập, được tôn trọng. Đứng từ góc độ trách nhiệm của cộng đồng với những người khiếm thị, việc triển khai môn bóng lăn cho người khiếm thị tại các chi hội người mù thể hiện sự quan tâm, động viên của xã hội đối với những có số phận thiệt thòi, đó là những hoạt động mang ý nghĩa nhân đạo rất cao.
Và với ý nghĩa ấy môn bóng lăn của Hội Người mù Ninh Bình có thể nói là môn thể thao mang tính biểu tượng và nhân văn cần được khuyến khích, nhân rộng.
Mai Phương