Người đầu tiên tôi tìm gặp là cầu thủ Bùi Văn Hảo, ông Hảo nay đã lên lão với cháu con đầy đàn, 77 tuổi tuy chưa đến nỗi mắt mờ chân chậm nhưng ông đã thôi việc đi rừng, làm nương. Thời gian rảnh rỗi, ông Hảo vẫn ngày ngày ra sân bóng thôn An Ngải xem đám thanh niên đá bóng. Trong ký ức miên man của ông về bóng đá có những câu chuyên mà người thời nay cứ ngỡ như một thứ "truyền kỳ".
Ngày ấy, vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, lúc khắp các làng quê miền Bắc đang hối hả với phong trào hợp tác hóa, ông Hảo lớn lên và cũng trở thành xã viên Hợp tác xã nông nghiệp An Thành.
Ông cũng không thể ngờ rằng những tháng ngày chăn trâu cắt cỏ của mình, cùng với đám bạn tranh nhau một quả bóng bưởi hơ lửa lại có ngày ông trở thành "cầu thủ" đường hoàng thi đấu với các cầu thủ xã khác.
Ông Hảo còn nhớ ngày ấy mỗi tháng một xã viên phải đóng góp cho xã 25 công điểm, hình thức đóng góp có thể là ngày công lao động tập thể tại Hợp tác xã hoặc tham gia lao động thủy lợi, làm đường. Nhưng vì ông đá bóng giỏi, góp phần xây dựng phong trào nên được "ưu tiên", cứ mỗi kỳ có giải thi đấu là được miễn lao động, khi thi đấu được tính công điểm trừ vào phần công điểm phải trả cho Hợp tác xã.
Ông Hảo bồi hồi nhớ lại bãi đất trống thôn An Ngải xưa đã nhiều lần đón các đội bóng các nơi về thi đấu.Trong đó có nhiều cái tên mà nay nhiều người vẫn còn nhớ: Phúc Am, Cầu Ba, Nông Trường Đồng Giao, Đội thị trấn Nho Quan, Khánh Ninh...Cũng có nhiều kỳ giải đội bóng HTX An Thành chiến thắng. Vào năm 1968 xã Quảng Lạc chỉ có 2 HTX là An Thành và Đồng Bài.
Thường thì đội An Thành được chọn thay mặt xã Quảng Lạc thi đấu cấp huyện. Mỗi lần như vậy các chàng trai thôn An Ngải (thuộc HTX An Thành) lại "chân chim" "cuốc bộ" lên trung tâm huyện lỵ Nho Quan thi đấu. Khi đi mỗi cầu thủ xách thêm một cân gạo,một túm muối vừng, cán bộ HTX sẽ liên hệ tìm nhà quen cho các cầu thủ ngủ nhờ và tự nấu cơm ăn, thi đấu xong lại đi bộ về xã. Mỗi bận thi đấu các cầu thủ được trừ 25 công điểm.
Thế hệ ông Hảo và các cầu thủ bạn ông như Bùi Văn Đức, Bùi Văn Rung, Bùi Văn Đăng...lớn lên trong gian khổ nhưng đã yêu bóng đá với một tình yêu vô bờ bến, hồn nhiên như chính tuổi thơ của ông và chúng bạn với quả bóng tròn trên sân làng Ngải.
Ông Hảo còn nhớ một kỷ niệm không bao giờ phai với bóng đá. Năm 1968-1969 lúc ấy làng Ngải tuy đã vào HTX song vẫn còn nghèo.
Cái tên An Thành tuy mới nhưng không giúp người dân làng Ngải với đa số là bà con người Mường bớt đi vất vả. Với người dân xóm Ngải thì những người dân ven đường khu chợ Vĩnh Khương vẫn được gọi là "phố Vĩnh Khương". Gọi là "phố" Vĩnh Khương để phân biệt với "làng" Ngải quê mùa, lơ thơ vài chục hộ dân dựa lưng vào núi mà cái ăn cái mặc hàng ngày vẫn trông vào những sản vật từ rừng và nương rẫy.
Xóm nghèo, cả xóm không có nổi cái ti vi, mỗi mùa bóng đá, đám trai làng Ngải lại rủ nhau đi bộ xuống"phố Vĩnh Khương" xem nhờ ti vi. Hết trận đấu lại kéo nhau ra đường ngồi chờ đến trận đấu thứ hai lại vào xem. Suốt mùa Worl Cup khi kết thúc trận đấu, ông Hảo và các bạn kéo nhau ra về thì đến đầu thôn thì lũ gà rừng đã cất tiếng gáy eo óc.
Khi tôi ngồi viết những dòng này thì cụ Hảo bước sang tuổi 77. Câu chuyện trái bóng với cụ đã xa như chính ký ức thuở hoa niên. Bạn bè lớp cũ bên trái bóng cũng kẻ còn người mất. Những người bạn như ông Bùi Văn Đức, Bùi Văn Rung thuở nào đã chia tay cụ Hảo, vào lính bảo vệ biên giới phía Bắc, xong rồi lại về quê nay đã con cháu đề huề.
Cũng có người bạn ra đi không trở lại như ông Bùi Văn Đăng. Ông Đăng ngã xuống tại chiến trường Quảng Trị vào những ngày khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong ký ức của những người bạn làng Ngải vẫn nhớ chàng Đăng với những kỷ niệm ăm ắp về trái bóng tròn.
Cuộc thế xoay vần, lũ trai tráng ngày nào nay chỉ còn cụ Hảo là vẫn còn nguyên ngôi nhà cũ cạnh sân bóng làng Ngải. Những ký ức về những người bạn và trái bóng thuở hoa niên mãi khảm khắc vào lòng mọi người dân làng Ngải, người dân Quảng Lạc và đã là một phần ký ức của vùng đất này...
Mai Phương