Dân là gốc - Gốc của dân là sự giàu có
Ngày 6/2/2025, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tuyên Quang, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Năm 2025 là năm có nhiều sự kiện quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn là chăm lo đời sống cho Nhân dân. Một tháng sau (ngày 7/3/2025), khi kết luận buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, người đứng đầu Đảng ta yêu cầu thực hiện nhất quán quan điểm: Người dân và doanh nghiệp được phép làm những gì mà pháp luật không cấm (xoá bỏ tư duy cũ không quản được thì cấm). Những điều đó đều nhằm chăm lo, phát huy sức dân để làm giàu cho dân, cho nước.
Lòng dân, sức dân quyết định chất lượng Nhân dân. Trong đó, gốc rễ sức dân là sự giàu có. Hiểu đầy đủ là sự giàu có về tiền bạc, sức khoẻ (trí lực, thể lực) và văn hoá, đạo đức. Có thực mới vực được đạo - xưa đã vậy, nay vẫn thế. Như vậy, sức dân ta trực tiếp liên quan sự còn - mất của chế độ ta; gắn liền với những kỳ tích của sự nghiệp đổi mới dưới ánh sáng soi đường của Đảng ta.
Tại sao sự giàu có được coi là gốc rễ của sức dân? Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Người cho rằng: Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi người dân mạnh khoẻ, tức là cả nước mạnh khoẻ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Mặt khác, dân gian ta có câu: Mạnh vì gạo, bạo vì tiền.
Gốc rễ “giàu có” của sức dân được Cương lĩnh năm 2011 bổ sung (so với Cương lĩnh năm 1991) ở đặc trưng “Dân giàu”. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sức dân theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì luận điểm này ngày càng khẳng định giá trị trong bối cảnh tăng tốc, chạy đua để cán đích “thu nhập cao” vào năm 2045.
Không ít những điểm nghẽn liên quan sức dân thời gian qua đã kéo lùi nhiều chỉ tiêu phát triển đất nước được người đứng đầu Đảng ta thẳng thắn chỉ ra như: Sức khoẻ thể chất, chiều cao của người Việt Nam còn kém khá xa các nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản (khảo sát năm 2020, chiều cao trung bình của nam giới ở nước ta là 168,1cm, nữ giới là 156,2cm); tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi là 19,6% (cao hơn nhiều so với các nước phát triển như Nhật Bản hay Singapore. Năng suất lao động của nước ta ở nhóm thấp, hiện xếp thứ 117/181 nước/vùng lãnh thổ, chỉ tương đương 11,4% so với Singapore, bằng 35,4% của Malaysia (1).
Chăm lo từ “gốc” để sức dân vươn mình
Bàn về chăm lo sức dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy cần giảm sự đóng góp của Nhân dân (miễn thuế nông nghiệp 1 năm khi đất nước hoàn toàn thống nhất); Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân. Sau khi giải phóng miền Bắc, Người đã chỉ rõ mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là làm cho “dân giàu, nước mạnh”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, việc chăm lo sức dân đạt nhiều kết quả to lớn. Tuy nhiên, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội chưa được bảo đảm vững chắc; sự phân hoá giàu - nghèo, bất bình đẳng thu nhập có xu hướng gia tăng. Dịch vụ y tế còn bất cập, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng (2). Những hạn chế không đáng có đó, trở thành “mồi lửa” để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng thổi thêm “gió độc” gây nguy cơ cao làm bùng lên những “đám cháy” mang tên dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… hòng chống phá, ngăn cản bước tiến lên của dân tộc ta. Họ cố tình hướng lái, thổi phồng hiện thực khi tung luận điệu như: Nhà nước rũ bỏ trách nhiệm lo an sinh cho dân hay chính quyền bỏ mặc dân nghèo tự lo, tự bơi.
Đáp ứng yêu cầu cấp thiết từ cuộc sống, Đảng ta đề ra các chỉ tiêu cao hơn, tốt hơn liên quan sức dân trong thời gian tới như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở mức 2 con số (10%/năm); thu nhập bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 8.400 USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 8,5%/năm; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,75; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi (tối thiểu 68 năm sống khoẻ mạnh); cơ bản xoá hộ nghèo (đa chiều) vào năm 2030(3).
Tiếp nối quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc nghị quyết của Đảng cần biến thành của cải vật chất cho nhân dân. Thời gian qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những chỉ đạo quyết liệt, hợp lòng dân về định hướng phát triển con người mới hướng tới năm 2045. Quyết tâm hiện thực hoá chủ trương không để ai bị bỏ lại phía sau và càng không để đất nước “tụt hậu” thông qua chỉ đạo hàng loạt các giải pháp căn cơ, đột phá. Tiêu biểu như: Phát động phong trào “Bình dân học vụ số”; thúc đẩy sớm thực hiện chủ trương miễn học phí cho học sinh phổ thông công lập (từ tháng 9/2025 trở đi); định hướng chú trọng phát triển y tế, tiến tới miễn viện phí cho tất cả người dân; “thần tốc” trong xoá nhà tạm, nhà dột nát; khuyến khích “Người người, nhà nhà ai cũng hăng say lao động”, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thành lập các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, không để chậm chân, không để mất cơ hội với “tiền kỹ thuật số, tài sản ảo”, luôn đồng hành để lo với nỗi lo của doanh nghiệp nước nhà.
Song song với chăm lo để củng cố, bồi đắp sức dân tốt hơn, thực chất hơn; Đảng và Nhà nước cần có cơ chế phát huy cao nhất, toàn diện để quy tụ sức dân trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới; để tạo nên sức mạnh “vạn năng” nhằm thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, nhất là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; quyết sách đột phá về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Nắm vững quan điểm “Dân là gốc” - một trong những bài học kinh nghiệm mang tầm lý luận được đúc rút qua 40 năm đổi mới; đồng thời nhìn ra sức dân còn “mỏng”, người đứng đầu Đảng ta chỉ ra những hạn chế trong công tác “bồi dưỡng” sức dân để Đảng ta đề ra các định hướng chiến lược, giải pháp căn cơ nâng cao chất lượng sức dân hiện nay; đó là cách tốt nhất đập tan những mưu đồ đen tối, hành vi sai trái của các thế lực thù địch, phản động. Đây cũng là kinh nghiệm quý để Đảng ta bổ sung đường lối nhân dân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giúp cho “gốc vững, cây bền” - xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân.
--------------------
Tài liệu trích dẫn
(1) Bài viết Tương lai cho thế hệ vươn mình, ngày 25/3/2025 của Tổng Bí thư Tô Lâm.
(2), (3) Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng (tài liệu sử dụng tại Đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở) trang 11, trang 19.