Lịch sử vùng đất Kim Sơn vốn là vũng bãi sa bồi với hệ thống kênh rạch chằng chịt, cũng nhờ đó mà giao thương hàng hóa giữa các vùng khá thuận lợi. Trong suốt một thời kỳ dài thuyền bè chính là phương tiện giao thông quan trọng gắn bó với người dân. Từ thực tế sinh hoạt ấy, con thuyền đã đi vào hoạt động lễ hội của người dân, hội thi bơi chải cũng ra đời từ ấy. Việc tổ chức môn đua thuyền tập thể trước đây thường được tổ chức vào các dịp lễ hội: hội mùa, hội xuân, ngày giỗ của vị Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ...
Ngày nay môn bơi chải vẫn được các xã trong huyện duy trì, tuy nhiên hội thi bơi chải thường chỉ diễn ra vào dịp đầu xuân mới, dịp Quốc khánh 2/9 và các dịp lễ trọng do huyện, xã tổ chức. Hội thi bơi chải truyền thống tại Kim Sơn hiện nay là môn bơi chải nam với nhiều thuyền đua, mỗi thuyền đua thường đại diện cho một xã và có 10 tay chèo, cộng thêm một người lái, một người gõ mõ chỉ huy bắt nhịp cho thuyền đua. Đường đua thường chọn một quãng sông, hai bên bờ phong quang, thoáng rộng, nước êm. Các thuyền sẽ thi chèo nhanh tính giờ tại một quãng sông cố định, với nhiều vòng đua. Đội về nhất là đội thực hiện hết các vòng đua với tổng thời gian ngắn nhất. Đội đua thông thường chọn các trai tráng khỏe mạnh, thạo nghề sông nước. Vào những ngày xuân, khi hội thi bơi chải mở bao giờ người dân cũng nô nức đi xem, đứng chật hai bên bờ sông. Lúc các tay chèo vào cuộc đua cũng là lúc khán giả hò reo cổ vũ không khí cực kỳ náo nhiệt, ít có môn thể thao nào gợi không khí lễ hội sôi động như bơi chải.
Nhiều xã có đội bơi chải mạnh như Quang Thiện, Văn Hải, Kim Tân... Các tay chèo của họ là những tay thiện nghệ với nghề sông nước, nên thường chiếm thế thượng phong ở các mùa hội. Bơi chải là môn thể thao truyền thống vốn ra đời từ trong lao động của người dân, do đó nó vừa mang nét khỏe khoắn, khoáng đạt của nghề mưu sinh sông nước, lại vừa thể hiện sự khéo léo, bền bỉ, tính đoàn kết của lao động nông nghiệp thuở sơ khai. Dự hội bơi chải với những người dân Kim Sơn không chỉ được hòa mình vào không khí sôi động của một môn thể thao mang tính tập thể cao mà sâu sa hơn đó là sự trở về từ trong tiềm thức của cả một cộng đồng người. Những người dân Kim Sơn hôm nay chính là những con cháu của lớp lưu dân xưa, theo chân Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ từ khắp nơi tụ về, mang theo khát vọng đổi đời ấm no ở một vùng đất mở. Sự trân trọng với môn thể thao chính là thái độ ứng xử với quá khứ, với những di sản mà cha ông họ đã trao truyền lại.
Với những người dân xa quê, được về quê ăn Tết, được đắm mình trong không khí lễ hội của hội thi bơi chải bao giờ cũng là những kỷ niệm khó quên, giúp những người con ly hương thêm tự hào về một nét văn hóa truyền thống của quê hương Kim Sơn.
Mai Phương