Về dự hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm; lãnh đạo Sở Y tế; đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố.
Năm 2011 công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nói riêng, kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung được triển khai đồng bộ, chú trọng việc hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý theo kế hoạch đề ra. Năm qua, cả nước có 634.093 cơ sở thực phẩm được thanh, kiểm tra, trong đó phát hiện 141.163 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 22,26%, đã xử phạt 34.807 cơ sở. Cũng trong năm 2011, cả nước đã xảy ra 148 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.700 người mắc, 3.663 người đi viện, 27 người chết... Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn những tồn tại: ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn ở khu công nghiệp chưa giảm, việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào còn gặp khó khăn, chưa chủ động quản lý được nguy cơ ô nhiễm theo chuỗi cung cấp thực phẩm; công tác thanh, kiểm tra được đẩy mạnh nhưng việc xử lý vi phạm còn nương nhẹ ở tuyến huyện, tuyến xã; vi phạm về quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng diễn ra khá phổ biến...
Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2012 được Bộ Y tế thống nhất tập trung vào các nội dung: Nâng cao năng lực quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm với tỷ lệ 80% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu; Đẩy mạnh công tác thông tin,giáo dục truyền thông đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm với tỷ lệ người hiểu đúng và được cập nhật kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm: 65% người sản xuất, 70% người kinh doanh, 70% người tiêu dùng, 86% người quản lý, lãnh đạo; Tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Thực hiện tốt việc phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm...
Bùi Diệu