Theo đại diện một số trường Mầm non trên địa bàn thành phố Ninh Bình, việc bổ sung sữa cho trẻ em là rất cần thiết, đảm bảo đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Cô giáo Vũ Thị Chung, Phó hiệu trưởng trường Mầm non Nam Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết, hiện nhà trường thực hiện bổ sung sữa cho trẻ bằng các bữa phụ trong các buổi học bán trú. Theo đó, ngoài các bữa ăn chính, trong khẩu phần ăn hàng ngày, nhà trường bổ sung thêm một lượng sữa bột pha hoặc sữa chua cho trẻ. Nhà trường mong muốn Chương trình Sữa học đường được triển khai, giúp nhà trường và các bậc phụ huynh lựa chọn được nguồn sữa phù hợp, chất lượng, đảm bảo ATTP.
Trước tình trạng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Chương trình Sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Đối với tỉnh Ninh Bình, thực hiện Quyết định 1340, ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 08, ngày 13/2/2017 về triển khai Chương trình Sữa học đường tỉnh Ninh Bình đến năm 2020.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em tỉnh Ninh Bình, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 được đặt ra là: 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng; 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học thuộc các xã nghèo trên địa bàn tỉnh được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường; ít nhất 30% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,3%/năm; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,35%/năm.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được uống sữa tại các trường Mầm non, Tiểu học không cao và không đồng đều. Tỉnh Ninh Bình đang xây dựng và hoàn thành Đề án Sữa học đường trước năm 2020, với mục đích cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học.
Để thực hiện được Chương trình Sữa học đường cần phải có nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước, sự góp sức của doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và của chính cha mẹ, các bậc phụ huynh học sinh.
Bởi Chương trình Sữa học đường không chỉ có ý nghĩa nhân văn và xã hội to lớn đối với sự phát triển của trẻ, mà còn giúp giảm bớt những gánh nặng về tài chính đối với gia đình và xã hội, đem lại sự bình đẳng cho các em trong việc tiếp cận quyền lợi được nêu trong Công ước Quyền trẻ em, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Việt Nam và quốc tế.
Hạnh Chi