Thời gian qua, Bộ NN&PTNT và các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến về ATTP; xây dựng được một số mô hình chuỗi nông lâm thủy sản an toàn; tổ chức triển khai giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm các sự cố ATTP theo quy định của pháp luật. Kết quả giám sát diện rộng cho thấy tỷ lệ mẫu giám sát thực phẩm chủ lực vi phạm ATTP đã giảm.
Tuy nhiên, sự chuyển biến chưa rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu của người dân và sự phát triển của ngành. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại C còn cao; tỷ lệ mẫu nông sản, thủy sản giám sát không đạt ATTP ở mức cao so với các nước phát triển. Kết quả giám sát diện rộng cho thấy tỷ lệ mẫu rau, thịt, thủy sản còn tồn dư vượt ngưỡng giới hạn cho phép tương ứng là 5,43%, 6,8%, 1,21%.
Tại tỉnh Ninh Bình, năm 2014, công tác quản lý ATTP nông nghiệp đã được quan tâm chỉ đạo tích cực. Các lực lượng chức năng đã thực hiện giám sát ATTP nông sản, thủy sản trên diện rộng đối với các sản phẩm tiêu thụ, nguy cơ cao. Tại tuyến tỉnh, số lượt cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN và nông, lâm, thủy sản được kiểm tra là gần 600 lượt, đã phát hiện và xử lý 6 cơ sở với số tiền phạt 26,5 triệu đồng…Nhiều mô hình điểm ATTP trong nông lâm thủy sản được triển khai có hiệu quả như: ứng dụng quy phạm nuôi tốt GAqP, có trách nhiệm trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Kim Hải, Kim Sơn; sản xuất rau an toàn tại Gia Phú, Gia Viễn...
Theo ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, hiện nay vẫn xảy ra tình trạng lạm dụng các chất cấm, dư lượng kháng sinh không có trong danh mục cho phép… Nguyên nhân là do một số cơ chế, chính sách chưa sát thực tiễn, chưa đủ khuyến khích, tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm an toàn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: năm 2015, Bộ NN&PTNT xác định là năm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu tạo chuyển biến rõ nét về đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản qua đó đáp ứng mong đợi của nhân dân cũng như góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản.
Bộ trưởng đề nghị trên cơ sở kế hoạch hành động của Bộ, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện bài bản, hiệu quả. Tập trung vào 3 nhóm giải pháp.
Một là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi có kiểm soát, truy suất nguồn gốc tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Hai là tăng cường lấy mẫu giám sát theo phương pháp mới của quốc tế, chuyển từ giám sát "đơn chất" sang "đa dư lượng" tức là 1 mẫu giám sát có thể phát hiện nhiều loại dư lượng có nguy cơ mất an toàn trên nông sản, nhất là trên những loại nông sản có nguy cơ cao như: rau, thịt.
Ba là tập trung rà soát, điều chỉnh phân công, phân cấp trong việc kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành về ATTP nông, lâm, thủy sản giữa các đơn vị thuộc Bộ, giữa Trung ương và địa phương đồng thời tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, đầu tư thêm trang thiết bị để hệ thống quản lý hoạt động có hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất mùi 2015, các địa phương cần cử cán bộ xuống đồng ruộng, về các hộ chăn nuôi hướng dẫn nông dân sử dụng các biện pháp theo quy trình VietGap; tăng cường lấy mẫu các cơ sở buôn bán, kinh doanh sản phẩm gia cầm...góp phần đảm bảo cho nhân dân vui xuân đón tết an toàn.
Nguyễn Lựu-Minh Đường