Cầu ngói Phát Diệm được xây dựng từ năm 1902, nằm bắc qua cầu sông Ân. Cây cầu mang kiến trúc độc đáo của khu vực Bắc Bộ và được xây theo kiểu Thượng Gia Hạ Kiều (tức trên là nhà, dưới là cầu).
Cây cầu có dáng cong cầu vồng, bên trên lợp ngói, hai bên là hai hàng cột gỗ và những song gỗ lim làm lan can rất chắc chắn. Cầu có 3 nhịp, mỗi nhịp có 4 gian. Các gian nhà trên cầu được bố trí rất thoáng. Cột, kèo, vì, khóa gian, dui, mè... đều được làm bằng gỗ lim. Chiều dài của cây cầu này là 36m, chiều rộng là 3m. Đây cũng là cây cầu ngói có chiều dài nhất so với những cây cầu ngói ở Nam Định, Huế, Quảng Nam, Hà Nội…
Hai đầu cầu ngói Phát Diệm được xây dựng giống hình ngôi đình làng, ở mỗi bên là các bậc tam cấp, chỉ người đi bộ mới qua được cầu. Trên cầu là mái che cầu phong li tô, lợp ngói. Đặc biệt, cây cầu này không chỉ có chức năng giao thông, mà nó còn vừa là một mái đình cổ kính, là điểm dừng chân tránh mưa nắng, là nơi hẹn hò, trò chuyện tâm tình.
Được biết, xưa kia cây cầu được xây dựng nhằm tạo thuận lợi cho những người giáo dân ở bên kia sông có thể đi lễ ở nhà thờ Đá Phát Diệm. Cầu ngói Phát Diệm có dáng vẻ nhẹ nhàng và thanh thoát, thể hiện tài năng sáng tạo đặc biệt của người dân công giáo. Đây được đánh giá là cây cầu hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam.
Trải qua thời gian dài, cầu ngói Phát Diệm vẫn giữ nguyên được dáng cổ xưa kia. Sau nhiều lần được tu sửa hiện thân cầu đã được thay thế các cây gỗ to lớn bằng trụ bê tông cốt thép và các xà thép tạo nên sự vững chắc.
Với giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật cao, cầu ngói Phát Diệm đã từng được chọn làm hình ảnh để in trên tem bưu chính viễn thông của Việt Nam. Cùng với Nhà thờ đá Phát Diệm, cầu ngói này cũng trở thành biểu tượng và niềm tự hào của người dân nơi đây. Hy vọng cùng với sự trường tồn của đất nước, cây cầu sẽ còn mãi với thời gian.
Nguyễn Thủy (Tổng hợp)