Công ty cổ phần may Vạn Xuân, thị trấn Thiên Tôn (huyện Hoa Lư) là một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc thực hiện giao dịch điện tử BHXH. Công ty hiện có gần 400 lao động, trong đó trên 90% lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Trước đây, hàng tháng, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự của Công ty mất khá nhiều thời gian cho việc thực hiện các chế độ chi trả, điều chuyển về bảo hiểm xã hội cho người lao động. Từ khi triển khai giao dịch bằng điện tử đã tạo điều kiện về thời gian, chi phí cho Công ty, đặc biệt người phụ trách có thể thực hiện giao dịch này vào tất cả các ngày trong tuần.
Chị Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng tổ chức nhân sự Công ty cổ phần may Vạn Xuân cho biết: Trước đây, khi chưa thực hiện giao dịch điện tử, mỗi tháng tôi phải mất 3-4 lần lên cơ quan BHXH huyện để giải quyết công việc, bởi đặc thù của doanh nghiệp may là luôn có biến động về số công nhân cũng như các chế độ ốm đau, thai sản. Từ khi đăng ký và triển khai thực hiện phần mềm giao dịch điện tử tại máy tính Công ty, việc đi lại để giao dịch với cơ quan BHXH huyện mất ít thời gian hơn, bởi những thay đổi trong số lượng người lao động, các chế độ, chính sách BHXH, BHYT và BHTN liên quan đến công nhân trong Công ty đều được cập nhật hàng ngày, chính xác và đơn giản chỉ bằng cái kích chuột để điền các thông tin cần thiết vào các bảng biểu là xong. "Không chỉ tiết kiệm thời gian vì không phải chờ đợi, đi lại nhiều lần, chúng tôi còn tiết kiệm được cả chi phí về in ấn bảng biểu, các thông tin về đối tượng cần thay đổi…" - chị Huệ chia sẻ.
Theo ông Lê Thiện Xuyến, Giám đốc BHXH huyện Hoa Lư, nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, triển khai công việc của ngành, những năm gần đây, BHXH huyện đã có sự quan tâm đặc biệt đối với công tác này. Đặc biệt, khi thực hiện Quyết định 08, ngày 9-3-2015 của Chính phủ về việc thí điểm giao dịch điện tử trong thực hiện cải cách thủ tục hồ sơ tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHXH huyện Hoa Lư đã triển khai nhiều giải pháp để giúp các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử. Theo đó, thực hiện văn bản chỉ đạo của BHXH tỉnh về thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử và lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ phần mềm giao dịch điện tử, BHXH huyện đã tích cực triển khai, đôn đốc, vận động, giải thích, mời gọi đơn vị đăng ký tham gia giao dịch điện tử. Cùng với đó, chủ động làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ IVAN để họ có những chính sách khuyến mãi, miễn phí trong thời gian đầu, có chính sách giá hợp lý theo từng đặc thù đơn vị, cam kết thực hiện tốt việc chăm sóc khách hàng. Đồng thời phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm đến các tổ chức, cá nhân, đơn vị sự nghiệp để nắm bắt thực hiện.
Toàn huyện Hoa Lư hiện có 151 đơn vị sử dụng lao động, bao gồm các đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp. Khi mới đi vào triển khai thực hiện Quyết định 08, hết năm 2015, toàn huyện mới có 41/150 đơn vị sử dụng lao động tham gia giao dịch hồ sơ điện tử, đạt 27%; còn lại các đơn vị sử dụng lao động không nhiệt tình tham gia, thậm chí có đơn vị còn cho rằng việc giao dịch điện tử là không khả thi và khó thực hiện. Trước khó khăn đó, BHXH huyện Hoa Lư đã cử cán bộ chuyên quản xuống các đơn vị sử dụng lao động tuyên truyền hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ CNTT.
Từ đó, các đơn vị sử dụng lao động nhận thấy việc giao dịch hồ sơ điện tử là cần thiết, thuận lợi và dễ thực hiện. Thay vì phải kê khai bằng giấy, đơn vị sử dụng lao động không phải đi lại nhiều lần đến cơ quan BHXH chờ đợi trình nộp; người sử dụng lao động có thể thực hiện trong hoặc ngoài giờ hành chính, làm tại văn phòng hoặc gia đình nên rất chủ động, thuận tiện; chỉ cần một chiếc máy tính nối mạng là có thể thực hiện mọi giao dịch về BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời nhận được kết quả từ cơ quan BHXH trên các biểu mẫu sẵn có trong phần mềm, giúp các đơn vị sử dụng lao động và cơ quan BHXH giảm chi phí giấy tờ, thời gian đi lại và tránh phiền hà, đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 141/150 đơn vị thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, đạt tỷ lệ 94%, còn lại 9 đơn vị chưa thực hiện hình thức này là do chưa trang bị máy vi tính và có quá ít số lao động (từ 2-3 lao động).
Đặc biệt, từ khi áp dụng giao dịch điện tử trong kê khai các thủ tục lĩnh vực BHXH bao gồm BHXH, BHYT, BHTN, bộ phận một cửa tại đơn vị đã giảm tải nhiều áp lực. Hiện nay, chỉ còn những trường hợp người lao động đến giải quyết các chế độ, chính sách, cấp đổi sổ BHXH, thẻ BHYT; trường hợp đơn vị sử dụng lao động đến kê khai, thực hiện các thủ tục BHXH rất ít. Việc áp dụng giao dịch điện tử đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các đơn vị hành chính, sự nghiệp, đồng thời cũng giảm tải áp lực, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân của BHXH huyện.
Với việc chú trọng nâng cao nhận thức, chủ động ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn, trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác CNTT nói chung, giao dịch hồ sơ điện tử nói riêng, BHXH huyện Hoa Lư tiếp tục vận động các đơn vị sử dụng lao động đầu tư thiết bị đồng bộ để tăng cường các điều kiện hoạt động về CNTT; phối hợp tổ chức bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong toàn ngành…, từng bước đưa CNTT thành cầu nối quan trọng trong việc trao đổi thông tin, xử lý công việc và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Bài, ảnh: Hạnh Chi