Trong 2 tháng liên tiếp, bà Trần Thị Xuyến, 79 tuổi ở thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) đã duy trì sự sống nhờ những giọt máu hiến tặng của các tình nguyện viên. Bà Xuyến cho biết: Tôi bị bệnh suy tủy, sức khỏe yếu, thường xuyên thiếu máu phải vào viện truyền máu. Nhờ nguồn máu của Bệnh viện, tôi có sức khỏe ổn định hơn.
Còn đối với bệnh nhân Nguyễn Thị Minh, 37 tuổi ở xã Phú Long (Nho Quan) thì 37 năm nay chị sống nhờ từ nguồn máu tình nguyện. Chị Minh xúc động cho biết: Với những người bệnh thiếu máu bẩm sinh như tôi thì nguồn máu tình nguyện chứa đậm nghĩa tình, duy trì sự sống cho tôi. Mỗi năm tôi thường phải vào viện nhiều lần, mỗi đợt điều trị mất 2 tuần bệnh mới thuyên giảm. Đợt điều trị này tôi được truyền 4 đơn vị máu. Hiện nay sức khỏe tôi đã dần hồi phục, đang được các bác sỹ Khoa Nội tổng hợp tiếp tục điều trị bổ sung thiếu sắt là tôi được ra viện.
Không chỉ là nơi tiếp nhận, điều phối sử dụng máu mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền hiến máu tình nguyện trực tiếp từ người nhà bệnh nhân và cán bộ, y, bác sỹ bệnh viện.
Là bác sỹ trẻ mới vào nghề hơn 2 năm nhưng nghĩa tình ấm áp mà bác sỹ Phan Văn Dũng, Khoa Nội tổng hợp luôn dành cho bệnh nhân của mình là những giọt máu hồng khi bệnh nhân cần. Bác sỹ Phan Văn Dũng cho biết: Đến nay, tôi đã 8 lần hiến máu. Lần đầu tiên tôi tham gia hiến máu khi đang học năm thứ 2 Đại học Y Thái Bình. Trong trường đại học, tôi đã tham gia hiến máu 4 lần. Đến khi ra trường công tác, tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân nặng, tôi càng thấy trách nhiệm của mình với người bệnh, sẵn sàng hiến máu cứu bệnh nhân khi cần thiết.
Là nơi thường xuyên có nhu cầu về máu để cứu người, trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Ban vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, các tình nguyện viên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cơ bản có đủ máu để cấp cứu, điều trị cho người bệnh.
Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trước năm 2010, Bệnh viện thường xuyên thiếu máu trong điều trị, cấp cứu bệnh nhân do nguồn hiến máu tình nguyện chưa phát triển sâu rộng, chủ yếu phụ thuộc vào những người hiến máu chuyên nghiệp nên số lượng máu hạn chế, chất lượng máu không cao, không đáp ứng kịp thời cho cấp cứu.
Từ năm 2010, khi Hội Chữ thập đỏ phát động phong trào hiến máu tình nguyện thì phong trào được đẩy mạnh, góp phần từng bước giảm tình trạng thiếu máu. Từ năm 2015-2017, Bệnh viện đã tiếp nhận 5.876 đơn vị máu, quy đổi ra số lít máu toàn phần 1.513,7 lít. Riêng năm 2017, Bệnh viện tiếp nhận gần 8.000 đơn vị máu phục vụ người bệnh cần máu. Trong quý I/2018, Bệnh viện đã tiếp nhận 1.000 đơn vị máu.
Để phát huy tối đa nguồn máu tiếp nhận, Bệnh viện đã cải tiến quy trình lấy máu đảm bảo an toàn, hiệu quả, giúp người hiến máu tin tưởng, yên tâm khi đi hiến máu. Hàng năm, Bệnh viện quan tâm đầu tư máy hiện đại trong công tác bảo quản máu.
Năm 2017, Bệnh viện đã đầu tư máy móc hiện đại như 2 tủ âm sâu để bảo quản huyết tương đông lạnh, 1 tủ lạnh bảo quản máu. Đến nay, Khoa huyết học của Bệnh viện đã được trang bị 5 tủ lạnh trữ máu và 4 tủ âm sâu để trữ huyết tương, 1 máy ly tâm lạnh để tách các chế phẩm của máu và 2 máy lắc tiểu cầu để bảo quản tiểu cầu. Nhờ có máy móc hiện đại, Khoa huyết học đã thực hiện được việc tách máu từ 1 đơn vị toàn phần tách được khối hồng cầu, khối tiểu cầu huyết tương để đáp ứng nhu cầu từng loại bệnh cũng như tiết kiệm nguồn máu được tiếp nhận từ Ban vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, đồng thời giúp Bệnh viện chủ động được nguồn máu để sử dụng cho người bệnh.
Năm 2018, Bệnh viện dự kiến nhu cầu sử dụng máu và chế phẩm máu khoảng 8.000 đơn vị khối hồng cầu, 300 đơn vị khối tiểu cầu từ máu toàn phần, 3.000 đơn vị huyết tương và Bệnh viện sẽ triển khai quản lý các bệnh lý về máu. Dự kiến lượng máu tiếp nhận từ Ban vận động hiến máu tình nguyện tỉnh năm 2018 khoảng 2.500 đơn vị máu.
Như vậy, so với nhu cầu sử dụng máu tại Bệnh viện thì ngoài nguồn máu tiếp nhận từ Ban vận động hiến máu tình nguyện tỉnh (cơ bản đáp ứng đủ về nhu cầu sử dụng huyết tương trong điều trị bệnh, còn nhu cầu sử dụng khối tiểu cầu, khối hồng cầu và máu toàn phần tại Bệnh viện vẫn thiếu nhiều), hàng năm Bệnh viện vẫn phải mua máu từ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương với số đơn vị máu lớn. Do đó, để có đủ nguồn máu cho cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, Bệnh viện mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa từ Ban vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, cần nhiều hơn nữa những tấm lòng nhân đạo từ cộng đồng, giúp nhiều người bệnh thiếu máu được điều trị, cấp cứu kịp thời, đảm bảo sức khỏe, duy trì sự sống.
Bài, ảnh: Hồng Vân