Là đơn vị y tế đi đầu tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nhận được sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu về hoạt động chuyên môn. Đây cũng là bệnh viện vệ tinh của các Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Viện K, Viện tim mạch Quốc gia, tạo cơ hội lớn cho phát triển chuyên môn của bệnh viện do có sự hỗ trợ của các bác sỹ có trình độ cao của tuyến trên theo Đề án 1816 của Bộ Y tế. 2 năm qua, Khoa tim mạch đã ứng dụng thành công nhiều tiến bộ khoa học trong chẩn đoán và điều trị, giúp cho người dân trên địa bàn được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao một cách thuận lợi, tiết kiệm, không phải đi lên tuyến trên.
Bác sỹ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng khoa Tim mạch cho biết: Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Viện tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai... theo chương trình Bệnh viện vệ tinh, Khoa tim mạch đã tiến hành gần 400 thủ thuật, gần 200 ca can thiệp và trên 200 ca chụp chẩn đoán tim mạch, trong đó có những kỹ thuật chuyên ngành tim mạch khó như: chụp, nong, đặt stent mạch vành; siêu âm Doppler tim; cấp cứu tim mạch, điều trị bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim... với kết quả đạt được khả quan.
Được biết, phát triển các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị, tiếp tục cử cán bộ đi đào tạo các chuyên khoa sâu là một trong những giải pháp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong khuôn khổ bệnh viện vệ tinh, năm 2015, Bệnh viện đã phát triển được 20 kỹ thuật mới, trong đó có 7 kỹ thuật lâm sàng và 13 kỹ thuật cận lâm sàng.
Bên cạnh đó tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng, tăng cường công tác hợp tác quốc tế, công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến huyện.
Qua đó góp phần nâng cao năng lực cho các bác sỹ của bệnh viện, điều trị thành công nhiều ca bệnh khó, giảm đáng kể tỷ lệ người bệnh phải chuyển tuyến trên. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân được đảm bảo quyền lợi trong khám, chữa bệnh nói riêng, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nói chung.
Cùng với chuyển giao và ứng dụng thành công những kỹ thuật mới, tiên tiến. Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình cũng đã đầu tư nhiều trang thiết bị máy móc mới, hiện đại giúp chẩn đoán và điều trị tốt nhất cho người bệnh. Như máy xét nghiệm đo tải lượng virus Cobas AmpiPep, đây là thiết bị hàng đầu thế giới về thương hiệu xét nghiệm với chất lượng chính xác, có khả năng đo tải lượng virus, xác định genotype của virus viêm gan B, C, đột biến gen gây xơ gan, gây ung thư, đột biến kháng thuốc…
Nếu như trước đây, theo số liệu của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, mỗi năm Ninh Bình có trên 800 người bệnh điều trị viêm gan B, C tại Bệnh viện Nhiệt đới với tổng chi phí mỗi ca là 50 triệu đồng (tương ứng 40 tỷ đồng). Lý do, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa có máy định lượng vi rút viêm gan B, người dân trong tỉnh phải lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để khám và điều trị.
Từ khi kỹ thuật này triển khai áp dụng (từ tháng 12-2015) đến nay, tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình đã thực hiện được khoảng 200 ca, mỗi ca xét nghiệm có chi phí 1 triệu đồng; được BHYT chi trả theo mức độ thẻ.
Cùng với việc đưa dịch vụ y tế đến gần người dân; để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, Bệnh viện cũng đã không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp; chú trọng đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, từng bước đổi mới quy trình khám, chữa bệnh, rút ngắn xuống còn 6 bước; hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý khám, chữa bệnh; cải tiến, đổi mới quy trình khám, chữa bệnh; quản lý người bệnh bảo hiểm y tế qua mã vạch… tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện thông qua bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, điều chỉnh khung giá dịch vụ y tế theo Quyết định số 1313/QĐ- BYT ngày 22-4-2013 của Bộ Y tế về "Hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện".
Cải tiến hệ thống đánh số buồng bệnh, các khoa điều trị theo trật tự thống nhất để người bệnh thuận tiện trong việc đi lại, tìm nơi điều trị.
Việc thực hiện Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Bệnh viện theo Thông tư số 07/2014/TT-BYT được chú trọng triển khai nghiêm túc.
Bệnh viện đã tuyên truyền, phổ biến quy tắc ứng xử đến với cán bộ, nhân viên, tổ chức ký cam kết thực hiện giữa các khoa, phòng, giữa tập thể với cá nhân, thiết lập "đường dây nóng", hòm thư góp ý tại các khoa, phòng để sẵn sàng tiếp nhận những góp ý, phản hồi của người bệnh về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, nhân viên bệnh viện.
Hàng năm, Bệnh viện tổ chức các hội thi để kiểm tra tay nghề, việc giao tiếp, ứng xử với các tình huống của đội ngũ nhân viên y tế…
Đồng thời tăng cường việc củng cố an ninh trật tự khu vực các khoa, phòng; tăng cường thêm các buồng khám, bác sỹ khám giúp cho lượng người bệnh được khám trong cùng thời điểm, khắc phục được tình trạng phải chờ đợi lâu. Tăng cường công tác nắm bắt tình hình người bệnh của các bác sỹ, điều dưỡng trực tiếp khám và điều trị cho người bệnh.
Thành lập đội thanh niên tình nguyện "Tiếp sức người bệnh" nhằm giúp đỡ bệnh nhân, nhất là bệnh nhân cao tuổi, bệnh nặng, hiểm nghèo… khi đi làm các thủ tục để khám, chữa bệnh, hướng dẫn tìm khoa, phòng, thăm hỏi, động viên người bệnh…
Qua đó, Bệnh viện đã nhận được rất nhiều thư khen và góp ý tích cực từ phía người bệnh và người nhà người bệnh, cả về thái độ ứng xử và chuyên môn. Theo khảo sát từ tổ công tác xã hội, năm 2015, có đến 98% người bệnh đánh giá rất hài lòng và hài lòng đối với đội ngũ y, bác sỹ và người lao động làm việc tại Bệnh viện.
Với những cải tiến, đổi mới về quy trình khám, chữa bệnh, về chuyên môn cùng với những nỗ lực và trách nhiệm vì người bệnh của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã góp phần củng cố niềm tin và sự hài lòng đối với người bệnh và là điều kiện tiên quyết để "giữ chân" người bệnh, giảm dần tình trạng bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến.
Bài, ảnh: Hạnh Chi