Vào Bệnh viện đa khoa tỉnh vào một ngày đầu tuần, khu vực nào của Khoa Khám bệnh và các Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm… cũng đông người đến khám, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để phục vụ cho việc chẩn đoán bệnh. Vẫn còn ấn tượng về cảnh chen chúc, chờ đợi ở khu vực lấy máu xét nghiệm mà cách đây vài năm tôi đã từng làm bệnh nhân nên tôi nhanh chân đến đây. Khác với hình dung ban đầu về nơi có số lượng người bệnh tập trung đông, thường bị quá tải, khu vực lấy máu xét nghiệm của Khoa Xét nghiệm đã thay đổi rất nhiều. Bệnh viện đã bố trí khu vực chờ với ghế ngồi, quạt mát, nước uống đầy đủ ở một phòng rộng rãi. Còn khu vực chính là nơi lấy mẫu máu, có tới 10 bàn với các nhân viên y tế phục vụ. Mỗi khi gọi tên, cả 10 bệnh nhân đều đến bàn lấy mẫu máu cùng một lúc, giảm sự chờ đợi rất nhiều so với trước… Trao đổi với kỹ thuật viên Phạm Thanh Phương, Khoa Xét nghiệm được biết: Riêng lĩnh vực lấy mẫu máu xét nghiệm thời gian trước thường quá tải bởi trung bình một ngày Khoa Xét nghiệm tiếp nhận từ 300- 500 trường hợp, ngày cao điểm lên tới 700- 800 lượt người trong khi chỉ có 6 bàn lấy mẫu máu. Khi đổi mới hoạt động tại đây, Bệnh viện đã bố trí 10 bàn, dành riêng một khu vực để người bệnh ngồi chờ đến lượt nên không khí làm việc tại đây giảm hẳn sự ồn ào, căng thẳng vì không còn tình trạng tranh cãi nhau, thắc mắc về việc người đến trước, đến sau. Ngay trong thực hiện quy trình chuyên môn, trước để phục vụ cho việc lấy mẫu máu phải có 2 nhân lực: một người lấy mẫu máu, một người đánh số, vào sổ thì nay chỉ cần 1 nhân lực vì việc lấy mẫu máu được đổi mới bằng việc dán mã cốt của từng bệnh nhân vào giấy xét nghiệm và lọ lấy mẫu máu nên qua hệ thống vi tính sẽ cho kết quả chuẩn xác theo đúng mã cốt đã dán cho từng bệnh nhân. Điều này vừa giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, vừa khắc phục được tình trạng nhầm lẫn, sai sót kết quả. Trao đổi với bác sỹ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện được biết thêm: Nhiều năm qua, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-BYT của Bộ Y tế về "Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế", Quyết định số 1313/QĐ- BYT ngày 22-4-2013 của Bộ Y tế về "hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện", Bệnh viện đa khoa tỉnh đã tích cực cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc rút số, xếp hàng tự động… nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám bệnh của nhân dân, giảm bớt quy trình khám, chữa bệnh xuống còn 7 bước. Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động khám, chữa bệnh của người dân, qua khảo sát của Bệnh viện, tại một số khoa, phòng như: Khoa Khám bệnh, Khoa Xét nghiệm, Khoa Chẩn đoán hình ảnh…là những khoa thường tập trung đông bệnh nhân, lại thường diễn ra vào buổi sáng nên thường gây quá tải, người bệnh vẫn phải chờ đợi lâu.
Trước thực trạng này, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, Bệnh viện đã quyết định tiếp tục cải tiến quy trình khám, chữa bệnh để nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ người bệnh. Lần cải tiến này, Bệnh viện tập trung vào các nội dung: Về quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT đi khám bệnh ngoại trú không đúng tuyến, trước kia không được hưởng BHYT, nay đã thống nhất với BHXH để người bệnh được hưởng 60%; Trước kia quy định bệnh nhân vào nhập viện phải tạm ứng một khoản tiền là 500.000 đồng, nay đã quy định lại đối với bệnh nhân BHYT đúng tuyến không phải tạm ứng tiền, giảm 1 khâu cho người bệnh khi phải đi ứng tiền rồi sau khi ra viện lại phải quay về thanh toán tiền ứng; Thống nhất với BHXH giao toàn bộ cho Bệnh viện đảm nhiệm khâu kiểm tra, giám định giữa thẻ BHYT và người đi khám bệnh để giảm 1 khâu cho người bệnh khi phải quay lại chờ bên BHXH kiểm tra, giám định trong khi ngay từ khâu đón tiếp, khám bệnh, cán bộ y tế đã thực hiện việc này; Cải tiến hệ thống đánh số buồng bệnh, các khoa điều trị theo trật tự thống nhất để người bệnh thuận tiện trong việc đi lại, tìm nơi điều trị; Tại Khoa xét nghiệm cài đặt hệ thống in, đăng ký chữ ký điện tử của bác sỹ nên giảm thời gian bệnh nhân chờ đợi, không phải trực tiếp đi lấy kết quả xét nghiệm. Đặc biệt, việc lấy mẫu máu rút ngắn thời gian chờ đợi, khắc phục tình trạng sai sót, nhầm lẫn…
Để việc cải tiến quy trình khám, chữa bệnh đạt hiệu quả, Bệnh viện còn chú trọng củng cố trật tự khu vực các khoa, phòng. Tăng cường công tác nắm bắt tình hình bệnh nhân của các bác sỹ, điều dưỡng trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân. Giao trách nhiệm cho các bác sỹ, điều dưỡng vào máy kịp thời, chính xác các dịch vụ mà bệnh nhân sử dụng để quản lý chặt chẽ, tránh nhầm lẫn, bỏ sót các dịch vụ đã áp dụng cho người bệnh. Bệnh viện đã giao cho phòng Quản lý chất lượng tiến hành khảo sát quy trình khám chữa bệnh để đảm bảo giảm bớt các bước trong khám, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Mặc dù mới thực hiện đổi mới quy trình được gần 3 tháng nay, quy trình khám, chữa bệnh tại Bệnh viện tiếp tục giảm thêm được 1 bước, còn 6 bước. Trong đó, một số kết quả đạt được rất khả quan, được người bệnh đón nhận phấn khởi như: khám lâm sàng chỉ sau 45 phút có kết quả; xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh sau 1 giờ có kết quả, thực hiện 3 xét nghiệm trước mất 3 giờ, nay giảm còn 2,5 giờ, việc lấy mẫu máu đến nay chỉ khoảng hơn 9 giờ sáng là hoàn thành…Góp phần vào thành công của việc cải tiến, đổi mới quy trình khám, chữa bệnh của Bệnh viện đa khoa tỉnh không thể không ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng và trách nhiệm vì người bệnh của nhiều cán bộ, nhân viên y tế. Do lượng bệnh nhân vào viện buổi sáng thường đông nên Bệnh viện đã động viên các bác sỹ tận dụng ngày nghỉ sau ca trực đêm hôm trước tiếp tục ở lại làm việc buổi sáng hôm sau để phục vụ người bệnh. Thực hiện điều này, Bệnh viện đã tăng thêm được các buồng khám có bác sỹ, phục vụ được nhiều bệnh nhân hơn trong cùng một thời điểm, khắc phục được tình trạng phải chờ đợi của người bệnh.
Theo các đồng chí lãnh đạo Bệnh viện, những cải tiến, đổi mới về quy trình khám, chữa bệnh vừa qua nhận được phản hồi tích cực của người bệnh và gia đình người bệnh. Chưa dừng lại ở đó, nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh và tạo thuận lợi hơn nữa cho nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, thời gian tới, Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành hoạt động khám, chữa bệnh trong toàn bệnh viện nhằm đem lại những lợi ích thiết thực cho cả bệnh viện, cán bộ y tế và người bệnh. Trong đó, Bệnh viện hướng tới mục tiêu thực hiện mỗi người bệnh khi vào viện có một mã bệnh nhân để từ khâu đón tiếp đến khi ra viện, người bệnh chỉ vào cửa nào, ra về cửa đó, không phải đi lại nhiều lần giữa các bộ phận, khu vực.
Phan Hiếu