Tại kỳ họp thứ 8, công tác xây dựng pháp luật liên quan tới việc thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013 là một trong những nội dung quan trọng. Theo đó, Quốc hội đã thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật khác. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp, hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo đảm an sinh xã hội, đổi mới giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, khoa học, công nghệ và môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Tại kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã nghe và thảo luận nhiều vấn đề quan trọng mang tính bản lề trước khi kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, tạo tiền đề cho việc hoàn thành kế hoạch năm 2015.
Trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Quốc hội đã chất vấn 4 Thành viên Chính phủ; Thủ tướng đã báo cáo, giải trình thêm về một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Quốc hội đã ra Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, yêu cầu các thành viên Chính phủ thực hiện có kết quả những cam kết, những điều đã hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước; đồng thời yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp tiếp tục có giải pháp tích cực giải quyết 3.729 ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp.
Bên cạnh đó, một trong những hoạt động thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước là Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn... Với ý thức trách nhiệm cao và sự chuẩn bị chu đáo, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác. Kết quả này sẽ giúp cho từng vị được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác. Đây cũng là một kinh nghiệm quý để HĐND các cấp tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu tại các địa phương trên toàn quốc trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ chương trình làm việc với những nội dung quan trọng và khối lượng công việc lớn. Quốc hội ghi nhận những kết quả tích cực đạt được trong năm 2014: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi; việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế đạt được những kết quả bước đầu quan trọng; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả; các mặt công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, công tác tư pháp, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng… được tích cực triển khai.
Các vị đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, đó là: nền kinh tế phục hồi chưa vững chắc, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng chậm, xử lý nợ xấu chậm, nợ công tăng nhanh, tổng cầu của nền kinh tế còn yếu, việc làm, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội, tội phạm, tai nạn giao thông, tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp và khá nghiêm trọng…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: năm 2015 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Quốc hội khóa XIII quyết định; đồng thời là năm triển khai xây dựng kế hoạch 5 năm 2016-2020 và tiến hành đại hội Đảng các cấp. Trong bối cảnh đó, Quốc hội xác định và yêu cầu thực hiện mục tiêu tổng quát của năm 2015 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; triển khai quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; nâng cao hiệu quả đầu tư công, bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Quốc hội yêu cầu Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các ngành, các cấp sớm xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quyết định của Quốc hội tại kỳ họp này. Đồng thời đề nghị các vị đại biểu Quốc hội dành thời gian kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri cả nước, đồng thời tiếp tục cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri và giám sát chặt chẽ việc giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật.
Mai Lan