Cùng với Tuyên bố Lima về kinh tế toàn cầu, Tuyên bố Một cam kết mới đối với sự phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương một lần nữa thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo APEC trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, cải cách tài chính, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, cũng như xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương an toàn và phát triển ngày càng bền vững.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC tập trung vào các vấn đề: cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hội nhập kinh tế khu vực, cải cách cơ cấu, an ninh lương thực, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, đấu tranh chống tham nhũng và chủ nghĩa khủng bố, giảm nguy cơ thiên tai và biến đổi khí hậu.
Các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay là một trong những thách thức kinh tế trầm trọng nhất mà khu vực phải đối mặt; đồng thời cam kết hành động nhanh chóng và kiên quyết nhằm giải quyết tình trạng trì trệ kinh tế toàn cầu, hoan nghênh các biện pháp thúc đẩy về tiền tệ và tài chính do các nền kinh tế thành viên APEC đưa ra.
Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố các thị trường tài chính trong khu vực APEC và hoan nghênh các hoạt động nâng cao năng lực, do các Bộ trưởng Tài chính khởi xướng nhằm cải cách các thị trường vốn. Các nhà lãnh đạo APEC hoan nghênh quan điểm và những công việc mà Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) thực hiện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời kêu gọi sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chương trình nghị sự về hội nhập kinh tế khu vực. Tuyên bố đánh giá cao những tiến bộ của các nền kinh tế thành viên hướng tới Mục tiêu Bogor về thương mại, đầu tư mở và tự do tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thông qua Chương trình hành động dài hạn về hội nhập khu vực, trong đó ghi nhận việc hoàn thành 15 điều khoản mẫu về các Hiệp định Thương mại tự do (FTA); cam kết triển khai hiệu quả Kế hoạch thuận lợi hóa thương mại về cắt giảm 5% chi phí giao dịch từ nay đến năm 2010; xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động thuận lợi hóa đầu tư; thúc đẩy cải cách cơ cấu; và tăng cường hợp tác tài chính. Các nhà lãnh đạo cho rằng Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) có thể là triển vọng dài hạn của APEC, đồng thời ủng hộ việc kết thúc nhanh chóng và cân bằng Chương trình nghị sự phát triển Doha của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Các nhà lãnh đạo APEC bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc giá lương thực toàn cầu tăng cao, cùng với tình trạng thiếu lương thực tại một số nước đang phát triển đã tác động đến nỗ lực xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập thực tế trong thập niên qua. Vì vậy, các nhà lãnh đạo APEC đã nhất trí tăng cường hợp tác kỹ thuật và nâng cao năng lực hợp tác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp, bao gồm các nỗ lực phát triển sản xuất lương thực, đẩy mạnh giáo dục về nông nghiệp, quản lý tài nguyên thiên nhiên, tăng cường phát triển năng lượng sinh học thế hệ mới từ các nguyên liệu phi lương thực. Các nhà lãnh đạo APEC ủng hộ sự phối hợp trong ứng phó và có một chiến lược toàn diện nhằm giải quyết vấn đề này thông qua Khuôn khổ hành động toàn diện được Nhóm đặc trách của LHQ về khủng hoảng lương thực toàn cầu triển khai.
Về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh, khía cạnh này có thể tăng cường những tác động tích cực của thương mại và đầu tư đối với tăng trưởng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Vì vậy, APEC khuyến khích các phương thức kinh doanh minh bạch và có trách nhiệm, phù hợp luật lệ sở tại; khuyến khích các công ty đưa vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vào chiến lược kinh doanh để bảo đảm các hoạt động kinh doanh có tính tới những quan tâm về xã hội, lao động và môi trường.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC khẳng định tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự phát triển xã hội và kinh tế trong khu vực; cam kết thúc đẩy các nỗ lực tập thể trong cuộc chiến chống vấn nạn này. Tuyên bố nhấn mạnh, chủ nghĩa khủng bố quốc tế và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt là những nguy cơ đe dọa trực tiếp hòa bình và sự thịnh vượng của mỗi quốc gia; cam kết phối hợp hành động ngăn chặn những nguy cơ này. APEC ghi nhận vai trò của Chiến lược chống khủng bố toàn cầu của LHQ và nhấn mạnh sự cần thiết triển khai các biện pháp chống khủng bố của tổ chức này.
Tuyên bố cũng tái khẳng định cam kết của các nhà lãnh đạo APEC về nâng cao năng lực khu vực nhằm giảm thiểu những đe dọa về sức khỏe con người; hoan nghênh tiếp tục những nỗ lực nhằm bảo đảm các nền kinh tế thành viên chuẩn bị tốt để đối phó những đe dọa về sức khỏe theo hướng giảm thiểu tác động tiêu cực tới sức khỏe con người, thương mại và đầu tư.
Các nhà lãnh đạo APEC khẳng định, bảo vệ hoạt động kinh doanh và thương mại của khu vực trước những gián đoạn do tự nhiên, tai nạn hoặc hành động cố ý là những ưu tiên lâu dài của APEC và là yếu tố cần thiết trong chương trình thương mại và đầu tư của APEC.
Các nhà lãnh đạo APEC thông qua Chiến lược giảm thiểu nguy cơ thiên tai và sẵn sàng ứng phó tình trạng khẩn cấp của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các nguyên tắc của APEC về đối phó và hợp tác chống thiên tai; chỉ đạo xây dựng các dự án nâng cao năng lực dài hạn và ủng hộ việc đưa giáo dục về thiên tai vào chương trình dạy học ở những nơi cần thiết.
Các nhà lãnh đạo APEC cũng khẳng định lại cam kết đối với Tuyên bố Sidney về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch; ủng hộ những hành động quốc tế kiên quyết và hiệu quả để đối phó biến đổi khí hậu có tính tới những nguyên tắc của Hiệp định khung của LHQ về biến đổi khí hậu, phù hợp nguyên tắc trách nhiệm chung, nhưng có sự phân biệt và khả năng khác nhau.
Các nhà lãnh đạo APEC ủng hộ mạnh mẽ hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực giảm thiểu và thích nghi, bao gồm những hoạt động thúc đẩy phát triển và chuyển giao công nghệ phát thải thấp; hỗ trợ tài chính các nền kinh tế đang phát triển dễ tổn thương; cam kết phối hợp hành động theo tiến trình của LHQ và các tiến trình bổ sung tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu Copenhagen tháng 12-2009.
Các nhà lãnh đạo APEC bày tỏ ủng hộ hoàn toàn đối với Tuyên bố chung của các Bộ trưởng tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế APEC lần thứ 20; đồng thời hoan nghênh lời mời của Thủ tướng Singapore mời lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC tham dự Hội nghị cấp cao APEC 17 vào năm 2009 tại Singapore.
* Trong thời gian diễn ra Hội nghị APEC 16 tại Peru, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Murray McCully và Bộ trưởng Ngoại giao Canada Lawrence Cannon.
Phó Thủ tướng khẳng định chính sách của Việt Nam là luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với New Zealand, mong muốn hai nước tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, đặc biệt sau khi Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Australia - New Zealand được ký kết.
Phó Thủ tướng đề nghị New Zealand tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, giúp Việt Nam thực hiện chương trình phổ cập tiếng Anh cho thế hệ trẻ. Bộ trưởng Ngoại giao McCully khẳng định. Chính phủ mới của New Zealand mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục.
Bộ trưởng bày tỏ cảm thông sâu sắc trước những thiệt hại của nhân dân Hà Nội trong đợt mưa lũ vừa qua, thông báo Chính phủ New Zealand dành 500.000 USD giúp nhân dân Hà Nội thông qua Cơ quan viện trợ phát triển New Zealand.
Trong buổi tiếp xúc giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Ngoại giao Canada Cannon, hai bên bày tỏ vui mừng trước những kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Canada thời gian qua, cùng nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện, ổn định và lâu dài đặc biệt hướng tới kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đề nghị Canada tăng cường hỗ trợ và dành nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam. Bộ trưởng Cannon nhất trí ủng hộ việc tăng cường hợp tác giáo dục giữa hai nước.
Theo Nhandan