Dự lễ bế mạc có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại biểu nguyên thủ hoàng gia một số nước; Hòa Thượng Tiến sĩ Dhammaratana, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban tổ chức Quốc tế ICDV Vesak Liên hợp quốc; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Đại lễ Vesak 2014 tại Việt Nam; các vị chư tôn đức giáo phẩm đại diện cho Phật giáo các nước và các tông phái Phật giáo trên thế giới cùng các đại biểu đại diện tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Đại biểu tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Diễn văn bế mạc của Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Đại lễ Vesak 2014 tại Việt Nam nêu rõ, trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong sự đa dạng các truyền thống Phật giáo và văn hóa vì hòa bình cho nhân loại và sự phát triển bền vững, Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak năm 2014 đã thành công tốt đẹp. Chủ đề của Đại lễ Vesak 2014 "Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc" đã được Tổng thư ký Liên hợp quốc đặc biệt hoan nghênh.
Tại 5 chủ đề nhánh của hội thảo đã tập trung tìm ra nguyên nhân những mâu thuẫn, xung đột, sự phá vỡ môi trường sinh thái, đồng thời đưa ra giải pháp để giải quyết các vấn nạn toàn cầu theo tư tưởng từ bi, trí tuệ mà Đức Phật đã quyền trao, tôn trọng, tuân thủ công ước và luật pháp quốc tế. Đại lễ cũng đã đồng thuận tuyên bố chung cho sự phát triển của cộng đồng Phật giáo thế giới góp phần xây dựng hòa bình thế giới.
Phát biểu tại Lễ bế mạc, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Ngọn cờ nhân văn, hòa bình, hữu nghị và hợp tác của Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc đã được giương cao ở Hà Nội - thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2008 và lần này là tại Ninh Bình - cố đô, nơi mà từ hơn một ngàn năm trước, Phật giáo đã được các bậc minh quân phong kiến Việt Nam đề cao. Ở đó, các đại sư tài đức đã được Vua phong làm quốc sư để giúp đời hộ quốc, an dân. Tư tưởng cao quý của Đại lễ Vesak 2014 với chủ đề "Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc" đã được long trọng tuyên xưng trong hòa bình và trách nhiệm lớn lao.
Trong thời gian Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc diễn ra tại Chùa Bái Đính, trên khắp đất nước Việt Nam, hàng chục triệu Tăng Ni, Phật tử trong cả nước cùng tiến hành kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Phật Thích Ca theo truyền thống tín ngưỡng tôn giáo của mình, hưởng ứng Đại lễ Vesak trong tinh thần văn hóa quốc tế và hữu nghị của Liên hợp quốc. Ngày Phật đản Liên hợp quốc ở Việt Nam đã thực sự trở thành ngày hội văn hóa chan hòa tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, nêu cao thông điệp hòa bình, yêu thương trên nền tảng tư tưởng của Đức Phật - bậc minh triết được nhân loại suy tôn và ngưỡng mộ.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, đồng chí Phó Thủ tướng đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak 2014. Với những kết quả đạt được qua Đại lễ, Phó Thủ tướng tin tưởng sâu sắc rằng, những ý nguyện tốt đẹp của cộng đồng quốc tế được thảo luận, thống nhất thể hiện tại "Tuyên bố chung Vesak 2014" nhất định sẽ trở thành hiện thực. Qua Đại lễ mỗi người được tiếp nhận thêm nguồn cổ vũ, động viên và sự hỗ trợ để nỗ lực, tinh tấn nhiều hơn, góp phần cùng các tầng lớp nhân dân xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.
Tại phiên bế mạc, các đại biểu cũng đã thông qua Tuyên bố Ninh Bình năm 2014. Tuyên bố gồm 7 điều với nội dung vận dụng giáo pháp của Đức Phật như hướng dẫn tinh thần cho hạnh phúc, phát triển và tiến bộ chung của tất cả chúng sinh, thúc đẩy hòa giải các cuộc xung đột, phê phán các hình thức sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, đồng thời tôn trọng sự sống, thực hành lòng từ bi và bất bạo động thông qua đối thoại và hợp tác giữa các bên. Đôn đốc các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982, để duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác thế giới. Khuyến khích việc mở rộng các tổ chức Phật giáo phi chính phủ, nhằm tích cực tham gia vào công tác cứu trợ thiên tai, an sinh xã hội và đạt được các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ…
Tối cùng ngày, các đại biểu và đông đảo phật tử đã tham gia lễ Thắp nến cầu nguyện hòa bình thế giới tại quảng trường Điện Tam Thế - chùa Bái Đính, thể hiện khát vọng hòa bình của cộng đồng Phật giáo và mong muốn lan tỏa những thông điệp tốt đẹp trong tuyên bố chung Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2014 tới nhân loại trên toàn cầu.
Quốc Khang