Ngay sau khi nghe Tờ trình, Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết về Ngày bầu cử và việc quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Với 455/455 số đại biểu Quốc hội có mặt (chiếm tỷ lệ 92,11% tổng số đại biểu Quốc hội) đã tán thành ngày Chủ nhật 22- 5- 2016 là Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Cũng với 100% đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường đã tán thành thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia với số lượng, cơ cấu, thành phần Hội đồng bầu cử quốc gia như Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, Hội đồng bầu cử quốc gia gồm gồm 21 thành viên, gồm 1 Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch (Phó Chủ tịch nước, Phó thủ thướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam) và 16 thành viên hội đồng.
Theo quy định của Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quy định: Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội lập, có 15 - 21 thành viên, hoạt động theo nguyên tắc chế độ tập thể, quyết định theo đa số.
Hội đồng bầu cử Quốc gia có nhiệm vụ, quyền hạn: tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử; Chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử; quy định mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu thẻ cử tri, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu, các mẫu văn bản khác sử dụng trong công tác bầu cử.
Buổi chiều, Quốc hội đã bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Theo kết quả kiểm phiếu, đã có trên 91% đại biểu đồng ý bầu ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội khóa 13 đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Sau khi trúng cử Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, ông Nguyễn Sinh Hùng đã đọc Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia.
Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Tổng thư ký Quốc hội.
Theo đó, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc được giới thiệu vào chức danh trên. Sau đó, các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận tại đoàn về: Đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; Dự kiến nhân sự Tổng thư ký Quốc hội.
Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Mai Lan