Thực tế quản lý qua các năm cho thấy, mô hình quản lý của các HTX điện lực bộc lộ một số khó khăn nhất định như lưới điện hạ thế đã xây dựng khá lâu nên quá cũ nát, hệ thống cột điện nhiều nơi đã gãy, vỡ, nghiêng và thậm chí có chỗ dựng cả cột tre; dây điện nhiều tuyến còn chắp vá, dùng cả dây thép để dẫn điện; công tơ điện hầu hết do Trung Quốc sản xuất, hoặc của Liên Xô cũ đã sử dụng lâu năm, được treo trong nhà, ngoài hồi nhà, một số công tơ có hộp đựng nhưng không đủ quy cách. Việc đầu tư cho hệ thống lưới điện hạ thế đều phụ thuộc vào nguồn vốn tự huy động của HTX điện lực và đóng góp của nhân dân nên còn hạn chế. Do vậy, chất lượng điện năng thấp, việc kinh doanh của các HTX điện lực không mấy hiệu quả, tổn thất điện năng cao.
Được biết, tổng doanh thu năm 2007 của các HTX và doanh nghiệp trên địa bàn là 9 tỷ 854 triệu đồng, trong đó hạch toán hết 9,6 tỷ đồng; tổn thất bình quân là 19%/năm, giá trần trung bình từ 700-800 đồng/kwh. Nhiều HTX, số lãi thu được chỉ đủ trả công cho xã viên, với mức khoảng 400.000 đồng/người/tháng. Mỗi khi có sự cố lớn xảy ra như mưa lớn, bão gió gây đổ cột, đứt dây hay hỏng hóc công tơ thì nguy cơ mất an toàn là rất lớn và sẽ rất khó khăn khi phải huy động một số tiền lớn trong xã viên HTX và nhân dân để đầu tư nâng cấp, phục hồi cũng như phát triển hệ thống lưới điện.
Và sau khi đã được chuyển đổi mô hình quản lý.
Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình được giao tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn các xã trong tỉnh để bán lẻ đến tận hộ theo giá quy định của Chính phủ Hết tháng 3/2008, Chi nhánh Điện lực Yên Khánh đã thực hiện tiếp nhận xong lưới điện hạ thế nông thôn của các xã: Khánh Thiện, Khánh Tiên, Khánh Trung, Khánh Thủy, Khánh Hồng, Khánh Vân, thôn Yên Cống (Khánh An), Khánh Thành, thôn Vân Lai và xóm Hạ (Khánh Hải), khu xóm mới Trại giống lúa Khánh Nhạc.
Những thay đổi rõ nét sau bước chuyển đổi như chất lượng điện năng tốt, đảm bảo hơn, người dân phấn khởi, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân được ổn định, mức giá phải trả đúng theo quy định của Chính phủ. Các hộ dùng điện trong vùng tiếp nhận không phải bỏ tiền ra để thay thế công tơ, lắp đặt công tơ mới, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo đường dây và trạm biến áp. Ngành Điện cũng đã đảm bảo sửa chữa nhanh chóng, kịp thời khi có sự cố xảy ra và tập trung nhiều hạng mục như thay thế các hộp công tơ (công tơ không đảm bảo chất lượng), cải tạo, nâng cấp những tuyến đường dây quá cũ nát, chất lượng điện áp thấp như: nâng cấp, cải tạo, xây dựng 3,5 km đường dây hạ thế xóm Cầu (Khánh Thiện); trạm chống quá tải thôn Phú Hậu (Khánh Thiện), thôn 5, khu UBND xã Khánh Tiên, khu chợ Cát (Khánh Trung), Khánh Thủy; nâng cấp đường dây hạ thế Trạm biến áp Khánh Hồng... với tổng mức đầu tư trên 5,3 tỷ đồng.
Cho đến thời điểm này, Yên Khánh là một trong những đơn vị có bước chuyển còn chậm. Qua tìm hiểu được biết, một trong những nguyên nhân cơ bản đó là các đơn vị đang còn băn khoăn về giá trị hoàn lại của nguồn vốn mà các HTX và nhân dân đã bỏ ra đóng góp để xây dựng hệ thống lưới điện hạ thế. Bởi thực tế, có một số HTX điện lực, các xã viên đã bỏ ra một nguồn vốn lớn, hàng trăm triệu đồng để đầu tư cho lưới điện nhưng khi bàn giao thì việc định giá tài sản thấp, chỉ bằng 10-20% trị giá tài sản. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, xã viên HTX điện lực lo ngại vì thiếu việc làm sau khi bàn giao.
Việc chuyển đổi quản lý lưới điện hạ thế nông thôn từ HTX điện lực sang Chi nhánh điện là sự thỏa thuận giữa hai bên, tùy theo tình hình cụ thể của các địa phương, chưa có một văn bản cụ thể nào để định giá rõ ràng nguồn tài sản, cũng như những điều kiện bàn giao khác. Do vậy, nhiều cơ sở vẫn còn lúng túng, đắn đo. Thiết nghĩ, cần phải ban hành những văn bản hướng dẫn làm cơ sở, có tính pháp lý cho việc chuyển giao lưới điện hạ thế nông thôn và trong lúc chờ đợi thì ngành Điện và chính quyền địa phương cần phải cùng bàn bạc, thống nhất để đi đến những thỏa thuận hợp lý, đảm bảo phục vụ điện năng cho sinh hoạt và sản xuất.
Bài, ảnh: Hoàng Tâm - Đức Lam