Với những tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên và lịch sử văn hóa, từ lâu tỉnh Ninh Bình mong muốn Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đầu năm 1990, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) trình UNESCO đưa khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới, tuy nhiên vào thời điểm đó chưa đủ cơ sở cho việc lập hồ sơ.
Qua quá trình nghiên cứu, sưu tập các dữ liệu, từ sau năm 2001, Ninh Bình tiếp tục báo các các Bộ và Chính phủ. Ngày 29-4-2003, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 82/2003/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cho tỉnh triển khai hàng loạt các dự án nghiên cứu, khai quật, bảo tồn và phát huy giá trị trong khu vực. Từ năm 2007 đến 2012, tỉnh đã phối hợp với Viện Khảo cổ Việt Nam, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Trường Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) và một số các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước triển khai các dự án nghiên cứu về giá trị cảnh quan, địa chất, địa mạo và khai quật khảo cổ học…
Sau một thời gian nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong khu vực, các chuyên gia nhận thấy Quần thể danh thắng Tràng An đã hội đủ các yếu tố xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngày 3- 8-2011, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ cho phép lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới. Ngày 27-9-2011, Thủ tướng Chính phủ chính thức đồng ý cho lập hồ sơ Quần thể danh thắng Tràng An trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Để tập trung chỉ đạo xây dựng hồ sơ Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng hồ sơ di sản thế giới do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Tiếp đó, ngày 5-3-2012, tỉnh đã thành lập Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An trực thuộc UBND tỉnh. Qua gần hai năm làm việc liên tục của các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn, hồ sơ Quần thể danh thắng Tràng An đã hoàn thành và nộp cho Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO tại Paris ngày 17-1-2013.
Tháng 8-2013, UNESCO đã cử các chuyên gia tới Quần thể danh thắng Tràng An đánh giá, thẩm định hồ sơ tại thực địa. Đầu tháng 5-2014, các cơ quan tư vấn đã có báo cáo thẩm định, đánh giá hồ sơ Quần thể danh thắng Tràng An ở mức D, tức là hoãn xem xét 2 năm để bổ sung hồ sơ. Trước khó khăn đó, tỉnh đã chỉ đạo lựa chọn và mời các chuyên gia giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ và sau đó tham gia đoàn công tác đi bảo vệ hồ sơ tại kỳ họp thứ 38 của ủy ban Di sản thế giới tổ chức tại Doha (Qatar) từ ngày 15 đến 25-6-2014.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự giúp đỡ nhiệt tình của ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar và phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, Đoàn công tác của tỉnh đã làm việc liên tục, tận dụng mọi thời gian, cơ hội tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc các đoàn chuyên gia các nước thành viên ủy ban Di sản thế giới để giới thiệu, giải thích về hồ sơ cũng như những vấn đề khuyến nghị của các cơ quan tư vấn. Kết quả là chúng ta đã thuyết phục được hầu hết các nước thành viên ủy ban Di sản thế giới ủng hộ hồ sơ Quần thể danh thắng Tràng An.
Vào lúc 11h57' (giờ Qatar) ngày 23-6-2014, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO (21/21 Quốc gia) đã công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới, với các tiêu chí nổi bật là: Về văn hóa, Tràng An chứa đựng các bằng chứng cho thấy sự thích ứng của con người với các điều kiện biến đổi về địa lý và môi trường theo lịch sử trái đất. Về thẩm mỹ, Tràng An có thiên nhiên tuyệt đẹp với những ngọn núi, hang động huyền bí, sông nước thanh tĩnh, với cả đền, chùa, lăng miếu linh thiêng và những hệ động, thực vật phong phú, quý hiếm. Về địa chất - địa mạo, Tràng An minh chứng cho các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa karst trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm….
Quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh di sản thế giới là một sự kiện đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng với cả đất nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng. Đây là vinh dự to lớn của Việt Nam, bởi lần đầu tiên chúng ta có một di sản thế giới hỗn hợp cả văn hóa và tự nhiên. Sự khẳng định này góp phần làm giàu kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và thế giới. Di sản này đã góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam đang tích cực làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa thế giới. Điều đó cũng thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế với nước ta trong lĩnh vực bảo toàn di sản, từ đó góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè khắp năm châu.
Di sản này cũng khẳng định Tràng An với cảnh đẹp của núi, sông huyền ảo còn nguyên vẹn mà trái đất có được, giữ được đến ngày nay là không nhiều. Như vậy Tràng An thực sự là một điểm đến của khách du lịch thế giới. Và trở thành di sản, Tràng An đã minh chứng khẳng định chủ trương quan tâm phát triển du lịch của tỉnh từ các nhiệm kỳ trước đến nay là hoàn toàn đúng đắn. Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới sẽ góp phần thu hút du lịch, đầu tư, tạo công ăn việc làm phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Về lĩnh vực kinh tế, Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới, nhiều người đã ví đó là "con gà đẻ trứng vàng".
Ngành kinh tế du lịch của Ninh Bình sau sự kiện này sẽ có bước phát triển mới, góp phần tăng tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu GDP. Về mặt xã hội, sẽ giải quyết được việc làm cho nhiều lao động phục vụ thăm quan, du lịch, làm dịch vụ cho khu vực di sản thế giới. Tràng An là di sản thế giới đã mở ra cho ngành Du lịch Ninh Bình vận hội và thời cơ mới. Từ trước đến nay, du lịch tỉnh ta đã nổi tiếng với tiềm năng phong phú nay lại càng nổi tiếng hơn vì đến với Ninh Bình là đến với di sản thế giới về văn hóa và thiên nhiên. Và quan trọng hơn cả là di sản thế giới Tràng An sẽ được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, ngày càng đẹp hơn, tốt hơn để trao truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Có được kết quả đó là sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình mà trực tiếp là Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ Tràng An, Ban Quản lý danh thắng Tràng An, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn và các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã có những đóng góp tích cực, thiết thực cho Tràng An. Nhân dịp này, chúng ta chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, cảm ơn UNESCO, các vị Đại sứ, các Giáo sư, Tiến sỹ, các tổ chức và các vị đại biểu quốc tế đã tạo điều kiện, giúp đỡ, tham vấn, ủng hộ để Quần thể danh thắng Tràng An hôm nay được trở thành di sản thế giới.
Quần thể danh thắng Tràng An trở thành là di sản thế giới là niềm tự hào, phấn khởi, đồng thời cũng là trọng trách nặng nề trong việc gìn giữ, bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa, tự nhiên, cảnh quan môi trường, những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản để chuyển giao nguyên vẹn cho các thế hệ mai sau.
Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của vấn đề này, UBND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và ban hành kế hoạch quản lý di sản theo hướng dẫn của UNESCO, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn, phân vùng khu vực quản lý và bảo tồn, các giá trị cần bảo tồn, các kế hoạch bảo tồn và phát triển hàng năm, đồng thời nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Ban quản lý, các Sở, ngành, chính quyền địa phương các doanh nghiệp và toàn dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể Tràng An trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp tỉnh quản lý các hoạt động đầu tư, xây dựng, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, địa chất - địa mạo và khảo cổ học gắn với phát triển du lịch bền vững trong khu vực di sản. Để phát huy giá trị di sản thế giới của Quần thể danh thắng Tràng An một cách bền vững, tỉnh Ninh Bình tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, nhất là các địa phương trong vùng Quần thể danh thắng Tràng An hiểu được ý nghĩa, giá trị của việc được công nhận là di sản thể giới để từ đó có hành động đúng đắn bảo vệ và phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững - xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và chuyên nghiệp trong khu di sản thế giới. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí ở trong nước và quốc tế tăng cường thông tin, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu các giá trị di sản, nhiệm vụ quản lý, bảo tồn di sản cũng như các sản phẩm du lịch mới, độc đáo hấp dẫn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với khu di sản thế giới.
Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân trong nước và quốc tế đến nghiên cứu, thăm quan và đầu tư các dịch vụ thích hợp theo quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong và ngoài vùng di sản.
Thứ ba, triển khai lập dự án và tổ chức thực hiện các dự án trùng tu, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi các di tích, các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên trong khu vực Quần thể danh thắng theo đúng quy hoạch được duyệt; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ kết nối di sản Tràng An với thành phố Ninh Bình và các khu, điểm du lịch khác tạo thành các tua, tuyến liên hoàn, thuận tiện mang tính chất nội vùng và liên vùng.
Thứ tư, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý di sản, các hoạt động kinh doanh dịch vụ, thương mại phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quần thể danh thắng đảm bảo bền vững, tạo nét riêng, đặc trưng của quần thể danh thắng, không chỉ với các điểm du lịch trong tỉnh mà còn có sự thu hút khác biệt đối với các điểm du lịch trong vùng, trong cả nước và khu vực các nước lân cận.
Thứ năm, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế cộng đồng, giúp người dân sống trong khu vực có cuộc sống ổn định, gắn với di sản và bảo vệ di sản.
Thứ sáu, đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực để khai thác một cách hợp lý và có hiệu quả giá trị du lịch, dịch vụ của di sản… Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về hoạt động du lịch. Phối hợp các ngành, các cấp trong việc nâng cao dân trí, xây dựng môi trường, nếp sống văn hóa trong giao tiếp, ứng xử với khách du lịch.
Thứ bảy, tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi từ các bộ ngành và các địa phương, nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc bảo vệ, tôn tạo, giữ gìn các giá trị di sản và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ các hoạt động thương mại, du lịch. Kết hợp kêu gọi sự tài trợ ủng hộ của các Tổ chức phi Chính phủ (NGO), các cá nhân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp để có nguồn lực đầu tư các hạng mục, các công trình thiết yếu phục vụ các hoạt động trong và ngoài khu di sản theo quy hoạch.
Quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh di sản thế giới là bước khởi đầu quan trọng, mở ra thời cơ, thuận lợi mới trong việc phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ của tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả khu vực đồng bằng Bắc bộ cũng như cả nước nói chung. Trong tương lai, khu di sản này không những có vai trò quan trọng trong việc kết nối các điểm đến của Ninh Bình và cả trong khu vực đồng bằng sông Hồng mà còn tạo ra tiềm năng cơ hội để Ninh Bình trở thành điểm trung chuyển khách du lịch của cả vùng duyên hải Bắc Trung Bộ.
Từ vai trò quan trọng đó, di sản thế giới Tràng An rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, các tỉnh bạn và các tổ chức quốc tế trong việc quản lý, quy hoạch, đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và khai thác các dịch vụ… để làm cho Quần thể danh thắng Tràng An ngày càng được bảo vệ và khai thác một cách đúng hướng, có hiệu quả. Về phần mình, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình cam kết sẽ bảo vệ và giữ gìn nguyên vẹn các giá trị của di sản thế giới Tràng An cho hôm nay và các thế hệ mai sau.
Bùi Văn Thắng
(Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình
Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ di sản Tràng An)