Ninh Bình đã tạo điều kiện thuận lợi cả về vật chất và tinh thần để các em được phát triển toàn diện, đặc biệt là trẻ em sống tại các vùng miền khó khăn, trẻ em trong gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều trẻ em đang phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, cần tiếp tục nhậnđược sự sẻ chia của cả cộng đồng…
Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi đến thăm nhà cô bé người dân tộc Mường Bùi Thị Ngân, thôn Đồng Tâm, xã Cúc Phương (Nho Quan). Ngân vừa giúp mẹ đi nhổ lạc về, em tâm sự: Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn. Bố bị bệnh, đau yếu luôn. Mọi việc trong gia đình dồn hết lên vai mẹ em. Hàng ngày, ngoài giờ học em vẫn phụ với mẹ để làm các công việc đồng áng. Nghỉ hè rồi, em càng có thời gian giúp mẹ làm nương, làm rẫy. Sang năm em lên lớp 7, chương trình học ngày càng khó. Em cũng muốn dành thời gian để học củng cố kiến thức, nhưng trước mắt vẫn cứ phải giúp mẹ làm việc đã. Được đến trường đã là may mắn lắm rồi...
Còn ông Đinh Văn Hòa, dân tộc Mường ở thôn Nga 2, xã Cúc Phương thì ngậm ngùi: Tôi có 5 đứa con. Nhà nghèo, song đứa nào cũng ham học. Để có tiền ăn học, các cháu đều phải tham gia lao động, thậm chí trở thành lao động chính trong gia đình. Năm nay, mặc dù đã nghỉ hè được hơn nửa tháng, song cô con gái thứ 3 vừa học xong lớp 10 trường dân tộc nội trú ở dưới thị trấn vẫn chưa được về thăm nhà. Cháu tranh thủ thời gian nghỉ hè để đi làm thêm, có thêm thu nhập để tự lo mua sách vở, đồ dùng học tập cho năm học mới. Ngoài ra, cháu cũng phụ với bố mẹ để lo cho 2 đứa em sinh đôi đang học lớp 3…
Hoàn cảnh của em Ngân hay những đứa con nhà ông Hòa không phải là cá biệt. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh vẫn còn 4.390 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 2.470 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, 376 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị bỏ rơi. Đặc biệt, có 76 trẻ em bị nhiễm HIV đang hàng ngày phải đấu tranh với bệnh tật, trong khi điều kiện sống của các em rất thiếu thốn và sự phân biệt, kỳ thị của cộng đồng vẫn lớn. Hơn 100 em bị bệnh tim bẩm sinh, nhưng vì gia đình quá nghèo không chủ động được kinh phí nên vẫn phải xếp hàng chờ phẫu thuật nhân đạo. Đây đó, vẫn còn những trẻ em nghèo phải bỏ học hoặc không được học lên cao. Vì hoàn cảnh gia đình, vẫn còn nhiều trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại.
Hầu hết trẻ em nghèo ở vùng nông thôn, miền núi đang sống trong hoàn cảnh vật chất thiếu thốn, không có điều kiện vui chơi, giải trí. Tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột, buôn bán, sao nhãng trẻ em và trẻ em vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu điểm vui chơi giải trí cho trẻ em còn khá phổ biến ở nhiều địa phương; việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em chưa được quan tâm đúng mức… Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em chưa có sự chuyển biến rõ nét.
Cùng với cả nước, tỉnh ta đã xây dựng và đang ra sức triển khai các hoạt động thiết thực để hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề "Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số".
Sau lễ phát động, các đơn vị liên quan như: Ngành Văn hóa, Đoàn thanh niên, ngành Giáo dục đã và đang tổ chức các buổi sinh hoạt hè, mở các lớp giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể thao... Chiến dịch truyền thông được tổ chức rộng rãi đến tất cả các xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh về nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về công tác trẻ em. Trong đó, phát huy hình thức hội nghị tuyên truyền gắn với trợ giúp pháp lý và mô hình truyền thông của trẻ em về bảo vệ trẻ em.
Cùng với đó, các địa phương đang tổ chức quán triệt và lên kế hoạch cụ thể nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/T.Ư, ngày 5-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.
Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng cho việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. "Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, hãy bảo vệ trẻ em bằng hành động", để trẻ em nói chung và các trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nói riêng có cơ hội vươn lên, tự khẳng định mình trong cuộc sống thì các hoạt động hướng về trẻ em của các cấp, các ngành và toàn xã hội cần đi vào thực chất, lấy hiệu quả trong thực tế cuộc sống làm thước đo. Đó mới chính là mục tiêu mà Tháng hành động vì trẻ em hướng tới.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng