Tại Khoa Cấp cứu, số bệnh nhân cao tuổi phải cấp cứu do các bệnh về tai biến, sốc nhiệt, hô hấp... chiếm khoảng 40%. Bác sĩ Phan Thành Nam, Khoa Cấp cứu cho biết: Đợt nắng nóng cao điểm vừa qua khiến số lượng người cao tuổi phải cấp cứu tăng hơn so với ngày bình thường, mỗi ngày có gần chục bệnh nhân cấp cứu do các bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng.
Đáng chú ý, số người già đến cấp cứu trong tình trạng tai biến mạch máu não gia tăng. Nguyên nhân là do cơ thể người cao tuổi chưa thể thích nghi ngay với nắng nóng dẫn đến huyết áp tăng cao, gây tai biến mạch máu não. Nhiều người già phải nhập viện vì sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Nguyên nhân do cơ thể người cao tuổi không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa điều hòa và ngoài trời.
Bác sỹ Nam cho biết thêm: Khi gia đình có người cao tuổi mắc bệnh, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh, bởi vì dùng kháng sinh không đúng chỉ định, bệnh không những không khỏi mà còn gây hại. Vì đối với người cao tuổi, mọi chức năng của cơ thể đều bị suy giảm dần theo năm tháng, kể cả hệ thống miễn dịch. Trong khi hiện nay, tình trạng kháng kháng sinh xảy ra rất nhiều, có những trường hợp bệnh nhân nhập viện bị kháng tất cả các loạikháng sinh, khi đó cơ hội chữa trị còn rất ít..."
Bệnh nhân Nguyễn Thị Xích, phường Bích Đào (thành phố Ninh Bình) được cấp cứu kịp thời, nếu không có thể tử vong do tai biến mạch máu não. Bà Xích năm nay 75 tuổi, bị bệnh huyết áp cao và một số bệnh người già, thời tiết nắng nóng làm bà phát bệnh nặng. Khi vào viện, bệnh nhân ở vào tình trạng hôn mê, liệt người, không nói được... Bác sĩ chẩn đoán bị nhồi máu não tối cấp, được cấp cứu kịp thời và tiếp tục chuyển điều trị tích cực tại Khoa Đột quỵ. Các bác sĩ cho biết, đối với bệnh nhân này, phải điều trị lâu dài, tích cực và bền bỉ tập luyện mới có thể tạm phục hồi sức khỏe.
Tại Khoa Nội-Tim mạch, bệnh nhân nhập viện tăng trên 50% trong những ngày nắng nóng. Nguyên nhân là do, bệnh nhân có bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch, lại gặp thời tiết khắc nghiệt rất dễ phát sinh thêm bệnh.
Ông Mai Văn Thế, xã Khánh Hội (huyện Yên Khánh) nhập viện điều trị hơn 1 tuần, hiện sức khỏe đã tương đối ổn định. Ông Thế bị hẹp mạch vành 40%, thêm các bệnh cao huyết áp, suy tim nên gặp thời tiết nắng nóng, cơ thể không chịu nổi mặc dù ông được các bác sĩ hướng dẫn chi tiết việc chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng, như không ra ngoài khi thời tiết quá nắng, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng, theo dõi sự biến động của cơ thể để kịp thời đi khám, điều trị...
Thời gian qua, Ninh Bình nói riêng và các tỉnh phía Bắc chịu những đợt nắng nóng kéo dài, có thời điểm nắng nóng gay gắt đến đỉnh điểm, với xấp xỉ trên dưới 40 độ C, vì thế lượng bệnh nhân bị đột quỵ, viêm não, vỡ mạch máu não, tăng huyết áp... do ảnh hưởng của nắng nóng, nhất là người cao tuổi mắc bệnh mãn tính tăng đáng kể.
Không chỉ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mà tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, Trung tâm y tế các huyện, thành phố, lượng người già nhập viện điều trị các bệnh biến chứng do nắng nóng đều tăng cao.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hoài Thanh, Khoa Nội - Tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Để dự phòng các bệnh trong mùa nắng nóng, người cao tuổi cần uống đủ nước, ăn nhiều thực phẩm nâng cao sức đề kháng, giàu chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, đậu phụ,…; bổ sung thêm trái cây tươi, rau xanh để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất, nhằm tăng cường sức đề kháng. Luôn ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không dùng thức ăn lạnh sẽ tổn hại cho hệ tiêu hóa.
Thêm vào đó, cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tắm rửa bằng nước ấm để giảm thiểu tối đa tỷ lệ mắc các bệnh ngoài da. Giữ không gian sinh hoạt sạch sẽ, thoáng mát, tránh xa các loại vật nuôi - trung gian lây lan các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, người cao tuổi cần thư giãn, đi ngủ đủ giấc, đúng giờ, luôn giữ cho cuộc sống vui vẻ, thoải mái, lạc quan...
Theo dự báo, thời tiết nắng nóng còn kéo dài thêm nhiều ngày và nhiều đợt nữa, do đó việc chăm sóc sức khỏe nói chung, cho người già nói riêng càng phải được quan tâm hơn.
Theo các bác sĩ, vào những ngày nắng nóng, trên dưới 40 độ C, người cao tuổi không nên ra ngoài trời trong thời gian quá lâu, đặc biệt đối với người có tuổi, người mắc các bệnh mạn tính (tim mạch, huyết áp, bệnh phổi…) tuyệt đối không ra ngoài trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều, bởi đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao.
Nhiệt độ trong phòng điều hòa và ngoài trời không được để chênh lệch quá lớn, tốt nhất nên bật ở mức từ 25 - 27 độ. Đồng thời, không thực hiện các hoạt động thể dục thể thao dưới trời nắng nóng, không tập các bài tập quá sức, chỉ nên tập luyện điều độ mỗi ngày khoảng 30 phút đến 1 giờ các bài tập thể dục như đi bộ, chạy bộ, thể dục tay không, dưỡng sinh kết hợp hít thở sâu...
Đặc biệt, với những người có bệnh lý nền, cần tuân thủ việc sử dụng thuốc điều trị theo đơn của bác sĩ, chủ động theo dõi sức khỏe và thăm khám kịp thời khi có các dấu hiệu bệnh lý.
Bài, ảnh: Hạnh Chi