Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng bình quân 5,7%/năm. Nông lâm nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước phát huy lợi thế của địa phương, tạo ra các vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và đáp ứng nhu cầu thị trường; thu nhập và đời sống của người dân bước đầu được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên,nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Tuyên Quang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, ở nhiều nơi quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; năng suất, chất lượng, giá trị và thu nhập còn thấp, sức cạnh tranh hạn chế; sản xuất phát triển chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên.
Những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm ngành nông nghiệp chưa thực sự trở thành sản phẩm hàng hóa có hiệu quả bền vững. Liên doanh, liên kết và thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa hiệu quả. Nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính tự cung, tự cấp, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy Tuyên Quang là phát triển nông nghiệp hàng hóa phù hợp với kinh tế thị trường, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của Nhà nước. Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Phát triển hàng hóa kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phát triển. Phát triển nông nghiệp hàng hóa là động lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa; tập trung vào cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương với quy mô lớn, sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Mục tiêu giai đoạn 2016-2020, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4%/năm (trong đó: nông nghiệp tăng trên 4%/năm, lâm nghiệp tăng trên 4%/năm, thủy sản tăng 3%/năm); tổng giá trị nông sản hàng hóa chủ lực chiếm 60% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác gấp 1,6 lần so với năm 2015.
Giai đoạn 2021-2025, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 3%/năm (trong đó: nông nghiệp tăng trên 3%/năm, lâm nghiệp tăng 4%/năm, thủy sản tăng 2%/năm). Đến năm 2025, tổng giá trị nông sản hàng hóa chủ lực chiếm 70% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác tăng cao hơn so với năm 2020.
Để giúp cấp ủy, chính quyền tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, Báo Tuyên Quang xác định một số nhiệm vụ sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trong đó trong tâm là Nghị quyết số 16-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2020. Đây cũng là nghị quyết duy nhất của BCH Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ để tập trung lãnh đạo nhiệm vụ trọng tâm. Tuyên truyền sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong lãnh đạo thực hiện quy hoạch,quản lý,sử dụng hợp lý đất đai, cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa; nghiên cứu,ứng dụng khoa học,công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, nông thôn; xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu,xúc tiến thương mại,quản lý chất lượng,nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hai là, tăng cường tuyên truyền về sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, làm rõ vài trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, phổ biến đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chức năng giám sát, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Lựa chọn, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả để vận động đoàn viên, hội viên triển khai thực hiện, tập trung vào các sản phẩm chủ lực.
Ba là, Tuyên truyền về việc huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trước hết là các cơ sở sản xuất giống, hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương, công trình thủy lợi đa mục tiêu, tạo nguồn nước nuôi trồng thủy sản và tưới chủ động cho cây trồng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Bốn là, Báo Tuyên Quang bố trí tăng trang, tăng cường thực hiện các chuyên đề, chuyên mục đi sâu tuyên truyền về tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới./.