Tính đến hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã có 81 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 5 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 64 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 11 làng nghề gây trồng kinh doanh sinh vật cảnh và 1 làng nghề nề xây dựng. Có những làng nghề phát triển hàng trăm năm nay như: Làng nghề thêu ren Ninh Hải, chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân, các làng nghề cói Kim Sơn...
Vừa qua, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã tiến hành khảo sát tình hình hoạt động của các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy hầu hết các làng nghề trong tỉnh vẫn cơ bản đáp ứng tiêu chí công nhận làng nghề, tỷ lệ bình quân khoảng 45,9% số hộ trong khu vực hoạt động nghề, các làng nghề tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng doanh thu năm 2016 đạt 788,2 tỷ đồng, thu nhập của người lao động ổn định với mức thu nhập bình quân 2,33 triệu đồng/người/tháng.
Cũng qua đợt khảo sát cho thấy, hiện có 6 làng nghề dừng hoạt động, không đáp ứng tiêu chí làng nghề và 17 làng nghề hoạt động cầm chừng, hiệu quả kém, chủ yếu ở các lĩnh vực như cói, mây tre đan, thêu ren. Nguyên nhân việc giảm sút về quy mô hoạt động của các làng nghề là do chịu sự tác động của quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn nên các nghề truyền thống với thu nhập không cao không còn là sự lựa chọn của phần lớn người dân nông thôn trong độ tuổi lao động.
Bên cạnh đó, sản xuất làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, vốn ít, chủ yếu là hộ gia đình nên đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ còn hạn chế, chất lượng sản phẩm và trình độ thẩm mỹ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp so với các mặt hàng khác.
Với vai trò quan trọng của làng nghề trong phát triển kinh tế- xã hội thì việc định hướng bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống tại các khu vực nông thôn trong điều kiện hiện nay là việc làm cần thiết. Ngay sau khi khảo sát, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan tập trung thực hiện tốt các giải pháp về chính sách, nguồn vốn để hỗ trợ, khuyến khích các làng nghề trong tỉnh phát triển.
Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế hiện nay, bảo tồn và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm thước đo. Về mặt xã hội thì phát triển ngành nghề nhằm tạo thêm nhiều việc làm mới, góp phần giảm bớt tình trạng thất nghiệp ở nông thôn, tạo điều kiện cho các hộ gia đình và người lao động tăng thu nhập, ổn định và cải thiện đời sống…
Đi đôi với nâng cao năng suất lao động và phát triển kinh tế của các làng nghề, nhà nước cũng cần hỗ trợ, nâng cao chất lượng của đội ngũ lao động thông qua công tác đào tạo kỹ thuật, tay nghề cho người lao động, bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm quản lý kinh tế, kiến thức thị trường cho đội ngũ những người quản lý.
Chú trọng nâng cao trình độ dân trí, văn hóa cho lao động và dân cư trong các làng nghề, đặc biệt là lớp trẻ, của các hộ gia đình ngành nghề - đó là lực lượng nòng cốt để duy trì và phát triển các ngành nghề trong tương lai. Phát triển các làng nghề đi đôi với xây dựng và phát triển nông thôn mới, giữ gìn các thuần phong mỹ tục, bảo vệ môi trường sinh thái. Mỗi ngành nghề, làng nghề đều có những nét riêng và đặc trưng riêng cần được giữ gìn bảo tồn. Cùng với phát triển kinh tế, chú ý đến các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường bảo vệ sức khỏe, đời sống nhân dân.
Để làng nghề sau khi được công nhận danh hiệu vẫn tiếp tục duy trì ổn định và ngày một phát triển, giữ gìn những giá trị truyền thống của nghề, ngoài sự quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ của các cấp chính quyền mà đặc biệt là chính quyền cơ sở, quan trọng nhất vẫn là sự phát huy nội lực từ chính các làng nghề.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất trong làng nghề cần phải chủ động nghiên cứu đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, có giải pháp tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề để duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong làng nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới.
M.C